Trồng cây mắc ca, coi chừng mắc nợ vì giống kém!

(Dân trí) - Trên thị trường đã xuất hiện tình trạng, một số người làm ăn không có lương tâm, họ lấy mắt ghép giả bán cho người nông dân với giá thành rẻ hơn nhưng lại lâu ra trái, năng suất không cao, thậm chí là không có hiệu quả.

Đưa cây mắc ca về Việt Nam hơn một thập kỷ trước, mắc ca từng kỳ vọng sẽ giúp nhiều nông dân thoát nghèo, thậm chí trở nên giàu có, đồng thời mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam. Nhiều địa phương tại Việt Nam - đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên - đang trồng, nhân giống và đã cho thu hoạch mắc ca.

 

Tuy nhiên, có một thực trạng đang tồn tại là hiện tại bà con nông dân ở Tây Nguyên trồng nhiều giống khác nhau, không rõ nguồn gốc, nhiều vùng trồng bằng hạt thì năng suất không cao, thậm chí là không có hiệu quả. 


M
Một số người làm ăn không có lương tâm lấy mắt ghép giả bán cho người nông dân với giá thành rẻ hơn nhưng lại lâu ra trái, hiệu quả kinh tế thấp.
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tại buổi tọa đàm trực tuyến: "Cây mắc ca: Từ vì sao đến như thế nào?" hôm 14/4, nông dân Bùi Hữu Hòa - một người trồng mắc ca khá thành công đến từ huyện Lâm Hà, Lâm Đồng cho biết, cần phải khuyến cáo bà con về cây giống, mắt ghép bởi trên thị trường đã xuất hiện tình trạng, một số người làm ăn không có lương tâm, họ lấy mắt ghép giả bán cho người nông dân với giá thành rẻ hơn nhưng lại lâu ra trái.

 

"Bà con không để ý về giống, không nghiên cứu rất có thể sẽ mua phải cây mắt ghép giả. Trên thị trường, nhiều nơi dùng mắt ghép giả bán cho bà con. Cây mắt ghép giả nhân rất nhỏ, trong khi cây ghép thật nhân to hơn nhiều. Cây mắt ghép giả từ 5-7 năm mới có trái dù giá thành rẻ hơn chỉ từ 30.000 đồng. Cây mắt ghép thật giá là 70.000 đồng, chỉ 3 năm là đã có trái. Làm nông nghiệp 5-7 năm không có trái dẫn đến vay rủi ro, làm không ra tiền", ông Hòa nói.

 

Theo ông Hòa, do chọn được giống cây tốt nên vườn mắc ca của gia đình ông đạt hiệu quả khá tốt. Từ năm 2009, gia đình ông đã trồng 600 cây mắc ca thì 2 năm sau có trái. Năm 2010, đã có hạt mắc ca để thu hoạch. Năm 2014, thu hoạch về được 107 triệu đồng thì tới năm thứ 5 đã tăng lên 295 triệu đồng. Trong năm 2015, vườn nhà ông trồng 600 cây thì 500 cây đã có trái đều, chỉ có 1 cây duy nhất không ra quả, do thay tán, ghép cây khác. 

 

Trao đổi về giống cây mắc ca, ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: "Để phát triển mắc ca thành một ngành hàng, chúng ta cần quan tâm tới thương hiệu ngay từ bây giờ, chứ không phải để đến lúc sản phẩm ra đến thị trường. Để có được sản phẩm mắc ca đồng đều, đạt chuẩn quốc tế, phải sử dụng giống đã được quốc tế nghiên cứu và đánh giá là giống có năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường thương mại". 

 

Theo ông Ninh, ở Việt Nam, qua con đường trao đổi nghiên cứu khoa học, Việt Nam đã nhập 10 giống đã được công nhận ở nước ngoài, riêng khu vực Tây Nguyên, 4 giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Hiện cả nước đã có 2, 3 vườn cây đầu dòng được công nhận đủ tiêu chuẩn cung cấp hom. 

 

"Để sử dụng giống cho hiệu quả, bắt buộc phải quản lý giống chính cho chặt chẽ. Mắc ca được nhân giống vô tính từ các cây đầu dòng, do đó cơ quan quản lý phải quản từ các vườn cây đầu dòng. Chỉ những vườn được phê duyệt mới được dùng để lấy hom, ghép và sử dụng để sản xuất cây giống. Những cây con khi lấy từ nguồn giống được công nhận, cũng phải được cơ quan chức năng đến thẩm định và cấp chứng nhận, rồi mới được lưu thông thị trường. Chúng đều phải được gắn nhãn mác", ông Ninh nói.
 
Cũng theo vị này, những cây đầu dòng không được cấp chứng chỉ, cây con không được chứng nhận, sẽ không được đưa vào sản xuất. Những ai cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt, trong đó cá nhân bị phạt thấp nhất 10 triệu đồng. Đồng thời toàn bộ cây và giống chưa hợp lệ sẽ bị tiêu hủy. 

 

"Nên tôi cũng lưu ý những ai đang sở hữu nguồn giống chưa được cấp chứng chỉ, cần liên hệ ngay với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc hơn 1 nửa là giống thực sinh thì là nguy cơ. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ phải đi kiểm tra việc cấp chứng chỉ nguồn giống, ngoài ra phải kiểm định cả xem có đúng giống hay không. Đó là cả một chu trình quản lý chặt chẽ", ông Ninh nhấn mạnh. 

 

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”