Quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc

Trung Quốc dù đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng doanh nghiệp nước ta lại lệ thuộc vào thị trường này quá nhiều và “căn bệnh” nhập siêu ngày càng trầm trọng.

Năm 2012, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc (TQ) đạt hơn 41,2 tỉ USD nhưng nước ta nhập siêu trên 16,3 tỉ USD. Bước sang năm 2013, trong khi xuất khẩu qua thị trường TQ 2 tháng đầu năm chỉ 2,93 tỉ USD thì nhập khẩu đã lên đến 7,41 tỉ USD khiến cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt hơn 4,4 tỉ USD.

Đau đầu với nhập siêu

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - TQ (ACFTA) được ký kết ngày 29-11-2004, có hiệu lực từ đầu năm 2005 và các nước bắt đầu thực hiện cắt giảm thuế từ ngày 1-7-2005. Theo các chuyên gia kinh tế, hiệp định này đề ra quy định đối với hầu hết những khía cạnh liên quan đến thương mại hàng hóa giữa các nước ASEAN - TQ. Do sự khác biệt về trình độ phát triển, lộ trình giảm thuế của Việt Nam chậm, kém linh hoạt hơn TQ và các nước ASEAN. Đến nay, về cơ bản, nhiều mặt hàng sẽ được đưa về thuế suất 0% và Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường vào năm 2015.

Với những ưu đãi về thuế quan từ ACFTA, nhiều nước thuộc khối ASEAN đang xuất siêu vào TQ, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất điện tử, cơ khí… Trong khi đó, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này lại ngày càng nặng nề.

Rau củ Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai sang thị trường Việt Nam. Ảnh: THẾ DŨNG 
Rau củ Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai sang thị trường Việt Nam. Ảnh: THẾ DŨNG 

Theo báo cáo “Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO” của Bộ Kế hoạch - Đầu tư vào tháng 4-2013, từ năm 2007, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2006-2008, Việt Nam thu được lợi ích ngày càng ít hơn từ xuất khẩu vào TQ, ngay cả khi xuất khẩu vào thị trường này vẫn tăng.

Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn 2002-2006, ASEAN là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỉ trọng 25,2%, tiếp sau là TQ, Nhật Bản... Tuy nhiên, sau đó, tỉ trọng nhập khẩu từ TQ đã tăng rất nhiều, từ mức bình quân 13,4% giai đoạn trước lên đến 23,3% giai đoạn 2010-2011. Nguyên nhân một phần là do thực hiện các công trình tổng thầu của nhà thầu TQ ở Việt Nam, khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa TQ...

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 1991-2000, kim ngạch thương mại 2 nước từ mức 300 triệu USD đã tăng lên 2,9 tỉ USD. Cán cân thương mại khá cân bằng và có năm Việt Nam đã xuất siêu. Từ năm 2001 đến nay, kim ngạch thương mại tăng từ 3 tỉ USD lên đến 41,2 tỉ USD (năm 2012) nhưng mức nhập siêu cũng tăng vọt, từ 210 triệu USD lên 16,3 tỉ USD. Hơn 85% giá trị hàng nhập khẩu là vật tư đầu vào cho sản xuất công nghiệp và nguyên phụ liệu cho gia công xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt dễ “chết đứng”

Tại hội thảo “Thâm nhập thị trường TQ - ACFTA và kinh nghiệm từ những doanh nghiệp (DN) đi trước” tổ chức ở TPHCM cuối tuần qua, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét nhập siêu từ TQ ngày càng tăng cao và đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá: TQ hiện giữ vai trò “công xưởng của thế giới” trong mạng sản xuất toàn cầu. TQ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam từ vài năm qua nhưng nhập siêu từ thị trường này đang rất lớn.

Theo phân tích của TS Thành, trong năm 2012, thương mại 2 nước đạt 41,2 tỉ USD nhưng nhập siêu từ thị trường này hơn 16,3 tỉ USD (chưa tính hàng buôn lậu). Trong số hơn 28,8 tỉ USD nhập khẩu, Việt Nam nhập máy móc để DN đầu tư sản xuất khoảng 30%, hàng trung gian là nguyên phụ liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chiếm khoảng 60% và gần 10% còn lại là hàng tiêu dùng cuối cùng.

“Lượng hàng trung gian nhập khẩu quá lớn phản ánh nền kinh tế Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ, đang phải bươn chải, sống sót phụ thuộc lớn vào việc nhập hàng TQ. Khi đó, chỉ cần TQ cho ngừng xuất khẩu là cả trăm ngàn DN Việt Nam sẽ “chết đứng” trong ngắn hạn bởi không kịp xoay chuyển. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, rất yếu cũng cho thấy chúng ta đang quá phụ thuộc vào thị trường TQ, cả hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng” - TS Thành lo ngại.

Ông Lê Trúc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM, cho rằng nhập siêu lớn từ TQ là do nền kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào gia công nên phải nhập nguyên phụ liệu đầu vào, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, da giày…

Để giảm nhập siêu, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu vào thị trường TQ, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm sự phụ thuộc hàng trung gian từ nước này. Tuy nhiên, đây là cả câu chuyện dài.

“Thế giới phẳng” chỉ cho hàng TQ!

Theo ông Lê Trúc Phương, trong khi thương lái TQ vào Việt Nam thu mua nông sản, thuê đất trồng cây, xuống tận Cà Mau mở đại lý gom hàng như chỗ không người thì hàng Việt Nam xuất qua TQ lại quá khó khăn, vấp phải nhiều rào cản. Thế giới dường như chỉ phẳng cho hàng hóa từ TQ qua Việt Nam mà không phẳng ở chiều ngược lại. Việt Nam đang thiếu những rào cản về thương mại, kỹ thuật nên cần nhanh chóng áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa nhập khẩu, không thể để người nước ngoài qua nước ta tổ chức kinh doanh, mua bán, gom hàng rồi ép giá nông dân mà được không xử lý triệt để.

TS Võ Trí Thành cho rằng sau khi thuế bị dỡ bỏ trong các cam kết FTA, vấn đề còn lại sẽ là các điều tiết sau đường biên giới về cạnh tranh, cấp phép, dịch vụ, thương mại mà chúng ta cần phải chú ý.

 
Theo Thái Phương
Người Lao Động