Nông, thủy sản Trung Quốc tràn ngập chợ

Việc “đổ bộ” của cá tầm, gia cầm lậu Trung Quốc khiến nghề nuôi cá tầm non trẻ và ngành chăn nuôi trong nước lao đao. Tại các chợ đầu mối, ngoài hoa quả, nông sản khô (tỏi, hành, gừng, ớt…) của Trung Quốc đang được bày bán tràn lan.

 

Gừng, tỏi Trung Quốc ngập tràn nhiều chợ ở Việt

Gừng, tỏi Trung Quốc ngập tràn nhiều chợ ở Việt Nam. Ảnh Phạm Anh

 

Hàng Trung Quốc chỉ đẹp mã

 

Các chợ đầu mối Long Biên, Đền Lừ (Hà Nội) là nơi tập kết hàng nông sản Trung Quốc, mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm chuyến xe tải chở hoa quả, nông sản khô…từ biên giới về tiêu thụ.

 

Theo tìm hiểu của PV, từ các chợ đầu mối này, hàng Trung Quốc len lỏi vào các chợ lẻ, đầu mối tiêu thụ lớn ở Hà Nội và về các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh…

 

Chị Hòa, một tiểu thương buôn hoa quả ở chợ Long Biên cho biết, thời điểm này, dù trái cây miền Nam vào chính vụ, đưa ra Bắc nhiều, nhưng hàng Trung Quốc vẫn có “chỗ đứng” trong chợ. Dịp này, hoa quả Trung Quốc về chợ chủ yếu là cam, táo, dưa vàng…

 

Táo Trung Quốc bán ở chợ Long Biên chỉ 20.000-25.000 đồng/kg, dưa vàng bán 37.000-42.000 đồng/kg (tùy loại). Theo chị Hòa, dù rẻ hơn 10.000-20.000 đồng/kg so với các loại trái cây trong nước, hàng Trung Quốc vẫn khó bán hơn.

 

“Sau thông tin về táo, nho, cải thảo, gừng…Trung Quốc có các chất độc hại, người tiêu dùng dè chừng”, chị Hòa nói.

 

So với trái cây, hàng nông sản khô như gừng, tỏi, hành, bí đao… Trung Quốc tuồn về nhiều. Hầu hết các cửa hàng bán đồ khô ở các chợ, đều thấy có bán hàng Trung Quốc.

 

Tại ô hàng của chị Hoãn trong chợ Long Biên, hơn chục bao tỏi (loại 20 kg/bao) và hành (hơn 30 kg/bao) chất lên nhau, có chữ Trung Quốc quanh bao chuẩn bị vận chuyển cho khách hàng.

 

Chị Hoãn cho biết, chị buôn hàng Trung Quốc hơn chục năm nay. Hành, tỏi Trung Quốc tép to, nhìn đẹp mã, dễ bóc, giá rẻ nên hầu hết các nhà hàng ăn uống lớn, nhỏ đều đặt mua.

 

“Tỏi Trung Quốc chỉ bán 14.000-16.000 đồng/kg, hành cũng tương tự. Trong khi đó, hành, tỏi của ta dù độ thơm ăn đứt hàng Trung Quốc, nhưng tép nhỏ, mã xấu, giá bán cao hơn gấp đôi tới 35.000-40.000 đồng/kg nên khó bán, chỉ gia đình mua về ăn. Mỗi ngày tôi bán 3-4 tạ, còn lúc cao điểm cũng ngót nghét tấn hành, tỏi Trung Quốc, chị Hoãn cho biết.

 

Tại chợ đầu mối Đền Lừ, nơi có nhiều rau, củ, quả của Việt Nam tập kết, hàng khô Trung Quốc cũng tràn ngập. Một tiểu thương đang dỡ bao gừng Trung Quốc xuống, cho biết gừng Trung Quốc to gần gấp đôi củ gừng ta, màu vàng sẫm, được làm sạch, rất bắt mắt.

 

Hầu hết nhà hàng đều dùng gừng này, giá bán lẻ cao tới 19.000-20.000 đồng/kg, người ta vẫn mua. Còn gừng ta sần sùi, dính đất nên giá bán chỉ 10.000-12.000 đồng/kg, khách hàng chủ yếu là gia đình mua nhỏ lẻ.

“Hiện Bộ NN&PTNT đang giao cho Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, lấy mẫu, phân tích các dư chất trong cá tầm, cá quả, ốc, ếch, và sẽ được công bố kết quả trong thời gian tới” - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Dương Tiến Thể

 

Theo cơ quan kiểm dịch thực vật đóng ở Lạng Sơn, Lào Cai danh mục các mặt hàng nông sản nhập về tới trên 60 loại. Tại các cửa khẩu Lạng Sơn, năm 2012, Việt Nam nhập tới 680.000 tấn các loại rau, củ quả từ Trung Quốc; trong đó, cam 33.000 tấn, quýt trên 105.000 tấn, lê 43.000 tấn, táo 56.000 tấn, tỏi trên 116.000 tấn, hành tây 64.000 tấn, hành củ khô 18.500 tấn…

 

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Kiểm dịch Thực vật vùng VII (thuộc Cục Bảo vệ Thực vật, đóng ở Lạng Sơn) cho biết, thời điểm này, hàng nông sản nhập từ Trung Quốc chủ yếu cam, lê, hành, tỏi… Giá nhập ở bên kia cửa khẩu với hành, tỏi, gừng, lê khoảng hơn 10.000 đồng/kg, còn cam khoảng 20.000 đồng/kg. Các loại cam, quýt, và nhiều trái cây khác, thường từ tháng 8, 9 âm lịch trở đi mới nhập về nhiều.

 

Loại nào cũng bị nghi độc hại

 

Cán bộ kiểm dịch lấy mẫu tỏi kiểm tra ATTP ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Phạm Anh.
Cán bộ kiểm dịch lấy mẫu tỏi kiểm tra ATTP ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Phạm Anh.

 

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, mới đây, có thông tin gừng Trung Quốc nhiễm aldicarb (hoạt chất độc hại), không nằm trong danh mục thuốc BVTV cho phép sử dụng ở Việt Nam.

 

Theo ông Hồng, Cục đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật ở biên giới tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là sử dụng bộ dụng cụ kiểm tra nhanh ở các cửa khẩu, nếu phát hiện sẽ tiếp tục phân tích định lượng, sẽ có biện pháp tiếp theo.

 

Từ đầu năm tới nay, cơ quan kiểm dịch thực vật, cũng phát hiện một mẫu chanh vàng, nhập từ Trung Quốc có nhiễm chất carbendazim vượt mức cho phép, nhập qua cửa khẩu ở TPHCM.

 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục BVTV, lượng gừng sử dụng của mỗi gia đình không nhiều, nên nguy cơ không cao như các loại rau, quả tươi đang được sử dụng nhiều mỗi ngày. Từ đầu năm tới nay, lượng gừng nhập khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc khoảng 350 tấn.

 

Theo ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam, việc kiểm soát số lượng, chất lượng, cũng như giá cả với các mặt hàng nông, thủy sản Trung Quốc là hết sức quan trọng.

 

Ông Mưu cho biết, hội đã có văn bản, đề nghị các tỉnh biên giới tập hợp các số liệu nhập lậu các mặt hàng thủy sản từ Trung Quốc. Riêng cá tầm, mỗi năm khoảng 500 tấn từ Trung Quốc nhập lậu vào nước ta.

 

“Giá hàng thủy sản Trung Quốc nhập vào nước ta rất rẻ. Có thể họ dùng thuốc tăng trọng, hoặc biết đâu họ có một sự hỗ trợ nào đó, nên giá cá tầm của họ chỉ 50.000-70.000 đồng/kg. Chỉ hơn một nửa giá của mình sản xuất, phải chăng đây là hình thức bán phá giá. Rồi lươn, cua, ốc, ếch, con giống thủy sản… họ cũng nhập vào, kiểm soát thế nào về chất lượng đây?”, ông Mưu băn khoăn.

 

Vị lãnh đạo Hội nghề cá cũng cho biết, là nước nông nghiệp, nhưng chúng ta nhập nhiều mặt hàng nông sản từ Trung Quốc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

 

“Ngăn chặn hàng lậu nông sản, phải giao rõ trách nhiệm cho các bộ, ngành. Khoảng 500 tấn cá tầm lậu, có phải cái kim, sợi chỉ đâu mà dễ dàng qua bao nhiêu cơ quan chức năng để cá tầm vào sân bay Nội Bài rồi đưa thẳng vào TPHCM được”.

 

Ông Dương Tiến Thể - Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đang giao cho Cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, lấy mẫu, phân tích các dư chất trong cá tầm, cá quả, ốc, ếch, và sẽ được công bố kết quả trong thời gian tới.

 

Về trách nhiệm quản lý hàng nông sản nhập lậu, đặc biệt là mặt hàng cá tầm lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, vì lợi nhuận cao nên các đối tượng làm ăn phi pháp không từ bất cứ thủ đoạn nào để kiếm lời. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát của chúng ta còn mỏng nên khi phát hiện sơ hở là bọn buôn lậu lợi dụng để buôn bán.

 

 Theo Cục Kiểm dịch Thực vật vùng VII, 4 tháng đầu năm nhập gần 150.000 tấn nông sản từ Trung Quốc, với danh mục gần 40 loại trái cây, rau, đồ khô, trong đó, tỏi củ khô trên 13.400 tấn, hành khô gần 1.100 tấn, táo gần 18.000 tấn, gừng trên 110 tấn…

 

Theo Phạm Anh – Phong Cầm

Tiền Phong