Phương Tây "trở tay không kịp" trước thế thống trị của xe điện Trung Quốc
(Dân trí) - Các ông lớn xe điện Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư để nhắm đến thị trường nước ngoài. Điều này khiến Chính phủ nhiều nước cân nhắc các biện pháp để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Sự phát triển thần kỳ của BYD
Trong gần một thế kỷ, Toyota đã tự hào về khả năng liên tục cắt giảm chi phí sản xuất những chiếc xe đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.
Nhưng khi Takero Kato, người đứng đầu bộ phận được giao nhiệm vụ chế tạo xe điện của Toyota, đến du lịch Trung Quốc vào năm 2018, ông đã bị sốc trước những gì mình nhìn thấy.
"Lần đầu tiên, tôi thấy rõ được khả năng cạnh tranh của các linh kiện Trung Quốc", ông chia sẻ với Toyota Times, tờ báo nội bộ của công ty, vào tháng 11. "Nhìn vào những thiết bị mà tôi chưa từng thấy ở Nhật Bản và công nghệ sản xuất hiện đại của họ, tôi cảm thấy lo lắng. Chúng ta đang gặp rắc rối".
Và đúng như những lo lắng của ông Takero Kato, năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, theo dữ liệu của công ty tư vấn Automobileity.
Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng gần gấp 5 lần kể từ năm 2020 và cán mốc 5 triệu chiếc vào năm ngoái. Trong quý cuối cùng của năm 2023, lần đầu tiên ông lớn xe điện Trung Quốc BYD trở thành công ty ô tô bán chạy hơn Tesla.
Doanh thu của BYD chủ yếu đến từ thị trường nội địa, thị trường mà BYD chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nhiều hãng xe điện Trung Quốc đang tham vọng tiến ra thị trường quốc tế.
Họ đang ấp ủ kế hoạch mở rộng nhà máy ở Hungary và Mexico để thâm nhập các thị trường phương Tây với các mẫu xe điện giá rẻ hơn. Điều này nhằm đảm bảo sự thống trị toàn cầu của họ và thách thức các "gã khổng lồ" lâu đời như General Motors, Ford và Volkswagen.
"Không ai có thể sánh ngang với BYD về giá cả", Michael Dunne, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Dunne Insights, chia sẻ với Financial Times.
Làn sóng ô tô giá rẻ Trung Quốc
Chính phủ Mỹ đã đáp trả bằng một loạt các khoản trợ cấp để khuyến khích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, viễn cảnh hàng triệu ô tô công nghệ cao, giá rẻ của Trung Quốc đổ bộ vào phương Tây cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Việc hạn chế nhập khẩu ô tô giá rẻ có thể cản trở sự phát triển của thị trường xe điện khi châu Âu đang cố gắng hạn chế lượng khí thải và nỗ lực hướng tới việc cấm hoàn toàn các loại xe sử dụng động cơ đốt trong.
Trong bài phát biểu vào tháng 9 năm ngoái, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, phàn nàn rằng Trung Quốc đang đổ bộ vào thị trường toàn cầu với xe điện giá rẻ và Bắc Kinh đang hạ giá thông qua các khoản trợ cấp khổng lồ.
Điều này khiến châu Âu phải nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra nhắm đến ngành công nghiệp Trung Quốc và cân nhắc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của quốc gia này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bị giới hạn bởi hàng rào thuế quan, họ vẫn có thể cạnh tranh về giá với các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu.
Chi phí là lợi thế chính của BYD. Các nhà lãnh đạo trong ngành cũng thừa nhận BYD là mối đe dọa lớn nhất, đến từ chuyên môn sản xuất pin, bộ phận đắt nhất của xe điện.
BYD phát triển từ một nhà sản xuất pin điện thoại di động từ những năm 2000 và đã trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Pin của BYD nằm trong số những loại có chi phí thấp nhất trên thế giới đồng thời có mật độ năng lượng gần như cao nhất, mang lại hiệu suất tốt hơn cho ô tô.
Điều đó đã giúp BYD hạ gục các đối thủ phương Tây. Atto 3, mẫu xe rẻ nhất của BYD, được bán với giá chỉ 38.000 euro ở châu Âu, trong khi Tesla Model 3 có giá khoảng 43.000 euro tại các thị trường lớn như Đức và Pháp.
BYD đã xuất khẩu gần 250.000 ô tô trong năm ngoái và ban lãnh đạo nhấn mạnh với các nhà đầu tư rằng họ có thể tăng con số đó lên hơn 10 lần trong những năm tới.
"Trung Quốc vẫn sản xuất và mua nhiều xe điện hơn phần còn lại của thế giới cộng lại", ông Dunne cho biết. "Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang có đủ công suất để cung cấp 75% nhu cầu xe điện toàn cầu. Điều đó sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô phương Tây phải e ngại".
Hướng tới thị trường nước ngoài
Tuy nhiên, trong khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đổ bộ vào châu Âu, hành trình giành được chỗ đứng trong lĩnh vực ô tô trị giá 1.500 tỷ USD của Mỹ vẫn còn nhiều gập ghềnh.
BYD và một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác đang thăm dò thị trường Mexico để tìm địa điểm sản xuất mới nhắm đến người tiêu dùng Mỹ cũng như các quốc gia khác trong khu vực.
Các tập đoàn Trung Quốc vốn đã gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Mỹ so với các nhà sản xuất ô tô đối thủ đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các công ty như BYD một ngày nào đó vẫn có thể chiếm lĩnh thị trường ô tô Mỹ dù đang phải chịu các rào cản thương mại và tâm lý.
Yếu tố cạnh tranh, giống như ở châu Âu, là chi phí. Phân khúc giá thấp hơn của thị trường ô tô phần lớn bị các ông lớn bỏ qua.
Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Dunne Insights lưu ý rằng giá trung bình của một chiếc ô tô mới ở Mỹ trong năm nay là khoảng 48.000 USD.
"Hãy tưởng tượng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đưa ra một sản phẩm trị giá 20.000 USD. Mức thuế hiện tại là 25% và có thể lên tới 25.000 USD hoặc 26.000 USD. Họ vẫn đang ở một vị trí rất tốt", ông nhấn mạnh.
Nhưng những người khác chỉ ra rằng lợi thế về chi phí không phải là cố định. Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, cho biết khi các tập đoàn như BYD sản xuất bên ngoài Trung Quốc, họ sẽ không được hưởng mức hỗ trợ của nhà nước như ở trong nước.
Sự cảnh giác của chính quyền phương Tây
Các chính phủ phương Tây đang ngày càng cảnh giác trước sự xâm nhập của Trung Quốc vào thị trường của họ.
Mỹ đã cảnh báo với Mexico về làn sóng đầu tư sắp xảy ra từ Trung Quốc. Họ lo ngại các công ty Trung Quốc sẽ sử dụng Mexico làm "cửa sau" để tiến vào thị trường của họ. Trong khi đó, cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp của châu Âu cũng sẽ sớm đưa ra kết luận.
Đồng thời, các quan chức ở cả Mỹ và châu Âu cũng đang tập trung hơn với những rủi ro an ninh khi sử dụng các linh kiện do Trung Quốc sản xuất trong cơ sở hạ tầng quan trọng như năng lượng và viễn thông. Các chuyên gia cho biết những lo ngại như vậy giờ còn lan sang cả các phương tiện cũng như pin và công nghệ sạch khác của Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đang cố gắng định vị mình là công ty "toàn cầu" để chống lại sự nghi ngờ của người tiêu dùng phương Tây đối với các tập đoàn Trung Quốc.
William Li, người sáng lập và giám đốc điều hành của tập đoàn xe điện Nio có trụ sở tại Thượng Hải, cuối năm ngoái nói rằng các nhà đầu tư từ bên ngoài Trung Quốc nắm giữ hơn 80% cổ phần của công ty. Công ty đã duy trì văn phòng ở Thung lũng Silicon kể từ khi thành lập năm 2015.
"Chúng tôi đã hy vọng trở thành một công ty khởi nghiệp toàn cầu kể từ khi thành lập", Li nói. "Vấn đề chúng tôi đang giải quyết cũng là vấn đề mà cả thế giới đang cùng nhau đối mặt".