Phê duyệt CPTPP: "Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt"

(Dân trí) - Dẫn thông tin về thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, Chủ tịch VCCI cho rằng: "Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này. Con đường cải cách do vậy còn dài”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI. (Ảnh: Như Phúc).
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI. (Ảnh: Như Phúc).

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường Quốc hội khóa xem xét việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương – CPTPP sáng 5/11, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại.

"Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Đây cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững", ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng thừa nhận, tất cả mới chỉ là cơ hội và cũng bởi kỳ vọng rất nhiều vào các cơ hội từ Hiệp định này, nên chúng ta cũng không thể không lo lắng.

"Lo lắng về nguy cơ các cơ hội này có thể không thể trở thành hiện thực. Bài học từ việc thực hiện 10 FTAs đang có cho thấy rất rõ điều này", ông nói.

Theo ông Lộc, các FTAs từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (và chủ yếu thuộc về các FDI). Hơn 60% còn lại, vì nhiều lí do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt.

Ông Lộc cho rằng, việc ký kết và phê chuẩn CPTPP là một quyết định chính trị quan trọng thể hiện bản lĩnh và tầm nhìn xa trông rộng của Đảng và Nhà nước ta vì lợi ích của đất nước. Nhưng việc quan trọng hơn là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra.

"CPTPP là một Hiệp định tiêu chuẩn cao nhất từ trước tới nay, thì Chương trình hành động thực thi Hiệp định này cũng phải đạt tới những chuẩn mực cao nhất. Nỗ lực xuyên suốt, quyết định thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao này, suy cho cùng chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu so với yêu cầu đó, thì chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều", ông nói.

Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng dẫn kết quả Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố tuần qua cho thấy, Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP.

"Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này. Con đường cải cách do vậy còn dài", ông nhìn nhận.

Ông Lộc nói thêm rằng: "Để vượt lên, cải cách cần phải được gia tốc, và những nỗ lực cải cách và hội nhập vẫn phải bắt đầu từ những điều giản dị: Khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm ; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... để không chỉ tiếp tục cởi trói mà còn tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân".

Phương Dung

Phê duyệt CPTPP: "Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt" - 2