Phê chuẩn Hiệp định CPTPP: "Có cả thách thức nhưng lợi thế sẽ nhiều hơn"

(Dân trí) - Sáng nay (2/11), thảo luận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan tại phiên họp tổ, đa số ý kiến đại biểu tán thành với việc phê chuẩn Hiệp định.

Đại biểu thảo luận tại tổ về CPTPP.
Đại biểu thảo luận tại tổ về CPTPP.

"Hàng Việt Nam sẽ đi ra biển lớn"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, khi tham gia CPTPP chúng ta có "cơ hội rất lớn và thách thức không nhỏ". Trong đó, cơ hội đầu tiên có thể đẩy nhanh sự hội nhập quốc tế, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhanh hơn, mạnh hơn, tiến bộ hơn.

Thêm nữa, CPTPP mở ra một thị trường mới, rộng hơn. Đặc biệt, CPTPP có sự tham gia của các nước thành viên rất giàu, GDP bình quân trên 30.000 USD/đầu người, ví dụ như Canada là 45.077USD/đầu người, Australia là 55.707 USD/ đầu người, New Zealand là 41.593 USD/ đầu người, Singapore là 57.513 USD/đầu người (số liệu 2017).

"Khu vực này là các nước giàu, bình quân thu nhập đầu người cao, chỉ có Việt Nam có thu nhập bình quân thấp nhất với 2.380 USD/ đầu người. Cơ hội đặt ra với thu nhập bình quân/ đầu người cao như vậy chính là tiêu dùng của những nước này rất nhiều", ông nói.

Mặc dù chúng ta có được thêm công ăn việc làm, GDP sẽ tăng trưởng thêm, nhưng những biến đổi về xuất nhập khẩu có thể dẫn tới thâm hụt cán cân thương mại và bất ổn trong vấn đề về tỷ giá và kinh tế vĩ mô tham gia hiệp định lớn, Việt Nam sẽ ra biển lớn, có công ăn việc làm, GDP tăng trưởng thêm nhưng mặt khác lại gặp thách thức biến đổi về xuất nhập khẩu, dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại, gây bất ổn về tỷ giá.

Ông nhắc lại bài học kinh nghiệm khi gia nhập WTO năm 2007 cho biết: "Lúc đó chúng ta rất phấn khích vào tổ chức thương mại thế giới với kỳ vọng hàng Việt Nam sẽ đi ra biển lớn, đi khắp các nước, nhưng cuối cùng hàng nước ngoài ồ ạt vào trong nước nhiều hơn hàng Việt Nam các nước, từ đó Việt Nam nhập siêu nghiêm trọng dẫn tới những bất ổn kinh tế vĩ mô".

"Có cả thách thức nhưng lợi thế sẽ nhiều hơn"

Đại biểu Vũ Hải Hà (Đồng Nai) cho rằng, nếu Việt Nam tham gia CPTPP trong giai đoạn hiện nay sẽ mở ra rất nhiều lợi thế và tiềm năng: đa dạng hóa thị trường, tạo công ăn việc làm; thúc đẩy cải cách trong 1 số lĩnh vực trong nước; có sự cân bằng phát triển trong xu thế bảo hộ hiện nay; tạo điều kiện cơ sở để tham gia sâu hơn về chuỗi sản xuất quốc tế với các nước trong khối; tạo ra 1 môi trường tin tưởng thu hút nguồn đầu tư...

"Tham gia vừa là lợi thế vừa là thách thức đối với Việt Nam nhưng lợi thế sẽ là nhiều hơn, nên tham gia càng sớm càng tốt", đại biểu nhận định.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đánh giá, việc tham gia CPTPP là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam với các quy định về lao động, công nghiệp chưa đổi mới nhiều, năng suất lao động chưa cao, khi vươn ra biển lớn sẽ gặp phải sóng to. Tuy nhiên, nếu chúng ta chạy đua mà có thể đồng hành được thì sẽ tăng trưởng GDP; từ đó Việt Nam nên sửa các điều luật sao cho tương thích.

Đại biểu cho rằng, CPTPP được thông qua sẽ giúp phát huy được uy tín của Việt Nam trong khu vực và trong khối ASEAN cũng như thúc đẩy nội lực đất nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhìn nhận, thách thức đối với Việt Nam về Hiệp định này đồng thời cũng là 1 cơ hội để phát triển. "Việc phê chuẩn Hiệp định là điều tất yếu, Quốc hội không nên lưỡng lự và đợi chờ quá lâu, chúng ta đã lỡ một bước đi Australia là nước thứ 6 phê chuẩn Hiệp định rồi, không nên để lỡ thêm", ông nói.

Còn theo Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), lợi ích mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại là khoảng 0,3% tổng GDP các nước thành viên tương ứng với 37,3 tỷ USD trong trung hạn và tăng phúc lợi khoảng 21 tỷ USD. Theo tính toán, Malaysia có lợi nhiều nhất khoảng 2%GDP, Việt Nam và Brunei khoảng 1,5%GDP, New Zealand và Singapore thì khoảng 1%.

Bên cạnh đó, đối với Việt Nam thì CPTPP sẽ là tập hợp có ý nghĩa các nước trong khu vực đem lại lợi ích thiết thực từ đó tác động đến các nước khi tham gia thúc đẩy hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

"Đối với các doanh nghiệp trong nước, CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường quốc tế đối với các doanh nghiệp trong nước; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và sẽ tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài cũng như khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại", ông nói.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do Hiệp định quy định nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư đến các vấn đề ít truyền thống hơn như lao động, môi trường mua sắm của các cơ quan Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) phân tích, khi thông qua Hiệp định Việt Nam sẽ bình đẳng với tất cả các nước. Các doanh nghiệp có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn về xuất khẩu, nhập khẩu. Do đó, Việt Nam cần lường trước các khó khăn, thách thức, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời về thể chế chính sách để chuyển mình theo sự hội nhập, tận dụng được những thuận lợi, thời cơ phục vụ sự phát triển đất nước.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, cần đánh giá toàn diện, khách quan các mặt một cách tỷ mỉ, cận trọng, đặc biệt trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, Chính phủ cần chủ động có kế hoạch khi hội nhập đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng hóa nông sản cũng như sớm đề xuất sửa dổi, bổ sung các văn bản luật có liên quan để phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Phương Dung

Phê chuẩn Hiệp định CPTPP: "Có cả thách thức nhưng lợi thế sẽ nhiều hơn" - 2