1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phân bón giả hoành hành: Có lợi ích nhóm, bảo kê!

(Dân trí) - "Hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương…Các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại Nghị định, Thông tư, bóp méo sự thật gây thiệt hại cho nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua.”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký hiệp hội phân bón Việt Nam tại hội thảo "Lập lại thị trường phân bón Việt Nam và bảo vệ quyền lợi cho nông dân" diễn ra sáng nay (26/9). Hội thảo có sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo và chuyên gia của các bộ ngành có liên quan.


Các doanh nghiệp đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương nên khi hỏi đến vấn đề này các địa phương thường bao che, né tránh.

Các doanh nghiệp đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương nên khi hỏi đến vấn đề này các địa phương thường bao che, né tránh.

Nhấn mạnh về mục đích của buổi hội thảo này, ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: “Tại sao hội thảo lần này không dùng từ “kiện toàn” hay “hoàn thiện” mà dùng từ “lập lại”, vì khi họp các bộ ban ngành có liên quan đã thống nhất phải mạnh dạn dám nói thẳng, nói thật”.

Khi được hỏi về cách xử lý 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định cấp khống, cấp sai hàng nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp thì ông Nguyễn Như Cường, Cục phó cục trồng trọt cho biết: “Bộ Nông nghiệp đã chấm dứt hiệu lực, tước giấy phép hoạt động của 11 đơn vị này và xử lý các cá nhân có liên quan. Bộ Nông nghiệp, Cục trồng trọt yêu cầu các tổ chức thu hồi các sản phẩm và báo cáo với Bộ”.

Trước câu hỏi liệu có hay không lợi ích nhóm khi để tình trạng phân bón giả hoành hành như hiện nay, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam khẳng định: “Tôi đã tiếp xúc rất nhiều và khẳng định có lợi ích nhóm. Chúng ta có muốn vào cuộc hay không thôi, vào cuộc là ra hết. Các doanh nghiệp lớn đầu tư hàng trăm tỉ vẫn làm phân bón giả, kém chất lượng chỉ vì lợi nhuận. Các doanh nghiệp đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương nên khi hỏi đến vấn đề này các địa phương thường bao che, né tránh”.

Cùng câu hỏi đó, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký hiệp hội phân bón Việt Nam nêu quan điểm: “Đặc biệt hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương…Các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại Nghị định, Thông tư, bóp méo sự thật gây thiệt hại cho nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua”.

Đại diện Quỹ chống hàng giả nêu ý kiến: “Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, chính sách phải chuẩn đủ sức răn đe và nếu cơ sở sản xuất nhiều loại phân bón nếu xảy ra vấn đề thì quy cho ai. Các lực lượng chức năng thực thi cũng gặp rất nhiều khó khăn, khi phát hiện ra cơ sở sản xuất có dấu hiệu nghi ngờ phải mang mẫu đến cơ quan giám định, trang thiết bị yếu kém mà các tổ chức còn cấp khống dẫn đến tình trạng phải xin lỗi và đền bù cho doanh nghiệp".

Do đó, đại diện này cho rằng, để cụ thể thì rất khó nhưng lợi ích nhóm của các cá nhân, tổ chức, địa phương, ngành do thiếu sự minh bạch.

Trên thực tế, mặc dù Nhà nước đã có nhiều nghị định và thông tư quy định rất rõ và cụ thể về sản xuất và kinh doanh phân bón, nhưng tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn hoành hành, gây bức xúc và thiệt hại lớn cho người nông dân.

Các đối tượng sản xuất phân bón giả đã lợi dụng sơ hở của các cơ quan chức năng để phát triển một cách tinh vi và phức tạp trong các cơ sở sản xuất phân bón, đại lý kinh doanh phân bón và thậm chí trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: “Mẫu kiểm tra lần một của các doanh nghiệp đều không đạt tiêu chuẩn nhưng luật lại cho phép đưa mẫu lên kiểm tra lần hai. Khi kiểm tra đến lần 2 thì các mẫu đều đạt tiêu chuẩn và kết quả kiểm tra lần hai lại là kết quả cuối cùng”.

Theo con số điều tra chưa đầy đủ, cả nước có tới 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Nổi cộm là vụ sản xuất phân bón giả ở Công ty Thuận Phong (Đồng Nai). Dù các bộ tham gia kiểm định và xác định đều có kết luận phân bón giả hoặc không đạt tiêu chuẩn nhưng sau 17 tháng tỉnh Đồng Nai vẫn cho dỡ niêm phong và chỉ xử lý hành chính.

Vì vậy, tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất ra một số giải pháp cho Chính phủ và Quốc hội như: Tổ chức đợt tổng kiểm tra hệ thống sản xuất trên toàn quốc, đề nghị sửa đổi Luật 71/2014/QH13 cho phù hợp với tình hình thực tế và đề nghị Chính phủ cho áp dụng pháp lệnh số 2042/2002/PL – UBTVQH ngày 25/05/2002 về chính sách tự vệ trong nhập khẩu phân bón.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm