1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Năm 2015 tịch thu được hơn 1.000 tấn phân bón giả

(Dân trí) - Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Mỗi năm quản lý thị trường phát hiện và xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Riêng năm 2015, đơn vị này bắt giữ được hơn 1.000 tấn phân bón giả.

Trao đổi tại buổi họp báo công bố Chương trình cuộc thi "Phân bón giả, tác hại thật" được tổ chức chiều 6/6 tại Hà Nội, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công Thương cho biết: Thời gian qua QLTT đã tăng cường lấy mẫu phân bón ở một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long và kết quả cho thấy, tình hình phân bón giả, kém chất lượng đang rất báo động.

“Trong 46 mẫu phân bón lấy ở một tỉnh miền Tây Nam bộ, thì có tới 13 mẫu (khoảng 28%) không đạt yêu cầu, với các tỷ lệ vi phạm khác nhau", ông Lam cho biết.

Cũng theo ông Lam, mỗi năm quản lý thị trường phát hiện và xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Riêng năm 2015, đơn vị này bắt giữ được hơn 1.000 tấn phân bón giả.


Mặc dù thừa nhận phân bón giả đang có nhiều diễn biến phức tạp, số vụ phân bón giả trên thực tế nhiều nhưng đến nay bắt giữ phân bón giả khá ít.

Mặc dù thừa nhận phân bón giả đang có nhiều diễn biến phức tạp, số vụ phân bón giả trên thực tế nhiều nhưng đến nay bắt giữ phân bón giả khá ít.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Theo Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý lĩnh vực phân bón, Bộ NN&PTNT chỉ quản lý các loại phân hữu cơ và phân bón khác, còn hơn 90% phân bón vô cơ thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương".

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thực trạng quản lý phân bón giả, trách nhiệm của Cục Trồng trọt đến đâu, ông Cường cho hay: “Trên thị trường, hiện có tới 90% là phân bón vô cơ, còn phân bón hữu cơ và phân bón khác chỉ khoảng 10%. Quy định cơ quan nào quản lý thì phải thanh tra sản phẩm đó. Hiện tất cả các cửa hàng bán phân bón đều bán kết hợp cả phân vô cơ - phân hữu cơ, do đó để kiểm tra phải lập lực lượng liên ngành, đứng đầu là Bộ, Sở Công Thương chứ không phải là Bộ NN&PTNT", ông Cường khẳng định.

Trước đó, theo như Dân Trí đưa tin, cơ quan Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa công bố kết luận thanh tra khui ra hàng loạt sai phạm có tính chất nghiêm trọng của Cục Trồng trọt liên quan đến chỉ định cho 11 đơn vị, doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn để chứng nhận chất lượng phân bón. Nghiêm trọng nhất là việc Trung tâm Vùng Nam Bộ đã cấp phép sai danh mục được phép hơn 1.200 sản phẩm đưa ra thị trường.

Trả lời về trách nhiệm của Cục Trồng Trọt đến đâu trong việc xử lý các sai phạm về phân bón thời gian qua, ông Cường cho rằng: “Chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm. Chúng tôi đang tiến hành thanh kiểm tra về phân bón hữu cơ và phân bón khác, sau kết quả thanh tra sẽ có công bố chính thức”.

Dữ liệu do Hiệp hội Phân bón Việt Nam công bố trước đó cho thấy, phân bón giả đang hoành hành và có tác hại ghê gớm đến đời sống nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm nạn phân bón giả gây thiệt hại 2 tỷ USD cho nền kinh tế.

Liên quan đến chương trình "Phân bón giả, tác hại thật", đại diện đơn vị tổ chức là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cùng 1 số đơn vị khác cho biết, đây là chương trình nhằm tuyên truyền phòng chống phân bón giả, nâng cao ý thức của người dân và xã hội hóa đấu tranh chống nạn phân bón giả.

Đối tượng cuộc thi chính là nông dân, người dân các địa phương và toàn xã hội, người dân trực tiếp gửi bài viết về thực trạng phân bón giả, những phát hiện vụ việc hay quản lý bất cập tại địa phương để gửi về chương trình.

Cơ cấu giải thưởng cho những bài viết phát hiện tiêu cực về phân bón giả, phân bón kém chất lượng là 40 triệu; trong đó hai giải nhất, mỗi giải 5 triệu đồng, hai giải nhì và hai giải 3 mỗi giải 3 triệu đồng và 2 triệu đồng.

Nguyễn Tuyền

Năm 2015 tịch thu được hơn 1.000 tấn phân bón giả - 2