PG Bank sáp nhập VietinBank: Petrolimex né thoái vốn?
Không loại trừ khả năng Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) sẽ sáp nhập VietinBank ngay trong năm 2014. Song, vẫn có nghi ngại dấy lên về mô hình “ngân hàng trong ngân hàng” và việc PG Bank sáp nhập để Petrolimex “né” thoái vốn.
Chưa chốt phương án sáp nhập
Cuối tuần qua, PG Bank đã gây xôn xao dư luận khi công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 trên trang web của mình.
Theo đó, HĐQT của PG Bank đã đề xuất Đại hội đồng cổ đông chấp thuận phương án tái cấu trúc PG Bank qua sáp nhập VietinBank bằng phương án hoán đổi cổ phiếu để VietinBank sở hữu 99% cổ phần PG Bank, nhưng vẫn giữ nguyên mô hình PG Bank là một ngân hàng (tức là ngân hàng nằm trong ngân hàng).
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Tỷ lệ hoán đổi với VietinBank không thấp hơn 0,82 cổ phiếu của PG Bank đổi lấy 1 cổ phiếu VietinBank.
Tuy nhiên, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, tài liệu trên đã bị gỡ xuống. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT PG Bank cho biết, việc sáp nhập PG Bank vào Vietinbank mới chỉ dừng lại ở góc độ “xin chủ trương”.
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã xây dựng nhiều phương án tái cơ cấu, bao gồm cả tự tái cấu trúc, cả sáp nhập vào ngân hàng quốc doanh, ngân hàng cổ phần. Sáp nhập với
VietinBank chỉ là một trong nhiều phương án mà chúng tôi đưa ra để nghiên cứu. Trong tất cả phương án đề ra, chúng tôi đều có gặp gỡ với các đối tác, phương án nào khả thi sẽ thực hiện, nhưng hiện chưa chốt phương án nào cả”, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết.
Tuy khẳng định là “chưa có gì chắc chắn” về phương án sáp nhập vào VietinBank, song ông Bảo khẳng định, PG Bank mong muốn sáp nhập với một tổ chức tín dụng phù hợp và không loại trừ khả năng này sẽ diễn ra trong năm 2014. Dĩ nhiên, để sáp nhập, ngoài sự nhất trí của HĐQT và cổ đông hai bên, PG Bank và VietinBank còn phải xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, PG Bank cũng đang đứng trước áp lực bị cổ đông lớn nhất là Petrolimex thoái vốn. Như vậy, khả năng thoái vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược hoặc sáp nhập để “cứu mình” với PG Bank là khó tránh.
Sáp nhập để Petrolimex “né” thoái vốn?
Hiện Tập đoàn Petrolimex nắm giữ tới 40% cổ phần của PG Bank. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, Petrolimex phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại PG Bank xuống còn 20%. Tuy nhiên, nếu PG Bank sáp nhập vào VietinBank, tỷ lệ sở hữu của Petrolimex tại ngân hàng sáp nhập sẽ giảm mạnh, mà không cần thoái vốn.
Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không loại trừ việc PG Bank sáp nhập vào VietinBank là để Petrolimex “né” thoái vốn, bởi nếu thoái vốn ngay, Petrolimex sẽ bị lỗ.
“Hơn nữa, sáp nhập theo mô hình ngân hàng trong ngân hàng như PG Bank đề xuất là chưa có tiền lệ tại Việt Nam, khó quản lý và không khả thi”, ông Kiêm nhận xét.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cũng cho rằng, việc PG Bank hợp nhất vào VietinBank hoặc một ngân hàng lớn nào khác là hoàn toàn hợp lý, song việc giữ lại thương hiệu PG Bank là không cần thiết, bởi trên thực tế, đây không phải là thương hiệu mạnh.
Chia sẻ với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lại cho rằng, sáp nhập ngân hàng theo mô hình ngân hàng nằm trong ngân hàng đã từng xảy ra tại Mỹ, chủ yếu vì vấn đề thương hiệu.
“Khi đó, ngân hàng sáp nhập được coi là chi nhánh của ngân hàng mẹ. Đương nhiên, ngân hàng mẹ sẽ có cách để tận dụng, kết hợp đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất… của ngân hàng sáp nhập. Với PG Bank và VietinBank, nếu khả năng này xảy ra, việc giữ lại thương hiệu là quyết định của hai bên, nếu họ thấy giữ lại là có lợi”, ông Lực nói và bình luận, nếu sáp nhập, dĩ nhiên, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Petrolimex tại ngân hàng sáp nhập sẽ giảm mạnh.
Tuy nhiên, Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải dần thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành. Do đó, dù PG Bank có sáp nhập, thì Petrolimex vẫn phải thoái hết vốn tại ngân hàng này.
Theo Thùy Liên