VietABank cũng xin sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác

(Dân trí) - Tại Đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 25/4 tới, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án hợp nhất/sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, danh tính tổ chức tín dụng mà VietABank xin sáp nhập chưa được tiết lộ.

VietABank - ngân hàng có chủ trương sáp nhập với tổ chức tín dụng trong năm nay.
VietABank - ngân hàng có chủ trương sáp nhập với tổ chức tín dụng trong năm nay.

Cụ thể, theo tờ trình của Ngân hàng TMCP Việt Á, đại hội đồng cổ đông sẽ ủy quyền cho Hội đồng quản trị VietABank “quyết định phương án góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của VietABank ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất”.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Cùng với đó, tờ trình cũng dự kiến ủy quyền cho Hội đồng quản trị của ngân hàng “chủ động nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn, đàm phán và đề xuất phương án hợp nhất/sáp nhập với tổ chức tín dụng khác”. Hiện danh tính tổ chức tín dụng mà VietABank xin sáp nhập chưa được tiết lộ

Về kế hoạch kinh doanh năm 2014, VietABank đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.098 tỷ lên 4.000 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 20% so với cuối năm trước lên 32.500 tỷ đồng. Các chỉ tiêu tổng huy động và dư nợ cho vay tăng 16% và 10% lên 26,700 tỷ và 15,827 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 3%. Tổng thu thuần dự kiến tăng 31% lên 622 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế kế hoạch đạt 154 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thực hiện năm trước.

Được biết, vào cuối tháng 3 vừa qua, VietABank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án tái cơ cấu.

Như vậy, VietABank là ngân hàng thứ 7 trong năm nay cho thấy tín hiệu có thể sẽ tiến hành hợp nhất, sáp nhập với một ngân hàng khác. Điều này cũng phù hợp với thông tin mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết về việc sẽ có 6 - 7 ngân hàng thương mại tiến hành hợp nhất hoặc sáp nhập trong năm nay. Sau khi thông tin về việc hợp nhất/sáp nhập ngân hàng được Thống đốc Bình tiết lộ, nhiều ngân hàng thương mại đã lên kế hoạch sáp nhập với tổ chức tín dụng khác.

Mở đầu cho đợt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng năm nay là vụ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) thông qua phương án sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank).

Tiếp đó là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - Maritime Bank (MSB) dự kiến sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB). Đồng thời, một loạt các ngân hàng khác cho thấy tín hiệu có thể sẽ tiến hành hợp nhất, sáp nhập với một tổ chức khác, trong đó có cả Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Và trong phiên đại hội cổ đông diễn ra hôm nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội cũng sẽ trình cổ đông việc nhận sáp nhập một công ty tài chính.

An Hạ

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước