Ôm 4 triệu tỷ tiền gửi, nhà băng phá sản ổn không?

(Dân trí) - Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Dự thảo Luật phá sản với quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng nếu thông qua không có những điều kiện chặt chẽ thì sẽ không an toàn.

Dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) trình Quốc hội ngày 26/5 dành hẳn một chương quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
 
Theo đó, Dự thảo quy định, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán. “Trong trường hợp này mà tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó”, theo dự thảo.

Cũng theo dự thảo, tòa án nhân dân chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán của Ngân hàng Nhà nước mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán.

Về điều khoản hoàn trả khoản vay đặc biệt, theo dự thảo, tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng mà bị tuyên bố phá sản thì phải hoàn trả khoản vay đặc biệt này cho Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trước khi thực hiện việc phân chia tài sản theo quy định.

Việc phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng thực hiện theo thứ tự như sau: Chi phí phá sản; Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, các quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; Các khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi..

Trường hợp giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về: Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã; Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Các thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; các cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản, chủ sở hữu tài sản ủy thác cho tổ chức tín dụng, gửi tổ chức tín dụng giữ hộ, giao tổ chức tín dụng quản lý thông qua hợp đồng ủy thác, giữ hộ, quản lý tài sản phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu và các hồ sơ giấy tờ liên quan với cơ quan thi hành án dân sự để nhận lại tài sản của mình.

Các giao dịch của tổ chức tín dụng thực hiện trong giai đoạn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt hoặc áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không áp dụng các quy định về giao dịch vô hiệu và đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực quy định tại Luật này.

Cho phá sản ngân hàng, cần có thêm nhiều điều kiện chặt chẽ
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần có thêm những điều kiện chặt chẽ cho quy định phá sản các tổ chức tín dụng (ảnh: Việt Hưng).

Tuy nhiên, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phá sản (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Cần quy định riêng thủ tục phá sản đối với TCTD vì việc phá sản đối với TCTD có tính đặc thù, liên quan đến người gửi tiền, có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung một số nội dung theo hướng quy định về quyền, nghĩa vụ nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; hoàn trả khoản vay đặc biệt; xử lý tài sản ủy thác; các giao dịch trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt liên quan đến phá sản TCTD; thứ tự phân chia tài sản và tách thành một chương riêng (Chương VIII) trong dự thảo Luật.

Đặc biệt, “Tòa án nhân dân chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các TCTD sau khi có kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Đóng góp cho Dự thảo luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng: “Tôi thấy đây là vấn đề còn lo lắng, bởi vì tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế ở tại hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam chúng ta hiện nay lên đến con số gần 4 triệu tỷ đồng. Thời điểm này rất nhạy cảm, nếu chúng ta thông qua mà không có những điều kiện chặt chẽ thì nó không an toàn".
 
Vì vậy, đại biểu Trần Đình Ngân đề nghị: Thường vụ Quốc hội có thể cân nhắc nên đưa cái này ra khỏi Luật phá sản mà nằm trong Luật tổ chức tín dụng cũng như Luật bảo hiểm tiền gửi; còn nếu như vẫn kiên quyết đưa vấn đề phá sản tổ chức tín dụng vào luật này thì phải đưa nó thẩm thấu vào tất cả các chương của luật này chứ không chỉ dồn vào Chương VIII.

Đại biểu Ngân nêu ví dụ, với vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thì ở kỳ họp thứ 3 năm 2012 thì Quốc hội đã thông qua Luật bảo hiểm tiền gửi và đã làm rõ chức năng, trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được quyền tham gia vào quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng nếu như tổ chức tín dụng này lâm vào tình trạng phá sản. Do đó, đại biểu Ngân đề nghị cần cân nhắc điểm này và tôi đồng tình thông qua Luật phá sản ở thời điểm hiện nay.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội cho hay: Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu và sẽ có một báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý trình ra Quốc hội trước khi đề nghị Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật.

Nguyễn Hiền
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm