Cứ để ngân hàng yếu kém phá sản

Việc mua bán, sáp nhập ngân hàng trong năm 2014 là rất khó. Bởi lẽ quá nhiều ngân hàng yếu kém đang tồn tại, có mua bán hay sáp nhập cũng khó cứu.

Năm nay ngành ngân hàng (NH) sẽ tiếp tục xử lý tám tổ chức tín dụng yếu kém. Và theo kế hoạch cơ cấu, số lượng NH sẽ được giảm từ 39 hiện tại xuống khoảng 15 NH vào năm 2017. Chính vì thế có ý kiến cho rằng quá trình mua bán - hợp nhất - sáp nhập từ nay đến 2017 sẽ rất sôi động. Nhưng TS Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, lại cho rằng việc mua bán NH rất khó có thể như mong đợi.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Mua lại NH thì dễ, “gánh nợ xấu” thì khó

 

Thưa ông, phải chăng thời gian năm năm để cơ cấu lại số lượng NH là quá ngắn?

 

Vấn đề không phải thời gian, nhất là khi kéo dài đến năm 2017 cũng không phải là khó. Việc sáp nhập thì vẫn diễn ra, tuy nhiên nếu mua, bán NH thì thật là khó sôi động. Bởi việc một tổ chức bỏ ra 3.000 tỉ đồng mua một NH nào đó thì quá dễ. Nhưng sau khi mua rồi mình có gánh được 30.000 tỉ đồng nợ xấu hay không mới là quan trọng.

 

Hiện nay nợ xấu của nhiều NH lớn hơn cả vốn điều lệ và vì thế nhiều NH đang hoạt động với vốn điều lệ âm. Nên nội vấn đề để sáp nhập và dùng tiền trích lập dự phòng rủi ro cũng đã ăn hết vào vốn điều lệ rồi.

 

Chỉ cần người ta bỏ tiền ra mua 100.000 tỉ đồng các tài khoản gửi tiền vào NH đó nhưng số tiền này mất 30%-40% là nợ xấu cũng đã chết rồi. Tôi nghĩ tốt nhất vẫn là thực hiện đúng luật.

 

Cứ để ngân hàng yếu kém phá sản
Việc thu hẹp dần số lượng ngân hàng sẽ lành mạnh hóa hệ thống, đem nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Ảnh minh họa: HTD

 

Vậy theo ông, thế nào là thực hiện đúng luật?

 

Ở nước Mỹ, người ta cho phá sản hà rầm, chỉ có mình là không cho NH nào phá sản cả. Tôi cho rằng với những NH không đáp ứng được các tiêu chí của Luật Tổ chức tín dụng thì tốt nhất phải xử lý mạnh. Như bao doanh nghiệp, làm ăn không tốt thì giải thể. Còn

việc sợ người dân rút tiền ra khỏi NH yếu kém chỉ là một cách suy nghĩ thôi. Rút tiền ra khỏi NH này thì người dân lại phải bỏ vào NH khác. Chúng ta cũng cứ nói sợ lãi suất tiền gửi thấp hơn lạm phát thì người dân rút tiền cũng chỉ là lý thuyết vô lý. Anh không gửi tiền ở NH thì gửi ở đâu? Người mua vàng thì phải có người bán vàng, bán vàng thì tiền lại trở vào NH. Nhưng nếu không muốn thị trường bị xáo trộn thì làm từ từ.

 

Nhưng việc sáp nhập, mua bán đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế như giảm sở hữu chéo?

 

Mục đích rút bớt số lượng NH xuống là để lành mạnh hệ thống là đúng. Ngay cả việc chúng ta thành lập Công ty Mua bán nợ (VMAC), giúp quét cục nợ sang VAMC và trả lại trái phiếu đặc biệt cho NH được vay tái cấp vốn. Nhưng buộc NH phải trích 20% mỗi năm cho khoản nợ xấu của mình trong suốt năm năm. Khoảng thời gian này và việc chúng ta thu hẹp dần số lượng NH từ 2013 đến 2017 cũng là có lý do. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa có chính sách rõ ràng về việc này. NH huy động tiền của dân phải có nghĩa vụ quản lý tài sản đó nhưng huy động rồi không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro mà lại dùng tiền của người ta để đầu tư vào các dự án đầy rủi ro khác là sai. Đáng ra khi làm sai chúng ta phải xử lý ngay chứ không phải để đến giờ.

 

NH ốm sáp nhập NH yếu sẽ “chết chùm”

 

Nhưng có ý kiến cho rằng việc sáp nhập cơ cấu lại sẽ góp phần giúp NH lớn mạnh và bảo toàn về vốn?

 

Nếu một NH đang yếu sáp nhập với một NH kém thì cũng không làm nên được gì. Bởi ngay bản thân anh mà anh còn đang cố gắng bảo vệ sức khỏe của mình thì làm sao giúp đỡ được anh ốm yếu khác. Chúng ta nhìn vào tốp các NH lớn thứ tự: Mbbank, Sacombank, Eximbank… sẽ thấy Mbbank, Sacombank lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng thì không nói làm gì nhưng năm nay Eximbank bất ngờ công bố khoản lỗ lớn lên tới hơn 300 tỉ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV-2013. Đây là quý đầu tiên NH này phải chịu lỗ kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán từ 2009. Trong khi đó còn rất nhiều NH ốm yếu sắp chết thì sáp nhập vào chỉ kéo cả đám chết chùm.

 

Có ý kiến cho rằng hệ thống NH đang phải oằn mình cơ cấu lại. Trong năm qua chúng ta lại quyết định thành lập NH mới là NH xây dựng là không nên?  

 

Thực tế NH này không phải là thành lập mới mà được đổi tên từ NH TMCP Đại Tín (TrustBank). Tên gọi khai sinh là NH TMCP nông thôn Rạch Kiến. Tuy nhiên, theo tôi, không phải vì chúng ta có nhiều NH rồi thì không thành lập NH mới nếu đó là NH đặc thù chưa có trên thị trường. Chẳng hạn, chúng ta cho rằng cần phát triển, hỗ trợ xuất khẩu. Đất nước nào cũng có NH chuyên biệt như NH xuất khẩu ở Mỹ, Nhật… Và chúng ta muốn hỗ trợ xuất khẩu cũng nên có những NH đặc thù như vậy.

 

Chúng ta cũng đã có NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), thưa ông?

 

Đúng là chúng ta cũng có NH xuất khẩu và ban đầu thành lập cùng với mong muốn đó. Tuy nhiên, đến nay NH này biến thành là NHTM cổ phần. Ở những NHTM khác cũng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay. Tuy nhiên, vấn đề mình là NH đặc thù, mình sinh ra để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Yên Trang

Pháp Luật TPHCM
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước