1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nước mắt Chợ Dừa sau 7 năm “hiện đại hoá”

“7 năm rồi kể từ ngày mất cái Chợ Dừa, sao bây giờ con mới đến?” - người phụ nữ từng nhiều năm bán hàng ở Chợ Dừa, giờ ngồi bán mẹt hàng trong con ngõ nhỏ cạnh chợ tủi thân nói…

Những năm gần đây, khi đi qua khu vực ngã 5 Ô Chợ Dừa, nhiều người chỉ biết ở góc đường Đê La Thành - nơi vị trí “đắc địa” có một quán Karaoke to đùng, cao đến ngạo nghễ. Nhưng những người đã từng sinh ra, lớn lên hay sinh sống ở khu vực này đã lâu, thì trong tâm trí họ không thể quên, nơi đây đã từng là một cái chợ sầm uất với tên gọi thân thương: Chợ Dừa.


 
Ảnh minh họa

Những người đã từng sinh ra, lớn lên hay sinh sống ở khu vực này đã lâu, thì trong tâm trí họ không thể quên, nơi đây đã từng là một cái chợ sầm uất với tên gọi thân thương: Chợ Dừa.

 

Dù cái chợ này, giống như nhiều chợ khác ở Hà Nội, có một nhược điểm là không được sạch sẽ cho lắm bởi nó nằm thụt xuống cạnh đê, nhưng nó vẫn là một cái chợ, vừa là nơi mưu sinh cho hàng trăm tiểu thương, vừa là nơi cung cấp thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng hàng ngày cho người dân ở quanh khu vực này.

 

Tuy nhiên, cách đây 7 năm, cái chợ này đã được phá bỏ để xây lại, với lời giải thích là: hiện đại hoá chợ để khỏi nhếch nhác, để phục vụ nhân dân, để tiểu thương có chỗ bán hàng sạch sẽ, an toàn.

 

Ấy thế mà, trở lại “Chợ Dừa” sau 7 năm, cái mà người ta nhìn thấy chỉ là một quán Karaoke với cái tên “OCD” (tên gọi tắt của Ô Chợ Dừa?), cùng những tiếng thở dài của các tiểu thương xưa trong những con ngỏ nhỏ hay chợ cóc xung quanh khu vực.

 

Chị Thuỷ, một người đã từng có 20 năm bán thịt bò trong Chợ Dừa cho biết, từ ngày bị “đuổi” ra khỏi chợ, chị đã may mắn tìm được một chỗ trên đê Kim Liên với giá thuê hiện tại là 3,5 triệu/tháng. Công việc buôn bán của chị không bị ảnh hưởng nhiều, bởi khách hàng vẫn theo chị về chỗ mới chứ không vào cái nơi mà người ta gọi là “OCD”.

 

“Ngày ấy, chúng tôi tranh nhau cũng không mua nổi một suất trong chợ với giá vài chục đến cả trăm triệu đồng. Mà có mua được thì cũng không được bán thịt. Người ta bảo, “chợ” giờ chỉ bán những thứ văn minh sạch sẽ, không được bán thịt sống! Ấy thế mà lại may. Nhiều người dồn góp, vay mượn mua được sạp hàng, mấy năm nay bán buôn không được, đắp chiếu bỏ không. Giờ, họ rao bán rẻ đi một nửa cũng chẳng có ai mua.” - chị Thuỷ tâm sự.

 

Nơi chị Thuỷ bán hàng hiên nay là đoạn đê vốn đã nhỏ, nay càng như thu lại. 7 năm nay, nơi này đã gần như trở thành chợ thay thế cho cái Chợ Dừa đã bị phá đi. Ở đây cũng đủ cả, hàng thịt, hàng rau, đồ ăn sáng… chả thiếu thứ gì. Người dân khu vực xung quanh Chợ Dừa xưa, giờ đổ cả về đây đi chợ.

 

“Người ta cứ phê phán ý thức người dân về chuyện họp chợ cóc, mua bán lộn xộn. Rồi người ta phá chợ đi để xây lại. Nhưng từ ngày họ làm cái việc ấy, chợ cóc, chợ vỉa hè càng nhiều hơn. Không mua bán ở đây thì mua bán ở đâu?”.

 

Đau xót Chợ Dừa

 

Nơi xưa kia từng là Chợ Dừa, bây giờ một bên mặt tiền là Ngân hàng, bên còn lại là quán Karaoke “OCD”. Người ta bảo, cứ tối đến là chỗ này tấp nập lắm. 
 

Mảnh đất chợ ngày xưa, một phần người ta xây cái toà nhà ấy, phần còn lại, lẽ ra dự kiến làm chợ với cái lối xuống khiêm tốn. Tuy nhiên, cái chỗ khiêm tốn ấy nay cũng được dành làm bãi để xe.

 

Sau khi Chợ Dừa bị phá đi để xây mới, bây giờ người ta “họp chợ” ở một cái ngõ nhỏ sâu hun hút đằng sau, với vài hàng rau, thịt, trông hiu hắt đến tội nghiệp.

 
Ảnh minh họa

Sạp hàng bé tí tẹo nằm dựa lưng vào bức tường của Chợ Dừa - quán Karaoke OCD

 

Ngồi ở “sạp” hàng dựa lưng vào tường của “chợ”, tức là tường của cái quán Karaoke “OCD”, bà Minh, một người cũng từng nhiều năm bán hàng ở Chợ Dừa nói mà như trách: “Cái trận đại hồng thuỷ xảy ra cách đây 7 năm rồi, sao bây giờ mới thấy con đến?”. Tiếng nói của bà cụ nghe sao mà xót xa. Bà gọi cái ngày phải bỏ chợ mà đi là là ngày "đại hồng thuỷ".

 

“Hồi ấy khi phá chợ, chúng tôi phản đối thì họ bảo: Xây chợ cho các bà chứ xây cho ai? Thế rồi, người ta tìm mọi cách xua chúng tôi đi…” - một người khác, cũng từng là tiểu thương buôn bán nhiều năm trong Chợ Dừa cũng bùi ngùi nhớ lại.


Những người như chị Thuỷ, bà Minh..., họ nói rằng, lúc ra khỏi cái nơi từng gắn bó mấy chục năm là cái Chợ Dừa ấy, họ không hề nhận được một đồng nào bồi thường, hỗ trợ...
 

Chứng kiến con ngõ tối tăm, ẩm thấp, lắng nghe tiếng nói trầm trầm của những tiểu thương, ký ức về một cái Chợ Dừa một thuở khiến chúng tôi chạnh lòng muốn rơi nước mắt.

Hà Nội, rồi sẽ có bao nhiêu cái chợ chịu số phận giống như Chợ Dừa?

 
Ảnh minh họa
 Nơi ngày xưa từng là cái chợ sầm uất, giờ một phần mặt tiền là ngân hàng, phần còn lại là quán Karaoke
 
Ảnh minh họa
 Lối xuống khiêm tốn, và khoảng đất chưa bị xây thành nhà, nay được dùng làm nơi trông giữ xe
 
Ảnh minh họa
 Còn đây là lối xuống cái "chợ" cóc bên cạnh toà nhà cao sừng sững nhưng không dành cho khách đi chợ
 
Ảnh minh họa
 Con ngõ nhỏ ẩm thấp, tối tăm với vài hàng rau, thịt lèo tèo khiến người ta không khỏi chạnh lòng
 
Ảnh minh họa
 Chị Thuỷ, sau 20 năm buôn bán trong Chợ Dừa, 7 năm nay may mắn thuê một chỗ ở rìa đê Kim Liên
 
Ảnh minh họa
 Người dân cũng đã quen với việc đi chợ ở vỉa hè, chợ cóc. Chợ Dừa giờ đây với họ chỉ còn trong ký ức
 
Ảnh minh họa
 Người dân khu vực cạnh Chợ Dừa xưa, nay vượt qua cái ngã năm rộng mênh  mông, đầy xe cộ để đi chợ cóc

Theo VnMedia