Cải tạo, nâng cấp chợ: Vì sao tiểu thương phản đối, kiện tụng?

(Dân trí) - Hà Nội đang quyết liệt cải tạo các chợ cũ trên địa bàn.Về chủ trương, việc các ngôi chợ có tuổi đời hàng chục năm đang xuống cấp cần cải tạo gấp nhưng thực hiện lại không mấy khả quan…

Mới đây nhất, gần 500 tiểu thương chợ Nghĩa Tân đã kéo tới trụ sở của UBND quận Cầu Giấy để phản đối việc cải tạo chợ thành văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại. Việc tụ tập đông người để phản đối này không phải chỉ diễn ra lần đầu, năm 2010 các tiểu thương chợ này cũng đã bãi thị để phản đối.
 
Cải tạo, nâng cấp chợ: Vì sao tiểu thương phản đối, kiện tụng?
Việc cải tạo chợ Nghĩa Tân được sự đồng tình về chủ trương của tiểu thương nhưng vấp phải sự phản đối về cách thực hiên.
 
Ủng hộ chủ trương, phản đối cách làm
 
Dự án cải tạo chợ Nghĩa Tân dự kiến một khu nhà bề thế 9 tầng với các chức năng là trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và chợ sẽ mọc lên. Theo các tiểu thương thì việc cải tạo này họ hoàn toàn ủng hộ. Bà Trương Thị Khen bán hàng quần áo chợ Nghĩa Tân cho hay: “Đường ống nước của chợ đã xuống cấp. Xây chợ từ năm 1995 tới nay đã 17 năm việc TP cải tạo chợ  để bà con có nơi buôn bán tốt hơn. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Vậy nhưng mới đây các tiểu thương của chợ Nghĩa Tân đã gửi đơn ra tòa kiện UBND quận Cầu Giấy làm sai các quy định về việc cải tạo chợ này. Theo lý lẽ của các tiểu thương thì việc cải tạo chợ sẽ dẫn tới họ “hết đường làm ăn” và nêu ví dụ điển hình là chợ Hàng Da sau khi cải tạo thì các tiểu thương chợ mới bán hàng ế ẩm.

Việc tiểu thương kiện cấp chính quyền, theo bà Khen là việc “cực chẳng đã, để bảo vệ quyền lợi của chính mình thì không còn cách nào khác”.

Với cải tạo chợ Hàng Da, vào thời điểm năm 2007, khi có chủ trương xây mới chợ, tiểu thương chợ này cũng hoàn toàn ủng hộ. Những hộ buôn bán nơi đây  kiến nghị chỉ nên xây dựng chợ dân sinh, đảm bảo hiện trạng như cũ, các kiốt tầng 1 quay mặt ra đường, không được xây lắp kính xung quanh. Đồng thời, bà con cũng có nguyện vọng được đóng góp vốn với chủ đầu tư để xây dựng lại chợ.
 
Nhưng sau đó, phương án này đã không được thực hiện, và sau nhiều lần phản đối thì tiểu thương chợ Hàng Da đành đứng nhìn một trung tâm thương mại hoành tráng mọc lên, ngay trên nền những quầy hàng xôm tụ một thời của họ. Tòa nhà có hai tầng hầm, năm tầng nổi bề thế trên diện tích 3.367 m2.  Khu chợ mới dành các tiểu thương chợ cũ là tầng hầm nằm đằng sau tòa nhà.

Với người chưa từng ghé qua chợ này, việc tìm đường vào chợ không phải là dễ. Đầu giờ sáng nhưng trong chợ không mấy tấp nập, người mua bán chỉ tập trung các gian hàng thịt, rau phía trước. Phía đằng sau là khu dành cho đổ quần áo thì vắng hoe, trên các cửa hiệu xuất hiện số điện thoại rao chuyển nhượng gian hàng. Các tiểu thương nơi đây cho rằng khi vào chợ mới thì hàng của họ thực tế cũng không tăng giá lên nhưng không thể so được với hàng rong và quán tạm ở ngoài chợ.

Chị Tuyết kinh doanh quần áo của chợ Hàng Da sau hơn một năm buôn bán ế ẩm đang tính chuyển nhượng lại cửa hàng. Chị Tuyết cho biết: “Từ khi vào chợ mới thì doanh số giảm hắn. Buôn bán gì cũng khó. Tâm lý khách hàng khi vào nghĩ rằng vào trung tâm thương mại thì giá cao mặc dù mình bán hàng bình dân”.

Khi chợ không còn là chợ
 
Tương tự như chợ Hàng Da là các khu chợ - trung tâm thương mại mới mọc lên như Ô Chợ Dừa, Cửa Nam. Mô hình thành phố đang cải tạo chợ là biến chợ cũ thành những tòa nhà hỗn hợp với các chức năng là Chợ -Trung tâm thương mại - Dịch vụ (Văn phòng cho thuê, tổ chức sự kiện…).
 
Việc cải tạo chợ truyền thống thành trung tâm thương mại, các chủ đầu tư cũng đưa ra những lợi ích tốt hơn chợ cũ như: diện tích tăng, giá thuê mặt bằng ưu đãi và kèm theo lời hứa: Sẽ đảm bảo việc buôn bán của tiểu thương thuận tiện hơn rất nhiều.
 
Cải tạo, nâng cấp chợ: Vì sao tiểu thương phản đối, kiện tụng?
Chợ Hàng Da sau khi chuyển đổi thì việc buôn bán không thuận lợi như ban đầu như chủ đầu tư đã hứa hẹn
 
Tuy nhiên, theo góc nhìn của ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì việc cải tạo đang có vấn đề. Ông Phú cho rằng, sau khi cải tạo thì biến chợ cũ thành nơi đa chức năng thì chức năng chính là “chợ”  bị lấn át so với chức năng  trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê của chủ đầu tư.

Đóng góp mô hình cải tạo chợ, dẫn lại mô hình của cải tạo chợ của Singapore, ông Phú cho rằng: “Chợ thì chợ bán rau quả phải thông thoáng. Con cá lá rau mà kín bưng thì làm sao được. Như chợ Singapore chỉ có cột thôi và cấp thoát nước thông thoáng. Tầng hầm và tầng 1 phải như vậy. Nếu kín bưng là buồng tằm chứ không phải kinh doanh”.

Mới đây, hội thảo "Mô hình tổ chức, quản lý chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/6 cũng có rất nhiều ý kiến phản đối cải tạo chợ truyền thống thành trung tâm thương mại.

Tiến sỹ Hoàng Thọ Xuân - Viện Nghiên cứu Thương mại nhận định: Hàng hóa ở chợ có ưu điểm thường là tươi mới, phong phú, đặc trưng cho vùng miền và có giá rẻ; người dân thuận tiện mua bán, thoải mái mặc cả. Đồng thời đây cũng là nơi giao lưu mua bán với các mặt hàng đa dạng, là kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm tươi sống, đặc biệt đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng nghèo.

Ông  Xuân cũng cho rằng, không nên áp dụng mô hình siêu thị vào chợ truyền thống, để đảm bảo sự đi lại thông thoáng, thuận tiện mua bán của người dân.

Theo Tiến sỹ Stephanie Geertman, thuộc tổ chức HealthBridge của Canada, nếu quá tập trung vào phát triển kênh bán lẻ hiện đại, quyền kiểm soát nguồn cung thực phẩm trên thị trường sẽ được giao cho các công ty tư nhân và việc kiểm soát thị trường cũng sẽ khó khăn hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cần xem lại mô hình chuyển đổi chợ truyền thống thành siêu thị hoặc trung tâm thương mại như trên, bởi lẽ chi phí thuê mặt bằng tăng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí bán hàng và gây khó khăn cho bà con tiểu thương. Hơn nữa, do tập quán tiêu dùng nên khi chuyển đổi mô hình thì bản thân nhiều người dân cũng không vào mua, gây lãng phí đầu tư.
 
Thông Chí