Nới room chứng khoán: Lo ngại doanh nghiệp nội bị thâu tóm?
(Dân trí) - Trên thực tế, trong khi thị trường chứng khoán phản ứng tích cực với thông tin nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 100% cổ phần công ty đại chúng của Việt Nam, ngoại trừ trường hợp đặc biệt thì nhiều doanh nghiệp Việt lại đang lo lắng nguy cơ bị thâu tóm sau khi nới room.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định mới là nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo cơ chế mới, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tới 100% cổ phần tại công ty đại chúng, ngoại trừ các trường hợp có quy định theo cam kết mở cửa, các ngành nghề có điều kiện.
Trên thực tế, trong khi thị trường chứng khoán phản ứng tích cực với thông tin này thì nhiều doanh nghiệp Việt lại đang lo lắng nguy cơ bị thâu tóm sau khi nới room.
Trao đổi về lo ngại này, tại buổi toạ đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 7/8, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "M&A là bình thường. Cạnh tranh bao giờ cũng khó nhưng đã hội nhập thì phải chấp nhận cạnh tranh. Có thể bây giờ chúng ta phải chấp nhận M&A để học hỏi nhưng sau này có thể tiếp tục con đường đó hoặc con đường khác”.
TS Võ Trí Thành cũng cho rằng, thời gian qua trong các thương vụ M&A nhà tư nước ngoài giữ vai trò chủ đạo nhưng M&A cũng có thể là doanh nghiệp Việt đi thâu tóm.
Theo TS Võ Trí Thành, ngoài ra cũng cần phải hiểu Nghị định 60 đầy đủ hơn bởi vẫn còn có những điều kiện về nới room, không phải cứ mở là 100%.
"Vẫn còn có những van nhất định để dành thời gian, công sức cho doanh nghiệp, lựa chọn suy nghĩ. Thứ nhất là cam kết của Việt Nam, tỷ lệ sở hữu với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cam kết hội nhập. Van thứ 2 là điều lệ của công ty đó là các HĐQT, nếu muốn giữ mình thì có thể ban hành điều lệ về tỷ lệ sở hữu”, ông nói.
Còn theo ông Lê Anh Tuấn, Kinh tế trưởng, Phó Tổng Giám đốc đầu tư, Quỹ đầu tư DragonCapital: "Từ trước đến nay cứ nói doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt là xấu, là mất thương hiệu. Đây là một quan điểm đánh đồng, nhà đầu tư nước ngoài có thể là riêng lẻ và họ có chiến lược, quan điểm khác nhau. Đừng đánh đồng doanh nghiệp nước ngoài M&A là thâu tóm, thù địch".
Theo ông Tuấn, trên thực tế, ngay cả ở thị trường Thái Lan và một số nước khác cũng chưa nước nào bị ảnh hưởng đến thị trường bởi việc nới room. Do đó, lo ngại thâu tóm từ bây giờ thì hơi thái quá.
Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng: "Không phải thâu tóm hiểu theo nghĩa tiêu cực. Thâu tóm bình thường chỉ là hoạt động tập trung kinh tế, tạo sức cạnh tranh. Trong khi đó, thâu tóm theo nghĩa tiêu cực là thâu tóm thù nghịch đó là việc bán tài sản lớn mà Đại hội đồng cổ đông không biết".
Tuy nhiên, theo ông Long, theo quy định, Đại hội đồng cổ đông sẽ là người quyết định mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở mức độ nào. Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài mua trên 25 % vốn của 1 doanh nghiệp thì đã phải thực hiện chào mua công khai về giá, thời gian mua.
Phương Dung