Nới room chứng khoán: Cửa nào mở, cửa nào hẹp?

(Dân trí) - Mặc dù chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể nhưng theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán, room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty chứng khoán sẽ là 100% trong khi với ngân hàng vẫn tối đa là 30%.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Tài chính chiều 30/6, ông Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trong lĩnh vực chứng khoán, sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được cơ quan quản lý điều hành theo lộ trình thận trọng.

"Từ năm 2000-2009 giới hạn sở hữu nước ngoài là 30%, năm 2009 là 49% và tại Nghị định 60 mới ban hành tỷ lệ này tiếp tục được nới, có thể lên tới 100% đối với những ngành nghề không phải kiểm soát”, ông Long cho biết.

Ông Long cho biết, theo các quy định trước đó, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được chia thành 2 nhóm, trong đó một nhóm có quy định cụ thể theo pháp luật chuyên ngành và cam kết quốc tế; một nhóm tối đa là 49%.

Theo Nghị định 60 mới ban hành, việc phân chia cũng tương tự: một nhóm theo luật chuyên ngành và cam kết quốc tế và nhóm còn lại thì tuỳ thuộc vào doanh nghiệp và có thể lên tới 100%.

Sau khi Nghị định 60 ban hành, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi rằng ngành nào sẽ bị hạn chế room (tỷ lệ sở hữu) và ngành nào sẽ được phép “mở toang” cửa để đón dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài. 

Trả lời thắc mắc này, ông Long cho hay, Nghị định 60 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9 tới đây, tuy nhiên cũng có một số ngành không cần chờ Thông tư hướng dẫn để biết tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài. 

“Đối với các công ty chứng khoán, trung gian trong lĩnh vực chứng khoán như công ty quản lý quỹ, theo quy định Luật chứng khoán tỷ lệ này là 100%. Nghị định 60 cũng giống Quyết định 55, các ngân hàng chỉ hạn chế tối đa là 30%. Ngoài ra, ngoại trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa có hướng dẫn thì tạm thời là 49%”, ông Long nói.

Đại diện từ Uỷ ban Chứng khoán cũng cho rằng, từ khi có thị trường chứng khoán thì dòng vốn nước ngoài ngày càng tăng ngay cả khi thị trường thế giới có nhiều biến động. Dòng vốn nước ngoài vào thị trường liên tục tăng, từ con số khoảng 6 tỷ USD vào năm 2008 thì hiện nay khoảng 15 tỷ USD.

Theo ông Long, trong số 700 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán và 200 doanh nghiệp niêm yết trên sàn Upcom, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trung bình ở mức 20-25%, chưa đạt tỷ lệ 49% tối đa. Hiện có một số doanh nghiệp đã đạt room tối đa là 49% nhưng chỉ tập trung ở 20-30 doanh nghiệp.

Theo thống kê, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khoảng 60 tỷ USD, khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày khoảng 100 triệu USD, trong đó NĐT nước ngoài chỉ tham gia dưới 15% do giới hạn sở hữu. 26 doanh nghiệp lớn đã cạn room cho nhà đầu tư nước ngoài có tổng vốn hóa lên đến 10,2 tỷ USD, chiếm 17% toàn thị trường.

Đánh giá về tác động nới room, trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 60 không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán mà còn thúc đẩy quá trình cổ phần hoá mà Chính phủ đang quyết liệt triệt khai diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng cũng cho rằng, thời gian tới kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán và sức cầu trên thị trường sẽ được cải thiện.

Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”