1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chính thức nới room: Cửa đã mở cho nhà đầu tư nước ngoài

(Dân trí) - Theo cơ chế mới, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tới 100% cổ phần tại công ty đại chúng, ngoại trừ các trường hợp có quy định theo cam kết mở cửa, các ngành nghề có điều kiện.

Chính thức nới room: Cửa đã mở cho nhà đầu tư nước ngoài

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định mới là nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo cơ chế mới, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tới 100% cổ phần tại công ty đại chúng, ngoại trừ các trường hợp có quy định theo cam kết mở cửa, các ngành nghề có điều kiện.

Cụ thể, Nghị định lần đầu tiên quy định đối với các công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế. 

Trường hợp bị ràng buộc là công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó. 

Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%; 

Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác. 

Trước đó, tại buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm diễn ra sáng ngày 26/6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết về thông tin Chính phủ đã ký ban hành Nghị định mới có quy định về nới room cho nhà đầu tư nướcn goài tham gia thị trường. 

Thông tin này ngay lập tức đã nhận được phản ánh tích cực từ thị trường. Ngay trong phiên giao dịch ngày 26/6, hàng loạt cổ phiếu "kín room” như VNM, FPT, SSI, HCM… tăng điểm mạnh. 

Theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 60 không chỉ tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán mà còn thúc đẩy quá trình cổ phần hoá mà Chính phủ đang quyết liệt triệt khai diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng cũng cho rằng, thời gian tới kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán và sức cầu trên thị trường sẽ được cải thiện.

Trên thực tế, quy định này đã được các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi suốt 3 năm qua. Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ diễn ra mới đây, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút dòng vốn mới vào thị trường chứng khoán và vào những doanh nghiệp Nhà nước, Việt Nam cần mạnh dạn và kiên quyết xoá bỏ tỷ lệ hạn chế 49% áp dụng với các công ty đại chúng hiện nay.

Theo nhóm công tác Diễn đàn doanh nghiệp, tổng giá trị các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được cổ phần hóa trong 3 năm tới ước tính khoảng 25 tỷ USD. Nếu Chính phủ chỉ dự kiến bán ra thị trường 15% tổng số lượng cổ phần thì thị trường sẽ cần 3,75 tỷ USD để mua số cổ phần này. Như vậy nguồn tiền trong nước sẽ chắc chắn không đủ để mua cổ phần nói trên, và Việt Nam sẽ cần một dòng tiền mới của nước ngoài để mua các cổ phần này.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 1/1 đến ngày 19/5/2015, dòng tiền mới của nước ngoài chảy vào Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ là 5 triệu USD, và vào Sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh là 113,3 triệu USD.

 Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”