HSBC: Nới “room” cho nhà đầu tư ngoại vẫn còn chậm

(Dân trí) - Theo HSBC, bản thân Nghị định 60 về nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn thiếu các chi tiết cụ thể cũng như duy trì trần sở hữu đối tại các ngân hàng cho thấy tiến độ cải cách vẫn còn diễn ra khá chậm.

Từ tháng 9 tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tháo bỏ trần sở hữu nước ngoài 49% ở đa số các lĩnh vực. Đánh giá về Nghị định 60 quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa được Chính phủ Việt Nam chính thức ban hành vào cuối tuần trước, bộ phận phân tích vĩ mô của ngân hàng HSBC cho rằng: Nghị định này là một bước đi đúng hướng của Chính phủ Việt Nam khi thị trường chứng khoán Việt Nam có mức vốn hóa khoảng 55 tỷ USD, song nhiều lĩnh vực đã cạn room khiến nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia thêm.

Tuy nhiên, những lĩnh vực trọng yếu như ngân hàng vẫn sẽ duy trì sở hữu nước ngoài ở mức trần 30%.

Theo HSBC, bản thân Nghị định 60 về nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn thiếu các chi tiết cụ thể cũng như duy trì trần sở hữu đối tại các ngân hàng cho thấy tiến độ cải cách vẫn còn diễn ra khá chậm.

Từ tháng 9 tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tháo bỏ trần sở hữu nước ngoài 49% ở đa số các lĩnh vực
Từ tháng 9 tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tháo bỏ trần sở hữu nước ngoài 49% ở đa số các lĩnh vực

Tại sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) có mức vốn hoá thị trường khoảng 49 tỷ USD trong khi sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ ớ mức 6 tỷ USD, tổng cộng hợp thành 55 tỷ USD cho cả nước.

“Ở sàn HSX, các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức trần 30% hiện đang chiếm 23%. Điều này có nghĩa rằng lĩnh vực được lợi khi có tự do hoá thêm nữa để nâng cao quản trị doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động là không giới hạn”, báo cáo của HSBC nêu.

Các lĩnh vực được áp dụng sở hữu trần 49% có thể sẽ không có khả năng bán cho khối nhà đầu tư nước ngoài khi Nhà nước đang nắm giữ gần như 100% kiểm soát. Ví dụ như mã BID của Ngân hàng BIDV và GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam. Hay như ở sàn HSX, các doanh nghiệp có chủ sở hữu nhà nước hơn 50% đang chiếm 36% tổng nguồn vốn hoá thị trường.

“Việt Nam đang dần dần tự do hóa nền kinh tế nhưng không có nghĩa điều này có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Cho dù là những nỗ lực nhằm cổ phần hoá các doanh nghiệp có vốn Nhà nước hay việc tự do hoá cổ phần công đối với khối ngoại, nhà nước cần lưu ý đến các chi tiết luật cũng như việc thi hành”, HSBC nhận định.

Ngoài ra, báo cáo kinh tế vĩ mô do ngân hàng HSBC nhận định, với tất cả những bất ổn đang diễn ra trên thế giới, Việt Nam dường như đang đứng ngoài các dòng tin tức và chỉ số kinh tế lạc quan hơn. Hoạt động xuất khẩu trong tháng 6 tăng 18% so với năm ngoái, đưa mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay đạt gần 10%. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) cũng tích cực không kém với mức tăng trưởng mạnh trong quý II. Tăng trưởng tín dụng cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào nhu cầu cải thiện.  

Triển vọng kinh tế Việt Nam thêm phần sáng sủa khi cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng. Ngày 29/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama đã ký ban hành luật về Quyền xúc tiến thương mại  (TPA) cho thấy các cuộc đàm phán đối với Hiệp định kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ kết thúc trong những tháng tới. Đối với Việt Nam, đây là một tín hiệu tích cực khi trước giờ vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất.

“Chúng tôi tin hiệp định TPP sẽ rất có lợi đối với Việt Nam. Việt Nam là quốc gia có nguồn lao động chi phí rẻ dồi dào và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong hai thập kỷ tới. Năng suất lao động của Việt Nam dù đang ở mức thấp nhất trong khu vực nhưng lại có tốc độc tăng trưởng nhanh nhờ vào khu vực đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ tăng nhanh trong vài năm tới", báo cáo của HSBC nêu.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của nhà băng này cũng đặt câu hỏi liệu Việt Nam có thể tiến xa hơn sau những thành công được gặt hái dễ dàng nhờ vào việc sử dụng nguồn lao động giá rẻ để tăng trưởng.

Theo các nhà phân tích, mô hình tăng trưởng dựa vào lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công và quỹ đất canh tác dồi dào sẽ không bền vững, đặc biệt là trong trung hạn khi nguồn cung lao động giá rẻ dư thừa sẽ biến mất và chi phí lương giá rẻ sẽ không còn. Hiện Việt Nam có dân số ít hơn so với Philippines nhưng lực lượng lao động lại lớn hơn, chỉ đứng thứ hai sau Indonesia trong khu vực Đông Nam Á. Khoảng 70% dân số vẫn còn ở các vùng nông thôn làm nông nghiệp tự cung tự cấp.

Nguyên nhân chính nằm ở việc quản trị nguồn lực, đặc biệt là phân bổ nguồn vốn. Kể từ khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) vào tháng 1/2007, hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn chưa hiệu quả, khối doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục chi phối các hoạt động đầu tư dù đóng góp rất ít vào sản lượng quốc gia.

Do vậy, nhóm nghiên cứu của HSBC cho rằng đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới sẽ là thương mại nhờ vào các thoả thuận quan trọng như TPP và nguồn lực chi phí lao động. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng tồn tại nguy cơ xuất phát từ chính nội tại khi việc phân bổ các nguồn lực thiếu hiệu quả sẽ khiến cho năng suất suy yếu.

 Nguyễn Hiền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”