Nỗi ám ảnh “tháng 8 đen tối” trở lại với nhà đầu tư
Sự việc chứng khoán Trung Quốc lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần đã ảnh hưởng tới chứng khoán châu Âu, Mỹ và khiến nhà đầu tư liên tưởng tới “những ngày đen tối” cuối tháng 8 vừa qua, khi tình hình Trung Quốc kéo theo lệnh bán tháo ồ ạt trên thị trường toàn cầu.
Sau 1 ngày nghỉ lễ, chứng khoán Mỹ trở lại trong ngày thứ Sáu, nhưng chỉ giao dịch nửa ngày. Trong nửa ngày giao dịch này, phố Wall gần như chỉ biến động nhẹ khi đa số nhà đầu tư đã đi nghỉ.
Trong phiên cuối tuần, do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu tiêu dùng do nhà đầu tư lo ngại về tình cảnh các cửa hàng bán lẻ không quá đông khách trong ngày Black Friday. Ngoài ra, việc cổ phiếu Disney giảm mạnh 2,9% sau khi thông báo, kênh thể thao ESPN của mình bị mất 3 triệu thuê bao trong năm 2015 cũng khiến phố Wall không thể giúp nhà đầu tư có trọn niềm vui để nghỉ lễ và mua sắm.
Tổng khối lượng giao dịch trên phố Wall trong phiên này chỉ đạt 2,79 tỷ cổ phiếu so với mức trung bình 7 tỷ cổ phiếu của 7 phiên trước đó.
Ngoài ra, việc chứng khoán Trung Quốc lao dốc và nỗ lo Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới cũng khiến giới đầu tư thận trọng.
Kết thúc phiên 27/11, chỉ số Dow Jones giảm 14,9 điểm (-0,08%), xuống 17.798,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,24 điểm (+0,06%), lên 2.090,11 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 11,38 điểm (+0,22%), lên 5.127,52 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm nhẹ 0,14%, trong khi S&P 500 tăng nhẹ 0,04% và Nasdaq tăng 0,44%.
Việc lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên cuối tuần, kết thúc trước đó mấy tiếng đồng hồ đã khiến chứng khoán châu Âu đảo chiều giảm trở lại từ mức cao 3 tháng. Nhóm cổ phiếu khai mỏ là những cổ phiểu phản ứng nhạy cảm nhất với vấn đề này, bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, qua đó kéo chứng khoán châu Âu giảm điểm.
Viễn cảnh này đang gợi lại cho nhà đầu tư ám ảnh về những ngày đen tối cuối tháng 8, bắt nguồn từ việc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ ngày 11/8, kéo theo hàng loạt vấn đề bất ổn sau đó trên thị trường tiền tệ, chứng khoán, tài chính toàn cầu. Chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến những phiên bán tháo mạnh cùng với chứng khoán Trung Quốc trong giai đoạn này.
Kết thúc phiên 27/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,98 điểm (-0,28%), xuống 6.375,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 27,01 điểm (-0,24%), xuống 11.293,76 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 15,88 điểm (-0,32%), xuống 4.930,14 điểm.
Chứng khoán châu Âu có tuần tăng khá tốt, leo lên mức cao nhất 3 tháng trong ngày thứ Năm khi giới đầu tư kỳ vọng vào khả năng ECB sẽ có gói kích thích kinh tế tiếp theo. Tuy nhiên, phiên giảm điểm cuối tuần đã hãm bớt đà tăng của chứng khoán châu Âu trong tuần này. Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,64%, chỉ số CAC 40 tăng 0,39% và tích cực nhất là chỉ số DAX tăng 1,56%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần khi các chỉ báo kỹ thuật chỉ ra rằng, thị trường đang trong tình trạng quá mua.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất trong 2 tháng do chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự lao dốc của chứng khoán đại lục, cùng với lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới.
Tâm điểm của thị trường chứng khoán thế giới trong phiên cuối tuần chính là chứng khoán Trung Quốc khi cả 2 chỉ số chính của chứng khoán đại lục đều có ngày giảm mạnh, trong đó chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 5%, mức giảm mạnh nhất trong hơn 3 tháng. Việc chứng khoán Trung Quốc lao dốc lại bắt nguồn từ việc kiểm soát chắt trở lại việc sử dụng đòn bẩy tài chính và Trung Quốc cũng thông báo giảm 4,6% trong lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn.
Kết thúc phiên 27/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 60,47 điểm (-0,3%), xuống 19.883,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 420,62 điểm (-1,87%), xuống 22.068,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 199,25 điểm (-5,48%), xuống 3.436,30 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng nhẹ 0,02%, trong khi chỉ số Hang Seng giảm 3,02% và với phiên lao dốc cuối tuần khiến Shanghai Composite giảm tới 5,35%.
Trong khi nhà đầu tư chứng khoán có 1 tuần coi như chấp nhận được, thì giới đầu tư trên thị trường vàng lại tiếp tục kéo dài nỗi thất vọng. Đặc biệt, trong phiên cuối tuần, giá vàng đã giảm tới 1,3% khi chỉ số USD vượt qua mức đỉnh thiết lập hồi tháng 3. Trong phiên cuối tuần, chỉ số USD có lúc đã tăng lên 100,405, vượt qua cả mức đỉnh 100,330 thiết lập ngày 13/3.
Với phiên lao dốc cuối tuần, giá vàng đã chính thức mất mốc 1.060 USD/ounce như dự báo của giới phân tích trước đó. Hiện mức hỗ trợ tiếp theo của giá kim loại quý này sẽ là 1.045 USD/ounce.
Kết thúc phiên 27/11, giá vàng giao ngay giảm 15 USD (-1,4%), xuống 1.056,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 14,1 USD (-1,32%), xuống 1.055,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 13,6 USD (-1,27%), xuống 1.056,1 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tiếp tục giảm 1,91%, giá vàng giao tháng 12 giảm 1,93% và giá vàng giao tháng 2/2016 giảm 1,88%.
Tuần này, trong số 859 người tham gia cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco, có 670 người, tương đương 78% cho rằng giá vàng sẽ hồi phục trở lại trong tuần tới, có chỉ có 139 người, tương đương 16% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 50 người, chiếm 6% giữ quan điểm trung tính.
Còn theo cuộc khảo sát của các chuyên gia. Trong số 14 người trả lời, có 8 người, tương đương 57% nhận định giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, 4 chuyên gia, chiếm 29% dự đoán giá vàng sẽ vẫn giảm và 2 người, chiếm 14% giữ quan điểm trung lập.
Cũng giống giá vàng, việc đồng USD lên cao đã gây sức ép lên giá dầu thô, khiến giá loại nhiên liệu này giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Dù vậy, giá dầu thô vẫn giữ được mức tăng trong tuần này nhờ các phiên tăng mạnh trước đó do tình hình căng thẳng địa chính trị khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đầu của Nga.
Kết thúc phiên 27/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,33 USD/thùng (-3,19%), xuống 41,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,31 USD (-2,92%), xuống 44,86 USD/thùng. Trong tuần giá dầu thô Mỹ tăng tới 3,27%, trong khi giá dầu thô Brent chỉ tăng 0,45%.
Theo T.Lê
Đầu tư Chứng khoán