Chứng khoán toàn cầu trải qua quý tồi tệ nhất trong 4 năm qua

(Dân trí) - Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu ghi nhận mức sụt giảm theo quý thấp nhất trong 4 năm qua do tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi những diễn biến trên thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Cùng với sự sụt giảm đều đặn của giá cổ phiếu, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh sau khi nước này bất ngờ áp dụng chính sách phá giá đồng Nhân dân tệ, cũng như những lo ngại về tình hình nợ xấu của Hy Lạp và chính sách tăng lãi suất hồi tháng 9 của Mỹ là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong 3 tháng mùa hè đáng nhớ này.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu (Ảnh minh họa)
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu (Ảnh minh họa)

“Cổ phiếu trên toàn cầu ghi nhận mức sụt giảm theo quý thấp nhất kể từ năm 2011 do có nhiều yếu tố dẫn đến quan ngại đối với thị trường vốn đang bất ổn, trong đó có ảnh hưởng của mức tăng trưởng toàn cầu thấp do sự sụt giảm của các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc", các chuyên gia phân tích của Barclays nhận định trong báo cáo công bố hôm nay (30/9).

Ở châu Á – Thái Bình Dương, chỉ số Shanghai Composite là một trong những chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới khi mất 25%. Kế tiếp là chỉ số Hang Seng của Hồng Kong – ghi nhận sự sụt giảm 20% trong quý III. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) và chỉ số chứng khoán Jakarta (Jakarta Composite) của Indonesia đều giảm tới 15%. Duy chỉ có chỉ số chứng khoán Colombo của Sri Lanka khi tăng nhẹ 1%.

Tại Mỹ, các chỉ số S&P 500, chỉ số Công nghiệp Dow Jones (Dow Jones Industrial Average) và chỉ số Nasdaq cũng đều giảm 9%.

Ở châu Âu, chỉ số Dax của Đức giảm 15%, trong khi đó, chỉ số CAC của Pháp giảm 11%, chỉ số chứng khoán Ý giảm 8%...

Đa phần các lý do đều tập trung vào sự sụt giảm của các thị trường mới nổi (EMs).

Số liệu mới nhất của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố hôm thứ 4 cho thấy các thị trường mới nổi ghi nhận quý giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 khi các nhà đầu tư toàn cầu bán ra 40 tỷ USD giá trị cổ phiếu ở các thị trường này. Trong suốt năm 2008, lúc đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các thị trường mới nổi chứng kiến sự rút vốn lên tới 105 tỷ USD.

Khó có khả năng hồi phục lâu dài

Nhiều chuyên gia phân tích hy vọng rằng, đám mây ảm đạm bao đang bao trùm lên các thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ qua nhanh. Họ cũng cảnh báo rằng nếu có bất cứ sự phục hồi ngắn hạn nào cũng chỉ mang tính tạm thời.

“Với các nguy cơ giảm giá các cổ phiếu và lo ngại về nợ xấu tại các thị trường mới nổi do tác động của chính sách tăng lãi suất của Mỹ, thì sự hồi phục ngắn hạn đôi khi lại làm các nhà đầu tư thất vọng", Mizuho chuyên gia kinh tế cao cấp của tập đoàn Vishnu Varathan (Singapore) nhận định.

Trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12, chuyên gia Aw của tập đoàn IG dự đoán rằng các cổ phiếu của Nhật Bản sẽ là một trong những cổ phiếu tốt nhất ở châu Á do lợi nhuận bền vững của các công ty niêm yết nhờ chính sách phá giá đồng Yên và định giá cổ phiểu ở mức thấp trong vòng 4 năm.

Nguyên An
Theo CNBC

Chứng khoán toàn cầu trải qua quý tồi tệ nhất trong 4 năm qua - 2