Những phi vụ khởi nghiệp "đi vào lòng đất" vì thiếu kiến thức kinh doanh

Trúc Ly
Tư vấn tài chính cá nhân

(Dân trí) - Không ít người lựa chọn khởi nghiệp vì yêu thích sản phẩm nhưng thiếu kiến thức nền tảng về tài chính. Chỉ sau thời gian ngắn, họ buộc phải đóng cửa với khoản lỗ đáng kể.

Quỳnh Trang (Vĩnh Phúc) dùng số vốn 300 triệu đồng là khoản tiền tiết kiệm được sau 3 năm để mở cửa hàng thời trang. Quỳnh Trang cho biết cô ấp ủ việc mở một cửa hàng thời trang vì bản thân là người yêu mặc đẹp, thích shopping, mong muốn có gì đó của riêng mình.

Sau 2 năm mở cửa hàng, Trang cho biết cô thực sự "vỡ mộng" đến mức phải đóng cửa hàng, thanh lý lỗ vốn toàn bộ số hàng còn lại.

Quỳnh Trang nhớ lại khoảng thời gian tập làm chủ với đầy những khó khăn. Cô thừa nhận bản thân không có kinh nghiệm về quản lý cửa hàng, hàng xuất, hàng nhập, không biết kiểm soát và xoay vòng vốn.

Ngoài ra, Quỳnh Trang không có kiến thức và giỏi trong việc cập nhật xu hướng thời trang mới nên đôi khi, cô không chạy theo kịp những mẫu mã hiện hành.

Những phi vụ khởi nghiệp đi vào lòng đất vì thiếu kiến thức kinh doanh - 1

Khi khởi nghiệp, chỉ yêu thích sản phẩm thôi là chưa đủ (Minh họa: Pinterest).

Cuối cùng, Quỳnh Trang cho hay chỉ vì đam mê quần áo, thích mua sắm, cô đã khởi nghiệp mà không có kiến thức. Hậu quả của việc này là đánh đổi toàn bộ số tiền đang có và trở về tay trắng. Thế nhưng, đây là bài học đắt giá dành cho Trang. Cô nhận ra khi bước chân vào con đường kinh doanh, chỉ thích thôi là chưa đủ.

Giống với Trang, Tuấn Minh (Hà Nội) mở cửa hàng kinh doanh giày đá bóng với số vốn không nhỏ, gần 700 triệu đồng. Minh vay bố mẹ, bạn bè và dùng một phần tiền của cá nhân để hiện thực hóa ước mơ.

"Vì rất thích đá bóng và mua giày đá bóng, tôi quyết tâm sau này phải mở một cửa hàng bán giày đá bóng nhưng rồi nhận ra thích sản phẩm thôi là chưa đủ", Minh kể.

Tuấn Minh đóng cửa hàng sau 1,5 năm kinh doanh. Anh gặp phải vấn đề trong việc nhập hàng và marketing cho cửa hàng. Khi nhập về những thương hiệu lớn, số lượng mẫu mã ở cửa hàng của Tuấn Minh không đủ để so với cửa hàng chính hãng. Anh cũng không có nhiều lợi thế về giá. Có chăng, điểm cộng của Tuấn Minh là sự nhiệt tình, sẵn sàng tư vấn cho khách hàng từ đêm tới sáng.

Khi quyết định đóng cửa hàng vì không đủ chi phí chi trả cho tiền thuê mặt bằng gần 30 triệu đồng mỗi tháng, Tuấn Minh phải thanh lý giá lỗ 30% nhưng vẫn không hết được hàng. Hiện tại, anh phải nhờ bạn bè, anh em trong hội bóng đá mua giúp. 

Sau cùng, Tuấn Minh nhận ra khi khởi nghiệp, ngoài tiền, anh chỉ có đam mê về sản phẩm và thiếu nhiều kiến thức liên quan đến tài chính. Minh chỉ nhận ra việc này khi gặp những khó khăn trong việc quản lý dòng hàng, dòng tiền, cân đối chi phí hàng tháng. 

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Việc lựa chọn sản phẩm mà bản thân yêu thích sẽ giúp người khởi nghiệp có thêm đam mê để bắt đầu hành trình start up. Tuy nhiên, chỉ vậy thôi là chưa đủ.

Chị Trần Thị Mai Hân - chuyên gia tài chính, phó giám đốc một công ty về dịch vụ kế toán và thuế - đưa ra lời khuyên dành cho những ai đang ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp.

Những phi vụ khởi nghiệp đi vào lòng đất vì thiếu kiến thức kinh doanh - 2

Chuyên gia Trần Thị Mai Hân (Ảnh: Hana Tran).

1. Khởi nghiệp hay khởi sự kinh doanh nên được nuôi dưỡng từ tinh thần lao động và làm việc nghiêm túc, đúc kết những bài học kinh doanh thực tiễn, đi cùng với ước mơ, khát vọng tạo ra giá trị cho xã hội chứ không chỉ là mong muốn làm giàu nhanh chóng.

2. Người khởi nghiệp cần giữ tinh thần học hỏi liên tục để nâng tầm phát triển cùng doanh nghiệp.

3. Kế hoạch và chiến lược kinh doanh phải được chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu, đi kèm với các phương án quản trị rủi ro, như vậy doanh nghiệp sẽ vững vàng đối mặt với những rủi ro có thể xảy ra.

4. Kiến thức và trải nghiệm ở nhiều vị trí trong một doanh nghiệp sẽ giúp các bạn nhìn nhận sâu sắc cơ hội, tiềm năng cũng như các vấn đề ở từng khâu vận hành.

5. Chiến lược marketing phù hợp với đối tượng khách hàng cũng là một trong những chìa khóa then chốt để thúc đẩy doanh số.