1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thích mặc đẹp nên đi kinh doanh thời trang: Cẩn thận vỡ mộng

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Vì thích mặc đẹp nên quyết định đi kinh doanh thời trang, hãy cẩn thận với suy nghĩ trên vì có thể bạn sẽ mắc sai lầm.

Không ít người khởi nghiệp đều thích bắt đầu với thời trang. Họ nghĩ rằng ai cũng có nhu cầu mặc. Sau mặc đủ, mặc ấm sẽ là mặc đẹp, mặc đồ sang, mặc hàng hiệu.

Họ tin rằng cầu cao thì cung cũng cao. Dù thế, yêu thích thời trang và kiếm tiền từ thời trang hoàn toàn không liên quan. Bạn có thể là một người mặc đẹp, dẫn đầu xu hướng nhưng chưa chắc bạn đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh thời trang.

Hãy làm thuê trước khi làm chủ

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thảo Anh (28 tuổi) - chủ 2 cửa hàng thời trang ở TP Bắc Giang - cho biết ban đầu cô có 4 cửa hàng nhưng đã phải đóng 2 vì thua lỗ.

Thảo Anh nhớ lại năm 2018, chị quyết định mở cửa hàng bán đồ nữ đầu tiên. Cô tự nhận bản thân chưa có kinh nghiệm trong việc quản trị nhân lực, quản lý kho hàng, marketing... Động lực lớn nhất khiến Thảo Anh quyết định start up là bởi niềm đam mê lớn với thời trang.

"Tôi vốn rất thích quần áo. Tôi có thể trích ra quá nửa tiền lương mỗi tháng để mua quần áo nên nghĩ rằng nhất định mình phải mở cửa hàng quần áo cho thỏa mãn đam mê", Thảo Anh nói.

Tuy nhiên, sau 7 tháng hoạt động, cửa hàng của cô lỗ 90 triệu đồng. Trước đó, cô bỏ ra 220 triệu đồng làm vốn gồm tiền thuê, sửa sang cửa hàng, nhập hàng, duy trì thuê nhân viên cố định trong vòng 6 tháng và chi phí marketing.

Tất cả khâu vận hành, quản lý, Thảo Anh đều làm theo cảm tính. Sau 7 tháng hoạt động, nhận thấy thiếu sót của bản thân trong từng bước khiến cửa hàng thâm hụt nhiều, Thảo Anh quyết định đóng cửa hàng thời trang của mình và đi làm thuê cho một thương hiệu lớn.

Thích mặc đẹp nên đi kinh doanh thời trang: Cẩn thận vỡ mộng - 1

Hãy bắt đầu khởi nghiệp khi đã tích lũy đủ kiến thức, trải nghiệm (Minh họa: Pinterest).

Cô cho biết gần 3 năm làm thuê ở cửa hàng thời trang khác là quãng thời gian quý giá và có ý nghĩa lớn. Nhờ đó, cô hiểu cách thức vận hành một cửa hàng, cách kiểm tra lượng hàng tồn trong kho, cách sắp xếp nhân sự… Từ đó, cô thêm phần tự tin và quyết định mở lại cửa hàng thời trang riêng của mình vào cuối năm 2022.

"Lần này mở ra khác hẳn so với lần một. Tôi đã làm chủ được các khâu. Từ đó, cửa hàng vận hành trơn tru và sớm nhìn thấy lợi nhuận".

Kinh doanh thời trang chưa bao giờ dễ dàng. Các vấn đề liên quan đến kiểm soát lượng hàng tồn, cập nhật mẫu mã mới, quản lý nhân sự, cách thức marketing thu hút khách hàng… đều cần phải học. Nếu coi việc kinh doanh là đam mê, là công việc chính, Thảo Anh đưa lời khuyên là hãy dành thời gian đi làm thuê ở một cửa hàng lớn để có trải nghiệm thực tế trong ngành. 

Lời khuyên cho người muốn kinh doanh thời trang

Theo Fashinza - một nền tảng hỗ trợ quản lý kinh doanh có trụ sở công ty tại Ấn Độ, các công ty may mặc có tỷ suất lợi nhuận khoảng 42%. Với tỷ suất lợi nhuận cao như vậy và nhu cầu lớn về may mặc, việc kinh doanh thời trang có thể khá sinh lợi.

Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa có nhiều người chơi trên thị trường và cạnh tranh sẽ rất cao. Ngoài ra, ngành thời trang luôn phát triển xoay quanh nhu cầu của người tiêu dùng. Chính điều đó làm cho lĩnh vực có sự thay đổi nhanh chóng, gây ra nhiều rủi ro. 

Fashinza đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể của một người kinh doanh thời trang gồm: có gu tốt, có kiến thức về may mặc và chịu được áp lực cao khi làm việc. Một người kinh doanh ngành thời trang phải có tầm nhìn xa về xu hướng trong tương lai, sẵn sàng đối mặt với thử thách và chấp nhận rủi ro trong khả năng.

Khi quyết định kinh doanh thời trang, chủ thương hiệu phải chỉ rõ đối tượng khách hàng mục tiêu, từ đó xây dựng thương hiệu nhắm đến đối tượng mục tiêu đó. 

Bên cạnh đó, một người làm kinh doanh thời trang phải sẵn sàng bước đi trên con đường ít người đi và hãy cố gắng xây dựng một mạng lưới tốt. Bất kể công việc nào cũng vậy, mối quan hệ là điều rất cần thiết.

Bạn sẽ đi nhanh hơn khi có mạng lưới những người trong ngành, sẵn sàng đứng ra giúp đỡ khi bạn khó khăn. Cùng với đó, người kinh doanh thời trang phải kiên nhẫn và có tầm nhìn.

Ngoài ra, việc ghi nhận những đóng góp của khách hàng là vô cùng cần thiết. Hãy lưu lại tất cả những ý kiến của khách hàng, từ đó tìm cách cải thiện những điều chưa hoàn thiện.

Giống với tất cả hình thức kinh doanh khác, kinh doanh thời trang cũng có thể trải qua những thăng trầm. Các doanh nhân ngành thời trang không nên nản lòng trước những thất bại nhỏ.

Lời khuyên là hãy đảm bảo làm việc không ngừng nghỉ, luôn hướng tới mục tiêu với đam mê lớn và niềm quyết tâm cao. Đôi khi, thành công có thể trì hoãn vì con đường khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Hãy bắt đầu khi đã tích lũy đủ kiến thức, trải nghiệm. 

iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo điện tử Dân trí.

iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm