Bán hoa tươi: Làm gì khi tồn hàng quá 3 ngày?

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Hoa tươi là mặt hàng đặc biệt, đòi hỏi quy trình vận chuyển và bảo quản kỹ càng. Bù lại, người kinh doanh sẽ có lợi nhuận tương đối cao nếu biết kiểm soát chi phí vào, ra hợp lý.

Minh Phương (29 tuổi) đưa ra quyết định "thay đổi cuộc đời" khi mở cửa hàng hoa tươi vào cuối mùa dịch Covid-19, lúc Hà Nội trong thời gian giãn cách. 

Trong khi hầu hết mọi người vẫn hoang mang vì phải cách ly, Minh Phương nghĩ đến điều lớn hơn. Cô cho rằng khó khăn, thử thách luôn đi cùng cơ hội nên quyết định khởi nghiệp vào thời điểm ít người nghĩ đến nhất.

"Tôi cho rằng sau khi hết dịch, mọi người sẽ quan tâm đến nhà cửa, sức khỏe nhiều hơn. Như vậy, mọi người sẽ để ý đến hoa tươi để chăm chút cho nhà cửa. Tôi đã nghĩ như vậy và đưa ra quyết định", Phương nói.

Chọn sản phẩm mà bản thân yêu thích nhất

Lựa chọn hoa tươi mà không phải cà phê, hàng ăn, Minh Phương cho biết những người muốn kinh doanh nên chọn mặt hàng mà bản thân đủ yêu thích hoặc hiểu biết.

Khi nghiêm túc kinh doanh, ngoài vốn, tâm lý, người chủ cần dành ra nhiều thời gian nghiên cứu về sản phẩm, đối thủ, chiến lược, vận hành. Do vậy, nên lựa chọn mặt hàng bản thân yêu thích mới khiến cho họ có đủ động lực bắt đầu.

Cô bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu về hoa vào khoảng 2 năm trước ngày mở cửa hàng. Thời điểm mùa dịch, Phương bắt đầu bán hoa online. Khi chưa có nhiều kiến thức về ngành, Phương hỏi người đi trước, gia nhập vào các mạng lưới kinh doanh hoa để hiểu rõ về sản phẩm. 

"Tôi tìm xem cửa hàng nào có cùng phân khúc, học hỏi cách họ đã làm, rồi mới chính thức bắt tay vào làm", Phương kể. 

Bán hoa tươi: Làm gì khi tồn hàng quá 3 ngày? - 1

Chị Minh Phương - chủ một tiệm hoa tươi ở Hà Nội (Ảnh: Minh Phương).

Ngoài việc học kiến thức thực từ người khác, trải nghiệm, cảm nhận của bản thân cũng rất quan trọng. Theo Phương, học hỏi cũng cần chắt lọc cái gì phù hợp, cái gì không.

Trong thời gian bán hoa online trước lúc mở cửa hàng, Minh Phương cho biết cô tìm được "chìa khóa" của sản phẩm hoa tươi. Hoa là sản phẩm giúp mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn vào thời điểm họ "thiếu thốn" niềm vui trong mùa dịch Covid-19.

"Sản phẩm đáp ứng đúng hành vi, nhu cầu của khách hàng vào thời điểm là điểm rất quan trọng. Người ta hay gọi là thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Phương khẳng định.

Quản lý tiền chặt chẽ là chìa khóa để thành công

Chia sẻ về số vốn ban đầu dành cho tiệm hoa tươi, Minh Phương cho biết cô lên kế hoạch tài chính để ít nhất cửa hàng phải duy trì được trong 6 tháng đầu tiên.

Cô dùng 400 triệu đồng cho chi phí ban đầu gồm tiền sang sửa cửa hàng, thuê mặt bằng, dự trù kinh phí vận hành trong 6 tháng đầu, chi phí thuê nhân viên, chi phí marketing. Sau 9 tháng đầu tiên, cửa hàng hoa tươi của Minh Phương đạt được điểm hòa vốn, vượt quá mong đợi ban đầu của cô là 12 tháng.

Nói về khó khăn trong những tháng đầu tiên mở cửa hàng, Minh Phương cho biết cô bắt đầu với con số 0 cùng với nhiệt huyết, đam mê để khởi nghiệp.

Theo cô, đặc thù của ngành hoa là phải nhập hàng vào ban đêm. Những ngày lễ tết, cô và nhân viên phải làm việc xuyên đêm để có thể trả đơn đúng hẹn cho khách. Cùng với đó, bảo quản hoa là vấn đề rất quan trọng vì hoa là sản phẩm đặc thù. Tùy theo từng loại hoa có thời gian bảo quản khác nhau.

Đa phần sản phẩm hoa tươi đều bán trong ngày, lâu nhất là ngày thứ hai. Nếu không, hoa sẽ không đạt độ đẹp nhất khi đến tay khách hàng. 

"Có những thứ ban đầu tôi nghĩ là vậy nhưng đến lúc làm, sự thật lại khác. Phải bắt tay vào làm mới hiểu thực tế là gì", cô chia sẻ.

Bán hoa tươi: Làm gì khi tồn hàng quá 3 ngày? - 2

Cửa hàng hoa của Minh Phương mở vào mùa dịch Covid-19 (Ảnh: Minh Phương).

Vận chuyển hoa cũng là khó khăn khiến Phương đau đầu trong giai đoạn mới mở cửa hàng. Dù cố gắng tìm hiểu nhưng cô vẫn gặp không ít khó khăn về khâu chuyển hàng. Nhiều sản phẩm tới tay khách hàng không đạt chất lượng, khiến họ thất vọng. 

Để giải quyết vấn đề này, Minh Phương cho rằng xử lý khách hàng, giải quyết khủng hoảng là việc rất quan trọng. "Chúng tôi đã quyết định chuyển hoa bằng ô tô để đảm bảo hoa đến tay khách hàng đẹp nhất có thể dù chi phí cao hơn rất nhiều", Minh Phương nói.

Ngoài ra, kiểm soát chi phí đầu vào, đầu ra của cửa hàng hoa nói riêng và các mô hình kinh doanh nói chung. 

"Luôn phải kiểm soát chặt chẽ mọi thứ, doanh thu, chi tiêu hàng ngày, đầu vào, đầu ra. Người chủ phải nắm vững tất cả các chi phí này. Quản lý tiền hết sức quan trọng", Phương nói.

Với cô, nếu không nắm vững chi phí, doanh nghiệp dễ rơi vào trạng thái mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu, lỗ, lãi như thế nào. Hoa tươi là mặt hàng xoay vòng vốn rất nhanh, không quá 3 ngày. Hoa tươi không thể tồn trong kho quá lâu, buộc phải có hàng đi, hàng về theo ngày. 

Dịp lễ lớn là thời điểm các cửa hàng thúc đẩy doanh thu nhanh, mạnh. Đây là lúc các cửa hàng phải lên mục tiêu doanh thu rõ ràng, từ đó lên chiến lược để đáp ứng về doanh thu. Phải có mục tiêu cụ thể, những bước tiếp theo mới đúng và sát sườn.

Với hoa, cửa hàng luôn phải chuẩn bị phương án dự phòng cho khối lượng hoa tươi tồn đọng. Minh Phương cho biết với cửa hàng của mình, cô có một nhóm cộng tác viên để đẩy hàng. Với những sản phẩm hàng tồn, Phương sẽ nhờ cộng tác viên bán giúp.

Khi hoa tồn đến ngày thứ 2, Phương sẽ dùng để làm sản phẩm mẫu và tính toán đó là chi phí marketing. 

Ngoài ra, cửa hàng của Minh Phương luôn cố gắng duy trì nhóm khách hàng thân thiết. Với những sản phẩm tồn sang ngày thứ 2, thứ 3, cô sẽ bán với mức giá thấp nhất có thể cho những khách hàng thân thiết nếu họ có nhu cầu mua hoa về cắm chơi tại nhà.

Bên cạnh đó, tìm kiếm các nhân sự, florist (thợ cắm hoa) phù hợp với định hướng, phong cách của cửa hàng cũng là khó khăn không nhỏ với Phương trong thời gian đầu khởi nghiệp.

Sẵn sàng đối mặt với thất bại

Hoa thuộc top những ngành hàng có lợi nhuận ở mức trung bình đến cao, dao động khoảng 30-35% trong trường hợp kiểm soát được chi phí đầu vào, đầu ra, Minh Phương cho biết. 

Ngoài ra, vào những ngày lễ, con số lợi nhuận sẽ tăng lên nhiều lần. Lợi nhuận của những ngày này sẽ bù cho những ngày có doanh thu kém hơn.

Về hình thức marketing, Minh Phương cho rằng với mỗi chiến lược kinh doanh sẽ có mô hình marketing phù hợp. Với doanh nghiệp nhỏ của mình, Minh Phương cho biết cô tập trung vào dịch vụ, sản phẩm để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm nhiều hơn họ mong đợi.

Chăm sóc khách hàng cũ để từ đó, chính khách hàng sẽ là những người giúp cửa hàng marketing truyền miệng 0 đồng. Trong năm 2023, khi kinh tế đi xuống, Phương cho rằng marketing truyền miệng là phù hợp trong giai đoạn này.

Nói về lời khuyên dành cho người trẻ khởi nghiệp, Minh Phương cho rằng người trẻ nên sẵn sàng tâm thế cho việc thất bại dù đã cố hết sức. Cố gắng rất nhiều không có nghĩa là bạn sẽ thành công. Còn nếu không cố gắng, tỉ lệ thành công sẽ bằng 0.

Với Phương, người trẻ khi bắt đầu với trái tim nhiệt huyết và đầy đam mê sẽ mộng mơ khá nhiều nhưng hãy cố gắng giữ vững tâm thế, có bản lĩnh, đối diện với thất bại hoàn toàn có thể xảy ra.

"Khi khó khăn rất dễ nản. Phải sẵn sàng tâm thế cho thất bại. Khi có bất kỳ khó khăn gì đến, bạn vẫn sẵn sàng để bước tiếp", cô khẳng định.

Cùng với đó, việc xác định khách hàng mục tiêu là rất quan trọng. Buộc phải biết đối tượng mình hướng đến là ai, có hành vi, sở thích như thế nào, từ đó mới có các chiến lược phù hợp. Hãy hiểu rõ thị trường, đối thủ đang làm gì, sản phẩm nào đang hot, con đường nào dành cho bạn.