Thương chiến Mỹ - Trung dưới thời ông Biden sẽ ra sao?
(Dân trí) - Theo giới phân tích, ông Biden sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ vẫn duy trì các biện pháp cứng rắn trong chính sách đối phó với Trung Quốc như hiện nay.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, vị Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump liên tục cảnh báo rằng, nếu ông Biden chiến thắng thì đó cũng sẽ là “chiến thắng đối với Trung Quốc”. Hơn nữa, ông Trump cũng khẳng định chính mình mới là người có thể giúp nước Mỹ chiếm ưu thế trước Trung Quốc và những chiến dịch của ông Biden sẽ ít “để tâm” đến những kế hoạch đối phó với nền kinh tế Trung Quốc đang ngày một lớn mạnh hơn.
Vào ngày 7/11, các hãng thông tấn lớn của Mỹ đã lần lượt xướng tên ông Joe Biden là ông chủ Nhà Trắng của Mỹ sau chiến thắng vượt trội hơn so với ông Trump.
Trước đó, giới phân tích dự báo nếu đắc cử, vị cựu Phó Tổng thống Mỹ sẽ đứng giữa hai sự lựa chọn là cần phải hủy bỏ hay tiếp tục theo đuổi cuộc thương chiến với Trung Quốc cùng với hàng loạt các loại thuế cũng như công nghệ chống Trung Quốc.
Khi còn đương nhiệm chức Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama, ông Biden cũng từng đưa ra những quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc. Mặc dù hiện ông vẫn chưa đưa ra những chính sách cụ thể nhằm đối phó với sự phát triển và ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy ông Biden sẽ giữ vững lập trường tương tự như người tiền nhiệm Donald Trump.
Xuyên suốt quá trình tranh cử, ông Biden luôn cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh để đối phó Trung Quốc trong sân chơi thương mại. Nhiều chuyên gia cũng dự báo tổng thống tân cử sẽ không sớm xóa bỏ thuế nhập khẩu của người tiền nhiệm lên các mặt hàng như nhôm, thép nhập khẩu, cũng như hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và châu Âu.
Không những vậy, việc ưu tiên kinh tế hàng đầu đối với chính quyền ông Biden sẽ là hồi sinh nền kinh tế đang bị đại dịch tàn phá. Do đó, các thỏa thuận thương mại có khả năng xếp sau các nỗ lực kích thích và phát triển cơ sở hạ tầng.
Trong bài viết có tựa đề “Vì sao nước Mỹ phải dẫn đầu trở lại” được đăng tải trên tờ Foreign Affairs, ông Joe Biden đã mô tả ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch củng cố vị thế cường quốc của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu là đầu tư vào đổi mới và tầng lớp trung lưu, đồng thời nâng cao sức mạnh đoàn kết kinh tế của các nền dân chủ trên thế giới. Từ đó, hành động này sẽ góp phần chống lại các động thái cực đoan lạm dụng quyền lực kinh tế, thu hẹp bất bình đẳng xã hội.
Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ quan điểm cho rằng phương án tốt nhất để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là thành lập liên minh vững chắc với các đồng minh và đối tác, thay vì ban hành các sắc lệnh thuế quan đơn phương.
“Trung Quốc là một thách thức cực kì đặc biệt. Tôi đã từng có thời gian nghiên cứu và thảo luận với các nhà lãnh đạo của nước họ, và nhận thấy rõ những gì nước Mỹ phải đối mặt. Bắc Kinh thực chất đang đi đầu trong một trò chơi dài hơi bằng việc bành trướng ra toàn thế giới, mở rộng ảnh hưởng chính trị và đầu tư công nghệ. Các công ty Mỹ sẽ bị tổn thương trên chính sân nhà, và tài sản trí tuệ của Mỹ có thể bị lấy cắp.
Chỉ riêng nước Mỹ đang đại diện cho khoảng một phần tư GDP toàn cầu. Khi chúng ta hợp tác cùng các nền dân chủ khác, chúng ta trở thành một liên minh với sức mạnh tăng gấp đôi. Dĩ nhiên, do đó Trung Quốc không thể làm ngơ với một nửa thế giới”, ông Joe Biden viết.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao, chuyên gia phân tích cùng với cựu quan chức cố vấn cho ông Joe Biden lại cho rằng, vị cựu phó Tổng thống Mỹ đang thiên hơn về việc thận trọng cũng như tập trung cạnh tranh chiến lược so với thói quen đe dọa và đối đầu trực diện của Tổng thống Trump. Dù vậy, các chính sách cụ thể với Trung Quốc trong thời gian tới sẽ còn phụ thuộc nhiều vào quyết định bổ nhiệm nội các của tân Tổng thống Joe Biden.
Theo nguồn tin, các cố vấn thân cận cho biết, ông Biden sẽ tìm cách chấm dứt căng thẳng thương mại với châu Âu, đồng thời tham vấn từ các đồng minh của Mỹ để quyết định tương lai mức thuế mà Mỹ đang áp lên hàng hóa Trung Quốc.