Nhiều khách sạn rơi vào tình trạng thua lỗ, làn sóng bán tháo bao giờ ngớt?

(Dân trí) - Hoạt động kinh doanh khách sạn đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề khi bị sụt giảm mạnh cả về công suất lẫn giá cho thuê khiến phần lớn các khách sạn rơi vào tình trạng thua lỗ.

Nhiều khách sạn rơi vào tình trạng thua lỗ, làn sóng bán tháo bao giờ ngớt? - 1

Một khách sạn khu vực phố cổ được rao với giá 69 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Làn sóng “bán tháo” các khách sạn vừa qua hầu hết là các khách sạn quy mô nhỏ, khách sạn gia đình được tự vận hành.

Còn đối với các khách sạn phân khúc cao cấp 4-5 sao dù chưa ghi nhận làn sóng nay, tuy nhiên theo vị chuyên gia, thời gian tới có thể các chủ sở hữu sẽ cởi mở hơn trong việc đàm phán chuyển nhượng tài sản thay vì đòi hỏi mức giá rất cao như trước đây.

PV: Thị trường có thể nói vô cùng khó khăn trước tác động của dịch Covid-19. Vừa qua hàng loạt khách sạn buộc phải đóng cửa, rao bán. Ông nhận định gì về hiện tượng này? Liệu làn sóng ồ ạt rao bán này bao giờ sẽ trầm lắng?

Ông Mauro Gasparotti: Ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn trong thời gian qua vì dịch bệnh. Hoạt động kinh doanh khách sạn đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề khi bị sụt giảm mạnh cả về công suất lẫn giá cho thuê khiến phần lớn các khách sạn rơi vào tình trạng thua lỗ.

Hoạt động kinh doanh bị sụt giảm có thể khiến một số chủ sở hữu mất khả năng chi trả các khoản vay và dẫn đến nhu cầu thoái vốn khỏi các tài sản đang nắm giữ.

Nhiều khách sạn rơi vào tình trạng thua lỗ, làn sóng bán tháo bao giờ ngớt? - 2

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương.

Thị trường Việt Nam hiện cũng đang có nhiều tin tức về làn sóng “bán tháo” các khách sạn, nhưng hầu hết là các khách sạn quy mô nhỏ, khách sạn gia đình được tự vận hành bởi các chủ sở hữu. Đối với các khách sạn thuộc phân khúc cao cấp 4-5 sao quốc tế, chúng tôi vẫn chưa nhận thấy làn sóng thoái vốn.

Nguyên nhân là do phần lớn chủ sở hữu của các dự án lớn có nền tảng tài chính vững chắc, có thể tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, chủ sở hữu của các khách sạn nhỏ sẽ khó có đủ tiềm lực tài chính để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Lý do thứ hai là nhờ vào kết quả hoạt động ấn tượng của ngành khách sạn trong những năm trước mà một số khách sạn lớn có đủ tích luỹ để trang trải chi phí trong giai đoạn hiện tại.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, các chủ sở hữu của phân khúc cao cấp 4-5 sao quốc tế có thể sẽ cởi mở hơn trong việc đàm phán chuyển nhượng tài sản thay vì đòi hỏi mức giá rất cao như trước đây.

Các nhà đầu tư có nên tranh thủ cơ hội tìm kiếm mua lại các dự án bất động sản du lịch, khách sạn... khi thị trường chuyển nhượng đang nhộn nhịp như thế này không?

Luôn tồn tại rủi ro và cơ hội trong mọi hoạt động kinh doanh. Đối với việc tranh thủ cơ hội mua lại các dự án bất động sản du lịch, theo tôi đây là thời điểm phù hợp để cân nhắc.

Trong những năm gần đây, ngành nghỉ dưỡng Việt Nam luôn rất hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nhờ vào tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Tuy nhiên, đó cũng là rào cản khiến nhiều nhà đầu tư khó gia nhập vào thị trường vì các chủ sở hữu đều không muốn thoái vốn trong điều kiện thị trường đang tăng trưởng tốt.

Trong giai đoạn này, một số chủ sở hữu có thể có kế hoạch thoái vốn và các nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội này để đầu tư vào những tài sản tốt mà trước đây họ khó có cơ hội để có thể đầu tư.

ưTheo ông, khi nào thị trường du lịch mới có thể phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại như thời điểm năm 2019 và vài năm trước đó?

Kể cả khi đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại với một số quốc gia, chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức từ thị trường khách quốc tế như thời điểm năm 2019.

Có thể sẽ có nhu cầu du lịch xuất ngoại từ nhóm khách cá nhân hoặc nhóm nhỏ, nhưng phần lớn du khách, đặc biệt là nhóm khách đoàn và khách gia đình sẽ cần thêm thời gian để đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn đánh giá ngành du lịch Việt Nam sẽ hồi phục nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào nhu cầu nội địa và khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn, cụ thể là các quốc gia châu Á.

Trong năm 2019, Việt Nam ghi nhận hơn 85 triệu lượt khách nội địa, đây chính là nguồn khách tiềm năng cho ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, khoảng cách gần với các quốc gia châu Á cũng là một điều kiện thuận lợi khi đây là nguồn khách lớn và tình hình dịch bệnh tại các quốc gia này cũng đang được kiểm soát tốt.

Do đó khi các đường bay thương mại dần được phục hồi, đây là nhóm du khách được dự báo sẽ có xu hướng sớm khôi phục hoạt động du lịch trở lại.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!