Lỗ chục tỷ đồng, chủ khách sạn Hà Nội “toát mồ hôi” xoay xở trước đại dịch

Ngọc Tú

(Dân trí) - Chịu lỗ hàng chục tỷ đồng trong những tháng đại dịch, nhiều chủ khách sạn ở Hà Nội phải tìm đủ mọi cách để xoay xở.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã hạn chế số lượng du khách nhập cảnh, điều này đã khiến ngành du lịch và khách sạn bị “tổn thương” nghiêm trọng và rơi vào trạng thái “ngủ đông” dài hạn.

Lần đầu tiên trong 10 năm qua, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam bị sụt giảm ở mức thấp kỷ lục.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý III/2020, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt 44.000 lượt, chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cộng gộp cả 3 quý, lượng du khách quốc tế giảm 9 triệu lượt, tương đương 70,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lỗ chục tỷ đồng, chủ khách sạn Hà Nội “toát mồ hôi” xoay xở trước đại dịch - 1

Lần đầu tiên trong 10 năm qua, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam bị sụt giảm ở mức thấp kỷ lục. Hàng loạt khách sạn ở Hà Nội phải đóng cửa. Ảnh: Vũ Đức Anh

Khách sạn "bán mình", "toát mồ hôi" xoay xở trước đại dịch

Tại nhiều địa phương mạnh về du lịch, nhiều khách sạn đã phải tạm dừng hoạt động vô thời hạn, thậm chí nhiều khách sạn phải “bán mình” do không thể chi trả các khoản chi phí phát sinh.

Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Viết Hùng, CEO chuỗi khách sạn Im. tại Hà Nội cho biết, trong các khoản phải chi trả, chi phí gánh nặng nhất là tiền lãi vay ngân hàng hàng tháng, tiếp đến là chi phí trả thuê mặt bằng.

Ngoài ra, vẫn còn một số khoản chi phí như lương cho người lao động, chi phí bảo dưỡng, bảo trì, vận hành khách sạn, phí vệ sinh môi trường;.....

Lỗ chục tỷ đồng, chủ khách sạn Hà Nội “toát mồ hôi” xoay xở trước đại dịch - 2

Một khách sạn trên phố cổ Hà Nội thường xuyên khóa trái cửa. Ảnh: Vũ Đức Anh

“Với một khách sạn 3 sao tại Phố cổ, mỗi tháng tôi phải bỏ ra ít nhất là 200 - 300 triệu đồng cho mọi chi phí phát sinh. Trong trường hợp không thể gánh nổi, chúng tôi buộc phải đóng cửa 1 - 2 khách sạn, để cứu các khách sạn còn lại”, ông Hùng nói.

Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, các chủ khách sạn đã có nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do đại địch Covid-19. Đơn cử như, tái cơ cấu lại khách sạn bằng cách cắt giảm các khoản thu, chi không cần thiết, cắt giảm lương thưởng của ban lãnh đạo;...

Với chuỗi 5 khách sạn Im. tại Hà Nội, ông Hùng đã giảm 80% tổng số nhân sự, chỉ giữ lại một số nhân viên gắn bó nhiều năm với khách sạn. Cắt giảm hoàn toàn chi phí hội họp, phí truyền thông và marketing.

Bên cạnh đó, chủ khách sạn áp dụng mức giảm giá phòng lên tới 70%, từ 1,8 triệu đồng còn 300.000 đồng/phòng/đêm để kích cầu.

Ngay cả khi áp dụng mức giảm chưa từng có, thì công suất lấp phòng cũng chỉ đạt 10% - 20%.

Ông Hùng thừa nhận, những giải pháp nêu trên chỉ mang tính chất tạm thời, nếu dịch bệnh kéo dài tới năm 2021, nhiều khả năng chuỗi khách sạn này sẽ bị đổ vỡ dây chuyền.

“Chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát trên toàn thế giới, cửa khẩu quốc tế mở cửa trở lại, hoạt động hàng không hoạt động bình thường, lúc đó ngành khách sạn mới có đà hồi phục”, ông Hùng nói.

Lỗ chục tỷ đồng, chủ khách sạn Hà Nội “toát mồ hôi” xoay xở trước đại dịch - 3

Nhiều chủ khách sạn giảm giá 70% tiền thuê phòng để kéo khách. Ảnh: Vũ Đức Anh

Một tháng dịch bệnh, 1 khách sạn lỗ tới 15 tỷ đồng

Trong khi đó, đại diện của một chuỗi khách sạn 5 sao tại Hội An, Nha Trang và Hạ Long tiết lộ, chỉ trong 9 tháng, toàn bộ chuỗi khách sạn đã bị lỗ hơn 15 tỷ đồng.

Vị này cho biết, trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, chuỗi khách sạn này vẫn có thể cầm cự được nhờ vào tiền đặt cọc của khách hàng, thậm chí trong quý I, doanh thu còn tăng nhẹ khoảng 10% so với năm ngoái.

Thế nhưng, kể từ cuối tháng 5/2020, khi dịch bệnh bùng phát đợt 2, tất cả khách sạn của doanh nghiệp này buộc phải đóng cửa, khiến doanh nghiệp chính thức rơi vào cảnh thua lỗ.

“Hiện nay, dù đại dịch đã được kiểm soát tốt trong nước, thế nhưng, tình hình quốc tế vẫn còn phức tạp, nên chúng tôi vẫn chưa quyết định thời gian mở cửa trở lại.

Nếu mở cửa bây giờ, chúng tôi sẽ phải gồng gánh thêm hàng loạt chi phí khác như phí nhân sự, phí vệ sinh, phí vận hành,... Nếu như vậy, khoản lỗ chắc chắn sẽ phình to ra hơn nữa”, vị này nói thêm.

Một trong những giải pháp được nhiều chủ khách sạn hưởng ứng và mang lại hiệu quả lớn trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, chính là đăng ký làm điểm cách ly có thu phí.

Lỗ chục tỷ đồng, chủ khách sạn Hà Nội “toát mồ hôi” xoay xở trước đại dịch - 4

Tấm biển thông báo đóng cửa được dán bên ngoài khách sạn ở Hà Nội. Ảnh: Vũ Đức Anh

Tính tới đầu tháng 8/2020, cả nước có tổng cộng 207 khách sạn tại 25 tỉnh, thành phố được chọn làm điểm cách ly tính phí, với hơn 23.000 giường.

Trong đó, Hà Nội có 6 cơ sở với 764 giường; TP.HCM có 9 cơ sở lưu trú du lịch với 841 giường đủ điều kiện làm điểm cách ly và Đà Nẵng có 41 cơ sở lưu trú du lịch đạt điều kiện phục vụ cách ly với 8.340 giường.

Được biết, nhiều khách sạn cũng đã nộp hồ sơ lên Sở Du lịch các địa phương, đăng ký làm các điểm cách ly có tính phí. Thế nhưng, do không đáp ứng được lực lượng y - bác sĩ, nhân viên hậu cần, an ninh, nên số lượng hồ sơ được xét duyệt vẫn còn hạn chế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm