Người Việt sính hàng ngoại vì hàng nội quá thiếu

Một số ý kiến cho rằng, nếu hàng sản xuất trong nước có đạt chất lượng tốt, tạo dựng được thương hiệu, chắc chắn người tiêu dùng sẽ tín nhiệm và sẵn sàng bỏ hàng ngoại để dùng hàng nội.

Đây cũng chính là một trong những hạn chế từ Cuộc vân động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
 
71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam.
 

71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam

Ngày 14/12, Hội nghị sơ kết 3 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hưởng ứng chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư TƯ Đảng đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ tháng 8/2009.Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, nhận thức và hành vi của người sản xuất lẫn người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể.

Người tiêu dùng đã hướng tới ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.

Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện nay đã có tới 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao so với con số 23% trước đây.

Còn theo số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011, có đến 90% người tiêu dùng tại Tp.HCM chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt; tại TP.Hà Nội là 83%, trong đó, 59% người tiêu dùng mua và sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt; 38% người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh thành phố cũng cho thấy, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy đã được 80% người ưu chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả cũng được trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng…

Bắt không xuể hàng giả, hàng lậu

Trong 3 năm quả, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Đảng, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải hàng ngàn chuyên trang, chuyên mục, hàng vạn tin bài tuyên truyền về Cuộc vận động, kịp thời phát hiện, nêu gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động; đồng thời đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền CVĐ trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, lồng ghép chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã tổ chức rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hàng ngàn văn bản pháp quy, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất, thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hoá Việt Nam đến với người tiêu dùng trong cả nước.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, giới thiệu và đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... được tổ chức ở hầu hết các địa phương. Theo báo cáo, đã tổ chức thực hiện 1.433 hội chợ, triển lãm, 1.150 đợt bán hàng về nông thôn, 370 đề án xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương phê duyệt.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại được các ngành, địa phương quan tâm tích cực triển khai, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và sản xuất trong nước. Tính riêng từ tháng 7/2009 đến tháng 11/2012, đã có 46.060 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu bị phát hiện và xử lý; hơn 35.400 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và hơn 126.000 vụ vi phạm khác.

Trong khoảng thời gian đó, riêng tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính đã lên gần 500 tỷ đồng; Tịch thu, tiêu hủy hàng cấm, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trị giá gần 150 tỷ đồng.

Con số thống kê cho thấy, từ tháng 7/2009 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý một lượng lớn hàng hóa vi phạm là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng được sản xuất trong nước hoặc được đặt tại nước ngoài, như: 35.500 chai rượu, hơn 500.000 chai bia, hơn 150.000 chai nước giải khát nhập lậu, kém chất lượng, quá hạn sử dụng; hơn 110 tấn mỳ chính, bột ngọt nhập lậu, kém chất lượng; gần 4 triệu bao thuốc lá lậu, giả nhãn hiệu các loại; gần 1.000 tấn trái cây, hoa quả, nông sản nhập lậu; gần 190 tấn đường kính nhập lậu, quá hạn sử dụng; 109 kg và gần 500.000 hộp, vỉ, viên thuốc tân dược nhập lậu, quá hạn sử dụng; hơn 420 tấn gia súc, gia cầm và phụ phẩm gia súc…vvv…

Từ khi khởi động Cuộc vận động, các doanh nghiệp là một trong những lực lượng tích cực triển khai các hoạt động khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. Khối sản xuất ưu tiên mua sắm hàng trong nước phục vụ nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, ưu tiên phân phối hàng trong nước. Điển hình là việc nỗ lực sử dụng công nghệ, nguyên liệu trong nước, đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, các doanh nghiệp dệt may, dầu khí, xi măng, điện lực có tỷ lệ mua sắm hàng trong nước chiếm tới 70%, tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm đầu vào, nguyên liệu, thiết bị máy móc của DN thuộc Bộ Công Thương tăng bình quân 25%/năm. Trong hệ thống siêu thị lớn, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, từ 80-90%, hệ thống Saigon CoopMart là 95%.

Người Việt sính hàng ngoại vì hàng nội quá thiếu

Dù đã có những kết quả khả quan, nhưng thực tế cho thấy, tâm lý sính hàng ngoại vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân.

Một số ý kiến cho rằng, nếu hàng sản xuất trong nước có đạt chất lượng tốt, tạo dựng được thương hiệu, chắc chắn người tiêu dùng sẽ tín nhiệm và sẵn sàng bỏ hàng ngoại để dùng hàng nội.

Một trong những hạn chế của việc người dân còn kém mặn mà với hàng made in Viet Nam được nêu ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngày 14/12/2012, đó là còn nhiều doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động, sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả thấp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thậm chí, không ít doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng “bao cấp”, chạy theo cơ chế “xin-cho”, chưa chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ cam kết về sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, còn nhiều hình thức làm ăn “chụp giật”.

Theo Đinh Bách
VnMedia