Người trồng rau rơi nước mắt và niềm tin người tiêu dùng

(Dân trí) - Một người trồng và kinh doanh rau cảm thấy bất lực do cảm thấy "sao cuộc sống này con người phải khó nhọc đi tìm niềm tin đến thế! Sao tìm mua mớ rau con cá an toàn mà khổ thế!” Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng vì thiếu niềm tin đã quyết tự trồng lấy rau sạch để ăn.

Người trồng rau sạch rơi nước mắt

Một người trồng và kinh doanh rau hữu cơ chia sẻ trên trang cá nhân: "Những ngày này rất nhiều người xin mua rau, nhiều lắm! Vì rau chưa đủ nên tôi xin hẹn 3 tuần nữa để chờ rau ở trang trại thứ 2 lên! Thế rồi tôi được nghe lý do thật mà các bạn cứ muốn ưu tiên! Vì trong số đó nhiều bạn bị ung thư, nhiều bạn đang mang bầu, và nhiều bạn có con nhỏ! Tôi thấy mình bất lực, tôi đã ngồi khóc!”.

Chị cho hay, điều khiến chị bất lực ngồi khóc là do cảm thấy "sao cuộc sống này con người phải khó nhọc đi tìm niềm tin đến thế! Sao tìm mua mớ rau con cá an toàn mà khổ thế!”

Người trồng rau rơi nước mắt và niềm tin người tiêu dùng - 1

Chia sẻ với tâm sự trên, facebook Cuc Nguyen viết: “Đúng là khóc. Khóc vì như chị nói, tìm nguồn cung an toàn hiếm quá. Hôm nay chồng em về quê có việc, ngồi nói chuyện với mấy bác dưới quê. Họ nuôi gà để ăn còn cho ăn tăng trọng, nghĩa là sự hiểu biết về thực phẩm sạch với họ là không có. Nên việc đi tìm nguồn cung sạch thực sự nó khổ sở cũng đúng thôi. Khi nào người nông dân ý thức và hiểu được thực phẩm sạch đúng nghĩa, lúc đó người tiêu dùng không còn khổ sở”.

Cũng nói về “rơi nước mắt” của người trồng rau sạch nhưng nhà văn Trang Hạ từng viết về một câu chuyện khác: "Mình có anh bạn tên Phong ba năm nay bỏ việc đi trồng rau sạch Đà Lạt và phân phối ra ngoài Hà Nội. Anh quyết tâm giúp bà con dân tộc thiểu số ở Ka Đơn có kỹ thuật trồng rau sinh học tiên tiến, không hóa chất phân bón, rồi nhổ cái cây rau lên, cà chua cà rốt khoai tây hay là rau củ quả gì cũng thế, anh cho lên máy bay chở thẳng ra Hà Nội. Anh không can thiệp bất cứ thứ gì vào rau trái sau thu hoạch, kể cả phun nước lã".

Tuy nhiên, theo Trang Hạ kết quả là: “Các mẹ ở Hà Nội yêu anh vô cùng: Rau lá hơi héo một tí là kiện. Củ còn đất là kêu ca. Trái dâu tây không đỏ rực và bóng được như dâu Trung Quốc là các mẹ bỏ qua. Cần tây xà lách héo đầu lá thì các mẹ một đi không trở lại, có người còn kêu là sao đắt vậy? Có đúng rau củ Đà Lạt hay không thì ai mà biết? Nông chủ chỉ còn biết khóc ròng”.

Cùng câu chuyện, chị Bùi Phương - chủ một cửa hàng thực phẩm sạch chia sẻ: “Giờ tình trạng thực phẩm bẩn phổ biến đến nỗi, người tiêu dùng mua gì ăn gì cũng bị ám ảnh rằng không an toàn. Bản thân tôi kinh doanh được gần 2 năm nay và những khách hàng ở lại đều là những người đã có sự tin tưởng nhất định. Còn nhiều khách, mua một vài lần rồi cũng nghi ngờ rằng bán đồ không đảm bảo và họ lại tìm tới những địa chỉ khác. Người kinh doanh như mình phải chấp nhận thôi”.

Thiếu niềm tin, người tiêu dùng quyết tự trồng rau sạch

Không tin tưởng vào rau mua ở ngoài chợ, cửa hàng thực phẩm sạch và cả trong siêu thị, chị Mai Thuý (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định đầu tư một vườn rau tự trồng trên sân thượng. Với một khoảng sân thượng rộng chưa tới 20m2, chị Thuý có một vườn đủ các loại rau từ rau cải, muống, mùng tơi, mướp, bí…

“Tôi trồng nhiều loại rau xen kẽ nhau để đổi bữa hàng ngày. Mỗi hôm chỉ phải dành khoảng 30 phút để chăm tưới là đủ rau ăn cả ngày. Đã 3 năm nay, tôi vẫn duy trì thói quen này và đến nay trừ khi ra ngoài ăn hàng thì gia đình tôi chưa phải bỏ một đồng nào để mua rau ở ngoài về ăn”, chị Thuý cho biết.

Trong vườn rau trên sân thượng của người dân được trồng cả ớt, hành...
Trong vườn rau trên sân thượng của người dân được trồng cả ớt, hành...

Còn chị Nguyễn Thu Hương (Hà Đông, Hà Nội) chọn một giải pháp khác là tận dụng các khu đất trống xung quanh nhà quây lại để trồng rau.

Chị cho hay: “Nhà tôi ở chung cư, ban công khá chật chội để làm chỗ phơi đồ nên chỉ đủ để vài chậu hoa, rau mầm cho con ăn. Còn để phục vụ nhu cầu cả nhà, tôi để ý chỗ nào chưa quy hoạch thì cuốc lên trồng rau. Nhờ thế mà nửa năm nay chưa phải mua rau ở chợ”.

Những luống rau tận dụng khu đất trống xung quanh nhà.
Những luống rau tận dụng khu đất trống xung quanh nhà.

Nói về bài toán kinh tế khi tự trồng rau, anh Đặng Ngọc Hưng (Ba Đình, Hà Nội) tính toán: “Với 40 thùng xốp, đất và phân bón, hạt giống trồng rau, không tính nước tưới và công bắt sâu, chi phí hết khoảng hơn 800 nghìn đồng. Trung bình ngày ăn 2 bữa rau, gia đình tôi đủ rau ăn trong 3 tháng, bằng chưa tới 1/3 chi phí đi mua ở bên ngoài”.

Anh Hưng chia sẻ kinh nghiệm trồng rau: “Khi gieo được 1 tuần, có thể tỉa bớt 1/3 mầm để ăn. Thêm 2 tuần nữa có cải mơ, lúc này để 1 hộp khoảng 7 - 8 cây ăn lá đủ trong khoảng 2 tuần. Hộp nào hết rau lại gieo hạt tiếp, như vậy là có rau ăn nối tiếp nhau. Đến vụ tiếp theo chỉ phải mua thêm đất trộn vào, chi phí giảm so với lần 1 khoảng 70%”.

Phong trào trồng rau sạch tại nhà của người thành phố đã có trong vài năm trở lại, theo đó người dân tận dụng mọi góc ban công, sân thượng, khoảng đất trống để đặt những chậu, bồn đất trồng rau sạch.

Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 2 - 10 triệu đồng đầu tư cho một khoảng vườn để tự trồng rau sạch.
Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 2 - 10 triệu đồng đầu tư cho một khoảng vườn để tự trồng rau sạch.

"Tuy nhiên, đây có lẽ là thời điểm “nở rộ” nhất do người dân quá lo ngại trước tình hình an toàn thực phẩm. Bằng chứng là lượng khách hỏi mua dụng cụ trồng rau và hạt giống tại cửa hàng của tôi và nhiều nơi khác ngày một đông. Trung bình mỗi khách sẵn sàng bỏ ra 2 - 10 triệu đồng để đầu tư cho một vườn rau tự trồng. Trên thị trường, các đơn vị cung cấp dịch vụ này cũng xuất hiện ngày càng nhiều”, anh Trần Hiếu - chủ đơn vị thi công rau - hoa cảnh quan cho hay.

Phương Dung

 

Người trồng rau rơi nước mắt và niềm tin người tiêu dùng - 5