(Dân trí) - Giờ đi đâu cũng nghe người ta nói về gen Z. Được cho là thế hệ tương lai, gen Z quan niệm như thế nào về tiền bạc? Họ kiếm tiền ra sao, tiêu tiền như thế nào?
Tiền là sức bật của lò xo, là thước đo mọi thứ… là câu nói vui về tiền mà thế hệ 7X, 8X hay 9X đời đầu không lạ lẫm.
Nhưng với gen Z, tiền bạc có nghĩa lý ra sao? Gen Z nghĩ về tiền như thế nào? Họ tiêu hoang hơn gen Y, gen X? Họ có biết kiếm tiền từ sớm?
...
Vào mùa hè năm 2020, Matt Choon ngồi trong căn hộ của mình ở Brooklyn, Mỹ. Xung quanh cậu là hàng đống hộp kẹo cao su CBD và túi quần áo hàng hiệu. Choon đã dành nhiều năm để cố gắng biến công việc bán hàng qua mạng của mình từ chỉ là đam mê thành nguồn doanh thu bền vững.
Cậu lội tuyết đến nhiều cửa hàng xin họ bán sản phẩm của mình.
Cậu tổ chức các bữa tiệc tại nhà để quảng bá sản phẩm.
Cậu tuyển cộng tác viên bán hàng.
Nhưng cộng tác viên đến rồi lại đi. Và giờ chỉ có Choon, một người bạn cùng phòng, và một người hàng xóm đảm nhiệm công việc này.
Để phát triển kinh doanh, Choon chuyển sang dùng mạng xã hội. Chỉ vài tháng sau khi đăng tải những video đầu tiên về sản phẩm, Choon đã có một điểm bán lẻ chính thức ở khu Lower East Side của Manhattan.
Cũng như bạn bè đồng trang lứa gen Z, Choon không dùng điện thoại một cách vô bổ. Cậu và nhóm của mình đã kiếm được số tiền hơn 6 con số kể từ khi mở cửa hàng. Quả thật, anh chàng này rất may mắn biết tận dụng các xu hướng thịnh hành. Và Choon, một gen Z, đang viết lại hoàn toàn ý nghĩa của việc kiếm tiền và đầu tư vào tương lai.
Lớn lên trong một gia đình bình dân nhưng điều này chẳng thể ngăn Diana Guardado, 19 tuổi, đặt mục tiêu mua nhà và nghỉ hưu trước 30 tuổi. Không ai dạy cô về đầu tư và vì vậy khi 18 tuổi, cô mở một tài khoản môi giới và bắt đầu làm việc. Cô xem xét các video của những người dùng internet để tìm hiểu về trung bình chi phí bằng USD, chỉ số, quỹ giao dịch và nhiều thứ khác.
"Những người lạ trên mạng này đã trở thành người cố vấn của tôi", Guardado nói. "Tôi sẽ không thể đầu tư nếu không có internet".
Một cuộc khảo sát của Public.com cho thấy 64% thanh niên từ 18 đến 29 tuổi thảo luận về các khoản đầu tư với bạn bè. 41% người thuộc gen Z trả lời cuộc khảo sát của Fidelity nói rằng họ học về cách đầu tư từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Leif Abraham, đồng Giám đốc điều hành của Public.com, cho biết: "Mọi người luôn nói về đầu tư, chia sẻ các mẹo với nhau. Và mạng xã hội đã đưa điều này trở thành xu hướng phổ biến hơn".
Đã qua rồi cái thời nhận công việc ở trại hè hoặc làm người trông trẻ, chắt chiu tiền mặt bỏ vào heo đất và đợi đến một ngày nào đó công ty cung cấp cho bạn một khoản lương hưu. Gen Z giờ học cách vận dụng các thuật toán của Instagram và YouTube để có được các hợp đồng biểu diễn và bắt đầu kinh sự nghiệp doanh của riêng họ.
Thế hệ trẻ này đã trải qua cuộc suy thoái do Covid-19. Họ muốn viết ra các quy tắc về tiền của riêng mình. Họ làm việc chăm chỉ để kiếm tìm sự giàu có theo những cách mới mà họ cảm thấy cần thiết cho thời kỳ hậu đại dịch. Họ học các kiến thức về kinh doanh, đầu tư từ người lạ.
GEN Z VÀ TIỀN BẠC
Thực tế, mỗi thế hệ đều có cách tiếp cận riêng đối với tiền bạc, tài chính cá nhân.
Millennials (hay còn gọi là gen Y, là những người sinh vào khoảng năm 1986 đến 1991) có hành trình đến tuổi trưởng thành đầy rẫy trở ngại và khó khăn như mức lương chậm và điều kiện kinh tế thiếu ổn định. Những thách thức này kết hợp với các hoàn cảnh thế hệ khác, đã giúp hình thành thói quen và thái độ chi tiêu của nhóm người này đối với tiền bạc và các khoản nợ.
Trong hành trình này, Millennials đã đúc rút và chia sẻ một cách công bằng về những sai lầm tài chính của họ, và một điều thú vị là gen Z - nhóm thế hệ nối tiếp - đã và đang học hỏi từ chính những sai lầm này của những đàn anh, đàn chị gen Y.
Gen Z đang đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ trong quan niệm về tiền. Mỗi thế hệ có một quan điểm khác nhau. Nhưng gen Z đang chứng tỏ họ là người sẽ xác định lại tương lai của nền tài chính. Thế hệ này phải thích nghi với những thách thức do môi trường hiện tại và quá khứ mang lại. Và điều đáng ngạc nhiên là họ đang thích nghi và điều chỉnh nhanh hơn nhiều so với dự kiến.
Gen Z, những bạn trẻ sinh từ khoảng năm 1997 đến 2012, là những người đầu tiên được tiếp cận với công nghệ từ khi còn bé và có tư duy về tiền tệ, kinh tế có thể thay đổi cả thế giới trong tương lai. Gen Z là thế hệ tiếp nối của gen Y. Hầu hết gen Z là con cái của thế hệ X. Vì là gen Z, nên họ được chứng kiến những nỗi sợ hãi, khó khăn của những thế hệ trước đó. Cụ thể là họ thấy được sự vật lộn mưu sinh của thế hệ X, một phần thế hệ Y. Họ cũng thấy Minnenials phải thay đổi ra sao để thích nghi với cuộc sống công nghệ.
Còn với tiền, không chỉ biết tiêu, gen Z còn sớm biết kiếm, đồng thời có những tư duy khác biệt về tiền, tài chính cá nhân….
KHÔN NGOAN HƠN VỚI NỢ NẦN
Gen Z sinh ra và lớn lên cùng với điện thoại thông minh và internet. Điều này giúp họ điều chỉnh và thích ứng với mọi thay đổi một cách nhanh chóng. Họ đã chứng kiến cách Millennials tranh cãi về con đường tương lai, theo đuổi ước mơ với lựa chọn công việc ít ỏi. Cho dù đang học đại học hay đã đi thì nhiều người luôn quan tâm trước tiên đến khả năng kiếm được và nhu cầu.
Họ cũng không quá quan tâm đến các khoản nợ vì với đa số gen Z chọn giáo dục đại học với chi phí thấp hơn. Thế hệ Millennials tiết kiệm được nhiều tiền hơn, nhưng gen Z lại gánh ít nợ hơn. Thế hệ trẻ này tiếp thu kinh nghiệm và kiến thức từ những sai lầm của các thế hệ đi trước để trở nên khôn ngoan hơn.
BIẾT KIẾM TIỀN, SẴN SÀNG... NHẢY VIỆC
Một thống kê cho thấy 35% gen Z đã có kế hoạch kinh doanh hoặc đã bắt đầu kinh doanh. Chỉ 21% người thuộc gen Z muốn vay vốn sinh viên. 64% tìm hiểu về kế hoạch tài chính từ những người khác. Có tới 75% trong số tất cả gen Z sẵn sàng nhảy việc nếu có cơ hội.
Phần lớn người thuộc gen Z biết đến tài chính và muốn trở nên giỏi hơn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt là nguồn kiến thức của họ. Khoảng 84% vẫn dựa vào cha mẹ và gia đình để biết thông tin tài chính. Mặc dù nó có thể hữu ích ở một mức độ nào đó, nhưng thông tin có thể đã lỗi thời, không đầy đủ hoặc sai hoàn toàn.
QUAN TÂM ĐẾN TÀI CHÍNH CÁ NHÂN, HAM HỌC HỎI
Gen Z đều còn rất trẻ và họ phải luôn mở rộng tầm nhìn của mình. Và một trong những cách để họ làm điều đó là thông qua mạng internet.
Theo một cuộc khảo sát của Yahoo Finance, 38,8% gen Z được hỏi nói rằng họ đã tìm hiểu về tài chính cá nhân từ TikTok, YouTube hoặc các phương tiện truyền thông xã hội khác, như Twitter hoặc Instagram, 34,3% trả lời cụ thể là từ TikTok và YouTube. Thêm 7,2% trả lời rằng họ lấy thông tin từ nghiên cứu cá nhân hoặc các diễn đàn trực tuyến như Reddit. Con số này cao hơn nhiều so với 22,70% cho biết đã học được từ cha mẹ hoặc gia đình.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều khảo sát để có cái nhìn rõ hơn về các đối tượng thuộc thế hệ này. Khác với Millennials gia thị trường việc làm trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc đại suy thoái, gen Z được thừa hưởng một nền kinh tế mạnh mẽ (trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát) với tỷ lệ thất nghiệp thấp. Các thành viên của thế hệ Z đa dạng về chủng tộc và sắc tộc hơn bất kỳ thế hệ trước nào khác. Và theo Pew Research, gen Z trên 13 tuổi vào năm 2018 có xu hướng giống với thế hệ Millennials ở điểm họ đang tiến bộ dần lên.
Có lẽ quan trọng nhất, từ góc độ tiếp thị, gen Z không biết đến một cuộc sống không có điện thoại thông minh và mạng xã hội. Họ hiểu biết về công nghệ một cách tự nhiên bởi vì công nghệ luôn là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Và họ cũng có ý thức mạnh về tiền bạc và tài chính cá nhân.
GEN Z TIÊU TIỀN - NHỮNG CHI TIẾT GÂY "SỐC"
Gen Z hiện là nhóm người có ảnh hưởng lớn và sức mua đáng kinh ngạc. Một sự thật có thể khiến nhiều người ngạc nhiên đó là gen Z thật ra lại là những người rất tiết kiệm. Có tới 21% người thuộc gen Z đã mở nhiều tài khoản tiết kiệm trước khi tròn 10 tuổi.
Theo nghiên cứu, gen Z ở Mỹ chi tiêu khoảng 35 tỷ USD mỗi năm, trong khi Millennials chi tiêu gấp khoảng 72 lần số tiền đó. Mặc dù vậy, gen Z có ảnh hưởng lớn đến các quyết định chi tiêu tiền trong hộ gia đình của họ. Hầu hết gen Z đang sống cùng gia đình và khi họ mua những sản phẩm mà họ muốn hoặc cần, điều đó ít nhiều có ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của những người xung quanh như cha mẹ, bạn bè.
Gen Z không quan tâm nhiều thương hiệu của sản phẩm như thế hệ Millennials mà chỉ quan tâm đến tính độc đáo của những sản phẩm đó. Chẳng hạn, khi mua một bộ quần áo, họ không quan tâm xem bộ quần áo đó là của thương hiệu Lululemon hay Adidas. Họ chọn sản phẩm đó vì nó mới lạ và miễn là giá trị của sản phẩm phù hợp với những gì họ đang tìm kiếm.
GEN Z LÊN MẠNG INTERNET CHỈ ĐỂ MUA HÀNG?
Một cuộc khảo sát vào năm 2020 cho thấy 72% gen Z có nhiều khả năng mua hàng từ một thương hiệu họ theo dõi trên mạng xã hội, nhưng không phải do họ tin vào những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Trên thực tế, chỉ 19% gen Z bị hấp dẫn bởi một sản phẩm được giới thiệu trên một mạng xã hội có lượng người theo dõi cao. Phần lớn thời gian gen Z sử dụng mạng xã hội là để lấy cảm hứng và nghiên cứu, chứ không phải mua hàng.
Một điều có thể gây sốc khác đó là gen Z thực thích mua sắm trực tiếp tại cửa hàng hơn là trên mạng. Gen Z có thể mua cả thế giới với chiếc điện thoại thông minh, tuy nhiên nhóm bạn trẻ này vẫn thích trải nghiệm thực tế chất lượng của sản phẩm. Và đó là lý do nhiều gen Z ưu tiên mua sắm trực tiếp tại cửa hàng.
Chia sẻ với GOBankingRates, tiến sĩ JeFreda Brown, tốt nghiệp Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Walden, cho biết: "Thế hệ Z thích trải nghiệm mua sắm trực tiếp hơn là trực tuyến. Khi mua sắm, họ quan tâm đến giá cả, giá trị và họ tìm kiếm những sản phẩm và dịch vụ mới, sáng tạo. Thế hệ này cũng rất chú trọng đến sức khỏe và lối sống lành mạnh".
QUAN NIỆM VỀ TIỀN THAY ĐỔI TRONG ĐẠI DỊCH
Millennials coi cuộc suy thoái năm 2008 là bước khởi đầu của họ đối với kinh tế học. nhiều người thuộc thế hệ này mới chỉ ngoài 20 khi cuộc đại suy thoái xảy ra, trong khi những người trẻ nhất sắp trở thành thanh thiếu niên. Sự kiện đó đã định hình định nghĩa của họ về tiền bạc, sự nghiệp và cả cuộc đời của họ. Chẳng có gì đáng kinh ngạc khi Millennials là một trong những thế hệ bi quan nhất về tài chính của mình.
Tương tự, đại dịch Covid-19 cũng đã định hình gen Z. Thế hệ mới này gần như là phản ánh hoàn hảo của thế hệ Millennials vào năm 2008. Có lẽ một điểm khác biệt duy nhất là những "công dân kỹ thuật số" này cập nhật tin tức của thế giới thông qua mạng xã hội và đây cũng là phương tiện liên lạc thay thế các tương tác giữa người với người trong suốt khoảng thời gian cách ly do đại dịch.
Người "già" nhất trong thế hệ Z đã trải qua cả cuộc đại suy thoái và đại dịch Covid-19 và những khoảng thời gian khó khăn này có ảnh hưởng nhất định đến quan điểm của họ về tiền bạc trong nhiều năm tới.
Jake Hill, Giám đốc điều hành của DebtHammer, cho biết: "Thế hệ Z đã có một quá trình trưởng thành đầy hỗn loạn, thậm chí khó khăn hơn thế hệ Millenials nhiều".
Nếu lướt qua các trang mạng xã hội do gen Z thống trị như TikTok, bạn sẽ có cảm giác rằng những người trẻ này sẽ chẳng ngạc nhiên về ngày tận thế với một thảm họa kinh hoàng nào đó. Điều này không thể nói lên rằng gen Z là một thế hệ bi quan. Tuy nhiên, họ đã nhìn thế giới một cách thực tế vì những vấn đề rất cấp bách như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giàu nghèo đang đe dọa tương lai của chính họ.
"Covid-19 đã dạy cho gen Z tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho các sự cố bất ngờ, đặc biệt là về cơ sở tài chính. Mất việc cùng với thu nhập hiện tại đã cho nhiều người thấy được tầm quan trọng của các khoản tiết kiệm," Jake J. Oyler, một cố vấn tài chính, 25 tuổi, tại Colwyn Investments, cho biết.
Gen Z có ý thức về tài chính hơn các thế hệ trước. Mặc dù phần lớn gen Z chưa tốt nghiệp đại học hoặc sống tự lập, nhưng những người bước vào cuối tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành đều có ý thức về tiền của họ.
Chris Nddie, đồng sở hữu ClothingRIC, cho biết: "Tất cả xu hướng đều cho thấy sau đại dịch gen Z đã trở nên thận trọng hơn về mặt tài chính".
Đại dịch cũng làm cho gen Z nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư.
"Gen Z thường xuyên sử dụng mạng xã hội, nơi cung cấp các kiến thức đầu tư phong phú. Họ được truyền cảm hứng đầu tư tiền số tiền tiết kiệm của mình để kiếm tiền," Kelly Welch, CFP của Girard thuộc Univest Wealth cho biết.
Carter Seuthe, Giám đốc điều hành của Credit Summit cho biết thêm: "Không có gì ngạc nhiên khi thế hệ Z đang đầu tư nhiều hơn các thế hệ trước họ. Đối với họ, tiền là một thứ không ổn định vì chẳng có cái gì diễn ra như nó phải vậy".
Gen Z có tiền tiết kiệm và khoản đầu tư, nên họ có yêu cầu rất cao đối với nhà tuyển dụng ngay cả trong bối cảnh kinh tế và việc làm không an toàn.
"Covid-19 khiến mọi người có cái nhìn khác về cải vật chất và tiền bạc, đặc biệt là với gen Z. Không như các thế hệ trước mong muốn tìm một công việc tốt, gen Z tập trung nhiều hơn vào phát triển sự nghiệp cá nhân của họ," Matt Mundt, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Hug Sleep cho biết.
Sự ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống này, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, đã thúc đẩy sự phổ biến của các phương án làm việc từ xa, linh hoạt. Trên thực tế, ngày càng nhiều người thà bỏ việc hơn là quay lại làm việc tại văn phòng.
"Những người trưởng thành thuộc thế hệ Z không mong đợi sẽ gắn bó với một công ty mãi mãi hoặc thậm chí trong 5 năm. Nếu họ thấy dứng đáng với những gì họ bỏ ra thì họ sẽ tiếp tục. Điều này thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hợp đồng," Hill cho hay.
Biết kiếm tiền, tiêu tiền và có những tư duy khác biệt về tiền, biết đầu tư cho bản thân, biết "làm giàu" với những kiến thức trên không gian mạng… là những điểm đáng nói về gen Z và tài chính.
Dù thế, phương pháp tiếp cận tiền bạc của gen Z liệu có phải là chiến lược tốt, có nên là chiến lược dài hạn hay không? Đó vẫn là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Anderson Lafontant, cố vấn tài chính của Miracle Mile Advisors ở Los Angeles, Mỹ, cho hay, bên cạnh những thông tin giá trị thì trên mạng xã hội cũng đầy rẫy lời khuyên tồi tệ về tài chính cá nhân.
Và vì thế, tìm đến những kênh chính thống, nghe những lời khuyên từ người có tên tuổi, kinh nghiệm đầu tư, có lẽ là cách để chọn lọc thông tin tốt nhất…