Người giàu tăng nhanh, Việt Nam sẽ là “kinh đô” mới của hàng xa xỉ?

(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng nhóm người giàu mới nổi tăng cao, tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ, siêu xe, vàng, trang sức ngày càng tăng so với thế giới…Việt Nam đã và đang trở thành “điểm hẹn” mới, “kinh đô” mà các nhãn hàng xa xỉ đặt chân.

Theo một báo cáo mới đây về nhóm người giàu mới nổi (New Wealth builders - NWB) trên thế giới của tạp chí The Economist, nhóm NWB của Việt Nam có tài sản trung bình từ 2 tỉ - 42 tỉ đồng tăng nhanh thứ 3 châu Á, chỉ sau Ấn Độ và Indonesia.

Người giàu tăng nhanh, Việt Nam sẽ là “kinh đô” mới của hàng xa xỉ?
Người giàu Việt Nam cũng được mệnh danh là chịu chơi so với thế giới về mua sắm siêu xe (ảnh minh hoạ).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Cụ thể, tỷ lệ người giàu Việt Nam tăng 34,9%, tăng nhanh hơn so với các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Philippines và dự báo năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 347 người.

Tại thị trường Việt Nam, minh chứng rõ nét nhất chính là việc ngày càng nhiều người sở hữu các mặt hàng tiêu dùng, trang sức xa xỉ từ vài triệu đến trăm triệu. Người giàu Việt Nam cũng được mệnh danh là chịu chơi so với thế giới về mua sắm siêu xe.

Theo đó, hàng loạt siêu xe trên thế giới đã đưa sản phẩm vào Việt Nam như Bugati, Rolls Royce, Bentley, Maybac…, trong đó nhiều hãng đã mở đại lý phân phối tại Việt Nam. Tháng 8/2014, hãng siêu xe Rolls Royce đã mở chi nhánh đầu tiên của mình tại Hà Nội. Sau đó 3 tháng, hãng siêu xe Bentley cũng mở một đại lý siêu xe tại Hà Nội… Cùng với hai hãng xe trên thì các dòng xe sang như Lexus (Toyota), Audi, BMW cũng đã mở nhiều đại lý phân phối chính hãng tại Hà Nội, TPHCM.

Đặc biệt, mới đây, Tạp chí nghiên cứu Châu Á (Asia Briefing) đưa tin, trong số 50 chiếc Mercedes-Maybach S600 có giá 9,6 tỷ đồng, dự kiến sản xuất cho thị trường toàn cầu trong năm 2015, thì giới siêu giàu Việt Nam đã “đặt cục gạch” 10 chiếc.

Còn báo cáo năm 2015 của hãng nghiên cứu Knight Frank (Wealth Report 2015) công bố, hàng xa xỉ tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các loại mặt hàng túi xách cao cấp như Hermes, Cartier, Louis Vuiton đều có mặt tại các trung tâm thương mại lớn, nhỏ tại TPHCM và Hà Nội.

Thương hiệu túi sách Hermes đã có mặt tại TP HCM năm 2012, theo Knight Frank tăng trưởng lợi nhuận của  Hermes trong đã có trên hai con số khoảng từ 20  - 30%/năm. Đặc biệt, mới đây, cư dân mạng đã sốc trước thông tin túi xách cao cấp hiệu Hermes về Việt Nam với giá 1,6 tỷ đồng đã được bán hết ngay.

Ngoài hàng hiệu, siêu xe, hàng tiêu dùng, thực phẩm ngoại cũng đổ vào Việt Nam nhanh chóng. Mặc dù chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao gấp đôi, ba so với rượu trong nước nhưng rượu ngoại của Pháp, Ý, Chi lê, Nga đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước và được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng.

Người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen với các thương hiệu rượu mạnh tại các nhà hàng, khách sạn có giá từ vài triệu đến cả chục triệu/chai. 

Trong năm 2012, theo thống kê của Asia Briefing và hãng bia lớn nhất Nhật Bản (Kirin) rượu Pháp chiếm 35% thị phần tại Việt Nam, theo sau là Chile 20%, Úc, Mỹ và Ý. Năm 2014, một báo cáo nước ngoài cho biết, người Việt Nam chi 3 tỷ USD/năm cho rượu bia. Mới đây, Việt Nam lọt trong Top 5 nước uống bia, rượu nhiều nhất châu Á.

Ngoài ra, tốc độ nhập thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam cũng đang tăng mạnh kể từ năm 2013. Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, năm 2014, Việt Nam đã phải chi khoảng gần nửa tỷ USD để nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ nước ngoài, trong đó hơn 200 triệu USD nhập thịt bò từ Úc… Nhu cầu tiêu dùng trong nước gia tăng, khiến nhiều đại gia Việt nhảy vào lĩnh vực nuôi bò thịt như bầu Đức, bầu Thành - ông chủ cũ của Samcombank.

Về tiêu dùng trang sức vàng, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ. Năm 2012, Việt Nam là  nước tiêu thụ vàng đứng thứ 7 thế giới. Năm 2014, giá trị trang sức giao dịch đạt 519 triệu USD - giảm 8% so với năm 2013, nhưng vẫn vượt một số nước châu Á khác có GDP đầu người trội hơn, như Thái Lan 250 triệu USD và Hàn Quốc 382 triệu USD. Các mặt hàng xa xỉ của người Việt tiêu dùng chỉ xếp sau nhà giàu Trung Quốc, Ấn Độ, dù tỷ lệ người giàu của các nước này gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần số người giàu tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm, nhóm hàng cần kiểm soát và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu, có kim ngạch nhập khẩu tăng lần lượt là 13,9% và 2,8%. Trong đó, ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) tăng 170,5%; ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 72,4% so với cùng kỳ.

 Nguyễn Tuyền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”