1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Người dân chi tiêu 2,5 triệu tỷ đồng: Lộ diện 3 nơi "xài tiền" mạnh nhất

Mai Chi

(Dân trí) - Để làm rõ về mức tăng 12,6% của tổng mức bán lẻ 5 tháng, Tổng cục Thống kê đã công khai số liệu chi tiêu ở 3 thành phố lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước 5 tháng ước đạt 2,53 triệu tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong mức tăng chung đó có sự đóng góp từ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.

Những địa phương này được cho biết có nhu cầu tiêu dùng lớn; lượng khách du lịch đến tăng cao, tác động lan tỏa đến các hoạt động vận tải, mua sắm, lưu trú, ăn uống… nhờ đó góp phần làm tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn.

Người dân chi tiêu 2,5 triệu tỷ đồng: Lộ diện 3 nơi xài tiền mạnh nhất - 1

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm của 3 thành phố lớn (Đơn vị: Nghìn tỷ đồng)

TPHCM: 458.100 tỷ đồng

TPHCM được cho biết là đã tổ chức nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Nhờ đó, các hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí trở nên sôi động.

Việc một số dự án bất động sản được tháo gỡ về mặt pháp lý đã làm thị trường bất động sản khởi sắc… góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu trên địa bàn thành phố trong 5 tháng đầu năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 99.100 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 10,1% so với tháng 5/2022.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 58.100 tỷ đồng, tăng 2,6% và tăng 10,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 9.400 tỷ đồng, tăng 7,9% và tăng 42,2%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 800 tỷ đồng, tăng 12,2% và tăng 71,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 30.800 tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 1,5% (lần lượt so với tháng trước và so với cùng kỳ).

Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TPHCM đạt 458.100 tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 277.600 tỷ đồng, chiếm 60,6% tổng mức và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng 24,7%, hàng may mặc tăng 6,1%, ô tô tăng 25,3%, xăng dầu tăng 8%).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41.300 tỷ đồng, chiếm 9% và tăng 34,8%. Đáng chú ý, dịch vụ ăn uống tăng rất mạnh 33,7%, dịch vụ lưu trú tăng 46%. Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 3.800 tỷ đồng, chiếm 0,8% và tăng 78,7%.

Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 136.400 tỷ đồng, chiếm 29,6 và giảm 6,5%. Trong đó, kinh doanh bất động sản giảm 11,4% (chiếm 59,9%); hoạt động vui chơi giải trí giảm 12,8%.

Hà Nội: 307.600 tỷ đồng

Trong 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Hà Nội gấp 7,9 lần cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa tăng 19,3%. Tổng cục Thống kê đánh giá đó là một số những nhân tố quan trọng, đóng góp nhiều vào tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 của Hà Nội ước tính đạt 62.800 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 40.100 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 8.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,7% và tăng 5,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 8,8% và tăng 42,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 12.900 tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 6,2% so với tháng trước và so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đạt 307.600 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197.200 tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng mức doanh thu và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 38.400 tỷ đồng, chiếm 12,5% và tăng 11,9% (dịch vụ lưu trú tăng 40,5%; dịch vụ ăn uống tăng 9,7%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 7.200 tỷ đồng, chiếm 2,3% và gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 64.800 tỷ đồng, chiếm 21,1% và tăng 5,1%.

Theo ghi nhận của cơ quan thống kê, trong tháng 5, ngành du lịch Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch, phát triển nhóm sản phẩm du lịch mới, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến hấp dẫn tới du khách. Cùng với đó, hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút một lượng lớn khách du lịch và người dân đến thăm quan, mua sắm.

Đà Nẵng: 50.700 tỷ đồng

Theo nhận xét của cơ quan thống kê, trong 5 tháng vừa qua, các hoạt động sự kiện phong phú, hấp dẫn đã thu hút đông đảo lượng khách du lịch trở lại Đà Nẵng, đặc biệt là lượng khách quốc tế.

Tốc độ tăng lượt khách du lịch quốc tế đến theo tour của thành phố trong 5 tháng qua đạt 129.500 lượt khách, gấp hơn 160 lần cùng kỳ năm trước; khách trong nước đạt 301.200 lượt, gấp 5,1 lần.

Sự hoạt động nhộn nhịp của ngành du lịch đã tác động tích cực tới các nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng khác phát triển trở lại, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm của Đà Nẵng tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ước đạt 10.400 tỷ đồng, giảm 0,8% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu du lịch và dịch vụ tiêu dùng khác chiếm trên 47% và là động lực chính góp phần thúc tăng trưởng hoạt động dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 50.700 tỷ đồng, tăng 40,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 9.400 tỷ đồng, tăng 64,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 318,6% - là một trong những nhóm ngành có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước.