1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

"Nghịch cảnh" Hải Dương: Nông sản được mùa, bà con như "ngồi trên đống lửa"

(Dân trí) - Tại Hải Dương, dịch bệnh ngày càng phức tạp khiến việc lưu thông hàng hóa gặp vô vàn khó khăn. Mỗi ngày trôi qua, nhìn rau ngày một lớn thêm xanh tốt, chị Văn lại càng lo lắng.

Vất vả trồng mấy sào rau 3 tháng trời mới đến ngày thu hoạch, chị Nguyễn Thị Văn (xã Cẩm Văn, Cẩm Giàng, Hải Dương) đã đổ không biết bao giọt mồ hôi trên cánh đồng; thức khuya, dậy sớm làm lụng chỉ mong có khoản thu nhập để trang trải chi phí cho gia đình, nuôi con ăn học.

Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến 3 sào rau của chị vẫn "nằm" tại ruộng. Chị Văn ước tính, mỗi sào cho thu hoạch 3 tấn thì gần chục tấn rau của chị cũng mang lại thu nhập 25 - 30 triệu đồng. Số tiền có thể không nhiều, nhưng với chị lại là một tài sản lớn.

Nghịch cảnh Hải Dương: Nông sản được mùa, bà con như ngồi trên đống lửa - 1

Cẩm Giàng vẫn là tâm dịch với nhiều diễn biến khó lường, khiến cho việc tiêu thụ nông sản gặp khó.

Mỗi ngày trôi qua, nhìn rau ngày một lớn thêm xanh tốt, chị Văn lại càng lo lắng. Bởi hiện tại rau đang ngon, nhưng chỉ trong khoản 1 tuần nữa sẽ già, nếu không may trời mưa thì coi như bỏ cả ruộng.

Trước khi có dịch, rau của chị đều có người đến tận nơi thu mua với giá 2.000 - 10.000 đồng/kg. Nhưng hiện tại, khu Văn Thai - nơi gia đình chị Văn sinh sống đang bị cấm đi lại, các lái buôn không thể cho xe vào lấy hàng. Vì thế, cả chục tấn rau xanh của chị vẫn chưa bán được chút nào. 

"Rau vẫn nằm nguyên tại ruộng, ai mua tôi mới đi cắt. Không riêng mình tôi, bà con quanh đây có hàng chục, hàng trăm nhà cũng vào cảnh tương tự" - chị Văn nói.

Nghịch cảnh Hải Dương: Nông sản được mùa, bà con như ngồi trên đống lửa - 2

Người nông dân đang đứng ngồi không yên.

Khi biết có người gọi tới giúp đỡ, chị Văn liên tục gửi gắm những mong muốn, những lời nhờ cậy thay bà con tại tâm dịch. Chị Văn mong rằng, các cấp lãnh đạo có phương án cho xe hàng có thể vào thu mua giúp bà con, người nông dân sẵn sàng tuân thủ các quy đình phòng dịch. Nhưng, điều chị mong muốn hơn cả là việc, người dân cả nước chung tay tiêu thụ nông sản, không kỳ thị hàng hóa của người Hải Dương.

Rau xanh không có nhiều thời gian chờ đợi như các loại củ, nên khi đến lúc thu hoạch mà không bán được, vợ chồng anh Ngô Văn Tứ (thông Văn Thai, xã Cẩm Văn) đành phải đi cắt về để nhà. Song, nhận thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch, anh Tứ đã cùng vợ đem phân phát cho bà con lối xóm.

Nghịch cảnh Hải Dương: Nông sản được mùa, bà con như ngồi trên đống lửa - 3

Cà rốt có thể để lâu, nhưng rau xanh không bán sớm sẽ phải bỏ đi.

Theo đó, rau cắt mới về, anh đều để trước cửa cho ai có nhu cầu thì qua lấy. Ngoài ra, vợ chồng anh cũng ủng hộ tỉnh đoàn Hải Dương và điểm cách ly tại xã 5 - 6 tấn rau.

Dù gia đình không khá giả, nhưng tất cả số rau ủng hộ anh Tứ không thu một đồng nào mà hoàn toàn chung sức cùng bà con chống dịch. Trong tổng số 12 tấn rau gia đình trồng, anh Tứ mới chỉ bán được 4 tạ thông qua thu mua hỗ trợ, nhưng vợ chồng anh vẫn vui vẻ động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.

Trước đây, rau xanh của anh đều được thu mua số lượng lớn để tiêu thụ trên Yên Bái, nhưng từ thời điểm mới cách ly thì đã phải dừng việc nhập rau do bị chợ trên đó kỳ thị.

"Rau ở Hải Dương đã được cấp giấy phép cho đi, nhưng lên đó lại bị lập biên bản và chỉ cho bán nốt trong ngày. Từ hôm sau, bạn tôi phải dừng bán rau từ Hải Dương", anh Tứ nói và chia sẻ thêm, nếu có thể tiêu thụ tại Yên Bái thì tôi cũng gỡ lại được chút tiền vốn.

Nghịch cảnh Hải Dương: Nông sản được mùa, bà con như ngồi trên đống lửa - 4

Người nông dân mong mỏi tìm được cách tiêu thụ và mong người dân cả nước không kỳ thị hàng hóa Hải Dương.

Hiện nay, giải cứu nông sản Hải Dương đang được rất nhiều địa phương thực hiện, các cấp chính quyền cũng liên tục vào cuộc để hỗ trợ người nông dân. Song, điều mong mỏi lớn nhất là cuộc sống sớm trở lại bình thường để người nông dân yên tâm lao động, sản xuất.