Ngân hàng lớn dồn dập giảm lãi suất tiền vay
(Dân trí) - Kể từ ngày 22/2 - 22/5, Vietcombank giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giảm bớt khó khăn vượt qua đại dịch, Vietcombank quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng, tinh từ ngày 22/2 đến 22/5.
Theo đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng này giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch.
Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch.
Tuy nhiên, đối tượng giảm lãi suất theo chương trình này không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của ngân hàng. Đại diện ngân hàng cho biết, tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 105 ngàn khách hàng với quy mô tín dụng là 350 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank.
Trong năm 2020, Vietcombank đã liên tục thực hiện 5 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại 10 tỉnh miền Trung.
Trên thị trường liên ngân hàng, sau mùa cao điểm cận Tết âm lịch, lãi suất VND liên tục có bước giảm lớn, Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu hút bớt tiền về.
Cụ thể, trong 3 ngày sau Tết, dù Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục chào thầu mỗi mỗi phiên trên kênh cầm cố nhưng không có tổ chức tín dụng nào tiếp cận.
Theo đó, thị trường bị hút ròng ngày 17/2 với 4.850,4 tỷ đồng, ngày 18/2 với 3.000,9 tỷ đồng và 19/2 với hơn 677 tỷ đồng. Tổng cộng 3 ngày sau Tết, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 8.500 tỷ đồng. Đến hết phiên giao dịch ngày 19/2, chỉ còn 26.629,3 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
Qua hoạt động liên tiếp hút tiền lại với quy mô lớn nói trên có thể thấy nguồn vốn VND và thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng đang biểu hiện dư thừa tạm thời.
Trong báo cáo phân tích mới đây, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Vietcombank cho hay, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất huy động, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.
Do đó, các nhà phân tích kỳ vọng tiếp tục có một phần tiền gửi dịch chuyển sang các kênh đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn. Đây tiếp tục được xem là động lực tăng trưởng nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp đối với nhà đầu tư cá nhân.
Nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp được kỳ vọng hồi phục đi kèm với sự tăng trưởng trở lại tốc độ bình thường trước dịch. Tuy vậy, cũng cần lưu ý thêm các ngân hàng trong giai đoạn cuối năm 2020 đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lại suất cho vay và định hướng này sẽ tiếp tục được thục hiện trong năm 2021.
Như vậy, có thể nhìn nhận kênh tín dụng ngân hàng cũng là lựa chọn cạnh tranh hơn đối với các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn.