Ngân hàng đã có room tín dụng mới, hàng trăm nghìn tỷ đồng sắp bung ra?

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được cơ quan quản lý thông báo riêng cho từng ngân hàng, mặt bằng chung đều thấp hơn so với mức sử dụng thực tế năm 2022.

Cụ thể, cuối tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất việc giao hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 về từng tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Một nguồn tin tiết lộ MSB được cấp room tín dụng cao nhất, ở mức 13,5% trong khi năm 2022 là 9,5%. Đây cũng là đơn vị duy nhất được cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2022.

Ngoài ra, HDBank được cấp room là 11% trong khi năm trước là 15%; ACB là 9,8% trong khi năm trước là 10%; VIB là 9,5% còn năm 2022 là 10%; TPBank là 9,1% còn 2022 là 11,5%; VPBank, MB cùng ở mức 9% trong khi năm trước là 15%, LienVietPostBank là 8% trong khi năm trước là 10%...

Việc thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, thực tiễn thị trường…

Mặt bằng chung đợt cấp đầu tiên này đều thấp hơn so với mức sử dụng thực tế năm 2022. Tuy nhiên, năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng cấp room tín dụng ban đầu cho các ngân hàng vào quý I, sau mới có thêm các đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng sau đó.

Trong một cuộc họp hồi tháng 2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 14-15% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. So với mức thực hiện năm 2022 là 14,5%, mức tăng trưởng định hướng này không có nhiều chênh lệch. Thống đốc cũng cho biết sẽ không có phân bổ room riêng từng ngành nghề mà chỉ có mức room chung để tạo định hướng tín dụng.

Trước đó, tại Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả xếp hạng tổ chức tín dụng, mức độ tập trung tín dụng, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường...

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.