DNews

Năm lấp lánh của vàng

Nhật Quang Thảo Thu

(Dân trí) - Sự lấp lánh của vàng năm qua được phản chiếu qua việc liên tiếp lập đỉnh, được đem ra đấu thầu, bán "bình ổn giá", hiệu suất sinh lời cao kỷ lục...

Năm lấp lánh của vàng

Thị trường vàng năm 2024 được các chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá là một năm đầy biến động, mang tính cột mốc trong lịch sử với những diễn biến trước nay chưa từng có tiền lệ.

Đơn cử như việc giá vàng trong nước lẫn quốc tế liên tục có đỉnh kỷ lục mới. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần đầu tổ chức đấu thầu vàng miếng sau hơn 10 năm. Người dân xếp hàng để mua vàng với mức giá bình ổn từ NHNN. Lần đầu tiên, khách muốn mua vàng phải đăng ký trực tuyến. Mặt hàng vàng miếng, vàng nhẫn trở nên khan hiếm trên thị trường... Đó là những diễn biến nổi cộm của thị trường vàng năm 2024.

Vàng lấp lánh

Cầm 1 lượng vàng trên tay, Quang Linh (huyện Bình Chánh, TPHCM) chưa từng nghĩ mình lãi hơn 15 triệu đồng chỉ sau vài tháng, tương đương hiệu suất sinh lời hơn 20%.

"Ngày đầu năm mới (2/1) tôi đã mua 1 lượng vàng miếng SJC với giá 74,5 triệu đồng, đến giữa tháng 5 mỗi lượng vàng đã lên vùng giá mới 89,9-92,4 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tôi chốt lời đúng ngày giá lập đỉnh, đem về khoản lãi bằng cả tháng lương", anh Linh kể lại.

Nhìn lại năm 2024, thị trường vàng chứng kiến những mức giá cao kỷ lục. Vàng miếng SJC đạt mức 92,4 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 5, tăng gần 18 triệu đồng/lượng so với đầu năm.

Năm lấp lánh của vàng - 1

Diễn biến giá vàng miếng SJC từ đầu năm đến nay (Nguồn số liệu: SJC)

Tương tự, mặt hàng vàng nhẫn tròn trơn tại SJC cũng ghi nhận một năm tăng giá mạnh, có thời điểm vượt 89 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Một số thương hiệu tư nhân còn bán ra với giá hơn 90 triệu đồng/lượng, vượt giá vàng miếng SJC.

Mở phiên đầu năm, vàng nhẫn giao dịch quanh mốc 61,8-63 triệu đồng/lượng. Đỉnh điểm ghi nhận tại ngày 1/11 khi mỗi lượng vàng nhẫn bán ra với giá 89,3 triệu đồng, tương đương hiệu suất sinh lời hơn 40%.

Thời điểm đầu tháng 4, khi giá vàng nhẫn chạm mốc 77 triệu đồng/lượng, chị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) đem 7 chỉ vàng ra cửa hàng bán "chốt lời". Thời điểm đó, chị Trang vui vì lãi tới 15% so với lúc mua. Nhưng chị không thể tin, giá vàng nhẫn có lúc lên gần 90 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng kỷ lục đồng pha với diễn biến giá thế giới. Kim loại quý thế giới mở cửa đầu năm quanh mức 2.060 USD/ounce, sau đó đã có 40 lần lập đỉnh và có thời điểm tiến sát 2.800 USD/ounce vào cuối tháng 10. 

Năm lấp lánh của vàng - 2

Diễn biến giá vàng thế giới trong năm qua (Nguồn: Trading View)

Bất chấp đợt bán tháo ngắn và mạnh sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11, giá vàng thế giới vẫn tăng hơn 26% kể từ đầu năm tính đến 30/12 và dự kiến kết thúc năm 2024 với hiệu suất tăng giá hàng năm tốt nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Theo giới phân tích, giá vàng thế giới tăng mạnh trong năm 2024 phản ánh nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương và nhu cầu trú ẩn an toàn của nhà đầu tư trước sự biến động của thị trường và rủi ro địa chính trị.

Báo cáo quý III của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, tổng nhu cầu vàng đã tăng thêm 5% so với cùng kỳ năm trước, lên 1.313 tấn, ghi nhận mức tăng kỷ lục trong quý III. Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng nhu cầu về vàng vượt hơn 100 tỷ USD.

Trước diễn biến tăng giá mạnh của vàng miếng vàng nhẫn, cuối tháng 4, lần đầu tiên sau hơn 10 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức bán đấu thầu vàng miếng, tăng cung cho thị trường. Song, giá vàng trong nước không giảm mà liên tục tăng, chênh lệch với quốc tế nới rộng lên gần 20 triệu đồng một lượng.

Để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch giá vàng, NHNN chuyển sang phương thức bán vàng cho 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để các đơn vị này bán lại cho người dân. Từ đó, chênh lệch từ mức 15-18 triệu đồng/lượng xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng. 

Năm lấp lánh của vàng - 3

NHNN có nhiều biện pháp can thiệp thị trường vàng nhằm kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế (Ảnh: Thành Đông).

Theo NHNN, hiện vẫn còn chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành Việt Nam đồng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh các giải pháp thực hiện nêu trên, NHNN cũng tăng cường kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh, thành phố (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an...) kiểm tra các đơn vị có hoạt động kinh doanh vàng, từ đó chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng.

Trong năm qua, NHNN cho biết các doanh nghiệp, ngân hàng sẽ bị thanh tra hoạt động kinh doanh vàng 4 năm gần đây, từ năm 2020 đến giữa tháng 5/2024, trong thời gian 45 ngày. Theo đó, 2 ngân hàng là TPBank, Eximbank và 4 doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu đều vào diện bị thanh tra.

Mua vàng phải đăng ký trực tuyến

Sau thời điểm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân (3/6), thị trường vàng bắt đầu xuất hiện những diễn biến có một không hai trong lịch sử. Từ việc phát số thứ tự cho người mua vàng, 4 ngân hàng và Công ty SJC chuyển sang bán vàng thông qua hình thức đăng ký trực tuyến.

Năm lấp lánh của vàng - 4

Thời điểm đầu tháng 6, muốn mua vàng miếng phải bốc số thứ tự và xếp hàng chờ tới lượt (Ảnh: Hải Long).

Người mua phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu của các đơn vị được phép bán như cung cấp các dữ liệu thông tin cá nhân như CCCD, số điện thoại, địa chỉ email… Các tổ chức này cũng bán định lượng, mỗi người chỉ được mua 1 lượng vàng mỗi lần đăng ký. Mỗi miếng vàng SJC được định danh gắn với CCCD người mua.

Không những vậy, có thời điểm người mua giao tiền nhưng vàng được giao sau 2-5 ngày đăng ký mua vàng thành công và 1 tháng sau mới được đăng ký mua lại… Hay đơn cử, khách phải có tài khoản ngân hàng mới được mua vàng miếng SJC. Vietcombank, BIDV, Agribank cho biết người dân muốn đăng ký mua vàng trực tuyến tại các đơn vị này phải có tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng và đang hoạt động. 

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng miếng SJC đứng bất động ở mức giá 76,98 triệu đồng/lượng trong một tháng.

Kỳ vọng gì vào giá vàng năm 2025?

Trong báo cáo triển vọng giá vàng 2025 công bố mới đây, Hội đồng vàng thế giới (WGC) nhận định kim loại quý vẫn có tiềm năng tăng giá, nếu nhu cầu của các ngân hàng trung ương mạnh hơn dự báo hoặc tình hình tài chính kém đi, kéo nhu cầu trú ẩn lên cao. Dù vậy, mức tăng năm 2025 có thể chậm hơn năm nay.

Theo WGC, hoạt động mua của khu vực ngân hàng trung ương có khả năng vẫn là động lực cốt lõi thúc đẩy giá vàng trong năm 2025. WGC dự báo, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ đạt hơn 500 tấn vào năm tới và sẽ tác động tích cực đến giá kim loại quý này.

"Nhìn chung, tình hình hiện tại thôi thúc nhà đầu tư trú ẩn, ví dụ như mua vàng, để đối phó rủi ro", trích báo cáo. 

Ngân hàng UOB Singapore thì dự báo giá sẽ tăng lên mức 3.000 USD vào cuối năm 2025. Sức mạnh tức thời của đồng USD có thể dẫn đến xu hướng tích lũy trong ngắn hạn đối với vàng trước khi tiếp tục đà tăng trong năm sau.

Năm lấp lánh của vàng - 5

Chuyên gia cho rằng vàng có thể sẽ kết thúc quá trình tăng trong năm 2025 và bước vào chu kỳ "ngủ đông" tại giai đoạn 2026-2030 (Ảnh: Hải Long).

"Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực với vàng vì nhu cầu trú ẩn an toàn dài hạn có khả năng sẽ vẫn mạnh trong bối cảnh rủi ro địa chính trị và kinh tế tiếp tục gia tăng từ nhiệm kỳ Trump 2.0", ông Heng Koon How - Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore - nêu. 

Goldman Sachs cũng cho rằng giá vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce vào cuối năm sau. Daan Struyven, Đồng giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của ngân hàng này, cho biết động lực chính là hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định năm 2025 giá vàng sẽ ổn định hơn, giá vàng trong nước lên xuống đồng điệu với thị trường thế giới. Người dân không nên vội vàng, không nên "lướt sóng" vì thị trường đã minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu để tích trữ lâu dài thì đầu tư vào vàng vẫn luôn là sự lựa chọn; còn nếu "lướt sóng" thì nhiều rủi ro vì nhà nước chưa có chủ trương nhập vàng để bán ra thị trường. 

Theo chuyên gia, nhà đầu tư không nên "bỏ trứng vào một rổ" mà bên cạnh vàng cần chia tiền ra các kênh đầu tư khác, như tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...

Chuyên gia Ngô Thành Huấn nhìn nhận có thể vàng sẽ kết thúc quá trình tăng trong năm 2025 và bước vào chu kỳ "ngủ đông" tại giai đoạn 2026-2030. "Tôi không khuyến nghị mua thêm. Người nào có đừng bán, hãy giữ", ông Huấn nêu. 

Ông Huấn cho rằng vàng không phù hợp để mua thêm vào lúc này. 2 kênh đầu tư triển vọng được ông Huấn gợi ý là bất động sản và cổ phiếu thông qua chứng chỉ quỹ mở. "Xác suất vàng tăng lại có nhưng sẽ chỉ 5-10%, trong khi 2 kênh còn lại có dư địa để tăng bằng lần", ông Huấn nói. 

"2025 là chu kỳ cuối cùng của vàng. Nếu không có biến động chính trị lớn thì vàng sẽ nhường lại thị trường cho chứng khoán và bất động sản", ông Huấn đưa ra quan điểm.