1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Một thảm họa đang xuất hiện khi các cung đường thủy quan trọng "khát nước"

Hoàng Đại
Kinh tế bền vững

(Dân trí) - Các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện trên toàn cầu ngày càng gây cản trở tới hoạt động vận tải hàng hóa trên những cung đường bận rộn nhất. El Nino có thể làm tình hình trở nên khó lường hơn.

Tàu thuyền qua kênh đào Panama giảm

El Nino dự kiến đạt đỉnh vào tháng 12 năm nay, nhưng những tác động từ hiện tượng thời tiết này sẽ vẫn âm thầm lan rộng ra toàn thế giới.

Sự chậm trễ trên là lý do giới chuyên gia tin rằng: 2024 sẽ là năm đầu tiên nhân loại vượt qua giới hạn tăng trưởng nhiệt độ 1,5 độ C, hay còn được gọi là điểm không thể quay đầu. Trong năm 2022, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,1 độ C so với cuối thế kỷ 19.

Tại Panama, mức nước thấp khiến quốc gia Trung Mỹ này phải giảm số lượng tàu, thuyền lưu thông qua dòng kênh nổi tiếng cùng tên, vốn là cầu nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Một thảm họa đang xuất hiện khi các cung đường thủy quan trọng khát nước - 1

Hạn hán khiến mực nước của kênh đào Panama xuống thấp (Ảnh: Reuters).

Quy định trên khiến cho số lượng tàu nằm chờ qua kênh đào Panama tăng cao đột biến, kéo dài thời gian di chuyển của dòng chảy hàng hóa, đi ngược lại với mục đích chính mà con kênh này được tạo ra.

Cơ quan quản lý kênh đào Panama cho biết biện pháp trên là cần thiết, bắt nguồn từ những "thách thức chưa từng có trong tiền lệ", ám chỉ tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra tại quốc gia này.

Tình trạng ùn ứ tàu chờ qua kênh đào Panama diễn ra không lâu sau khi Cơ quan Khí tượng Liên Hợp Quốc công bố thời điểm El Nino bắt đầu, đồng thời cảnh báo về một chuỗi hình thái thời tiết cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới.

Peter Sands, Trưởng nhóm nghiên cứu hàng không và đường biển tới từ nền tảng theo dõi giá cước vận tải Xeneta, cho biết những cung đường có vị trí án ngữ là điều hết sức bình thường trong lĩnh vực hàng hải, nhưng chỉ những sự kiện bất ngờ như từng xảy ra với kênh đào Suez mới có thể phá vỡ được mô hình vận chuyển "kịp giờ" (Just in-time).

"Tôi cho rằng vận tải hàng hóa toàn cầu là lĩnh vực kinh tế vô hình lớn nhất thế giới", Sands chia sẻ với CNBC. "Chúng ta tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ được vận chuyển bằng đường biển mỗi ngày nhưng hầu như không ai đặt câu hỏi bằng cách nào chúng có thể đến được với những giá hàng siêu thị, trừ khi có điều gì đó sai sót xảy ra", ông chia sẻ.

Tình hình dự báo tồi tệ hơn, một thảm họa đang hình thành

Giới chuyên gia cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ra bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, làm gia tăng xác suất xảy ra các sự cố tương tự tàu Ever Given, do gió lớn đã chắn ngang kênh đào Suez trong một tuần lễ cách đây 2 năm, khiến cho hoạt động thương mại Á - Âu bị đình trệ.

Nếu những sự cố như vậy tiếp tục xảy ra, chuỗi cung ứng hàng hóa, tình hình an ninh lương thực và thậm chí của nhiều quốc gia sẽ bị đe dọa.

Khi nói về tình trạng tàu phải chờ qua kênh đào Panama, Sands cho biết El Nino có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

"Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu và tình hình sẽ tiếp tục diễn biến xấu hơn tại thời điểm bước sang năm mới 2024", ông chia sẻ. "Hiện tại, mực nước tại đây đang thấp hơn so với thường lệ. Và một thảm họa đang hình thành", ông bổ sung.

Một thảm họa đang xuất hiện khi các cung đường thủy quan trọng khát nước - 2

Hoạt động vận tải qua kênh đào Suez từng bị ùn tắc do tàu Ever Given mắc cạn (Ảnh: Reuters).

Công ty vận tải toàn cầu Maersk của Đan Mạch cho biết họ "chưa bị ảnh hưởng quá nhiều" từ quyết định của chính phủ Panama nhưng cảnh báo rằng các rủi ro liên quan tới thời tiết xung quanh các cung đường vận tải quan trọng sẽ trở nên phổ biến hơn, với tác động nghiêm trọng hơn.

"Trên thực tế, chúng tôi đã phải đối mặt với những vấn đề tương tự từ thập niên 90 của thế kỷ trước", Lars Ostergaard Nielsen, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Maersk, chia sẻ với CNBC.

"Tôi cho rằng điểm khác biệt lớn nhất tới từ mức độ thường xuyên của các hình thái thời tiết cực đoan cũng tác động cũng khó lường của chúng", ông nói.

Đề cập tới tình trạng mực nước thấp trên kênh đào Panama, Nielsen cho biết hạn hán buộc Maersk phải cắt giảm gần 2.000 container trên mỗi con tàu.

Mỗi con tàu của Maersk phải tuân thủ quy định hạn chế độ chìm tối đa 50 feet (tương đương 15,2 m) trên kênh đào này. Trong quy định mới này, con số trên giảm xuống chỉ còn 44 feet đồng nghĩa với việc công ty phải sử dụng tàu nhỏ hơn hoặc giảm tải trọng hàng hóa.

"6 feet chiều sâu thôi cũng là một khác biệt lớn", Nielsen cho biết.

Và kênh đào Panama không phải trường hợp duy nhất chịu tác động tiêu cực từ quá trình biến đổi khí hậu.

Mực nước trên sông Rhine, tuyến đường thủy quan trọng chảy qua nhiều thành phố lớn tại Đức và châu Âu nối tới cảng Rotterdam (Hà Lan), hiện cũng đang xuống thấp. Cuối tháng 7, mực nước trên sông Kaub cũng giảm xuống ngưỡng thấp nhất kể từ đầu năm.

Mực nước trên các tuyến đường thủy bận rộn nhất châu Âu sụt giảm không phải điều mới lạ, gây khó khăn cho hoạt động vận tải hàng hóa, kéo tăng giá cước.

"Đối với trường hợp sông Rhine, việc tìm kiếm phương án thay thế không quá khó. Còn với trường hợp của kênh đào Panama, bạn phải lên kế hoạch từ rất sớm vì một khi tàu của bạn đã vượt hàng nghìn km trên Thái Bình Dương, hầu như không còn lựa chọn nào khác", Nielsen chia sẻ.

Một thảm họa đang xuất hiện khi các cung đường thủy quan trọng khát nước - 3

Mực nước sông Rhine (Đức) xuống thấp gây khó cho hoạt động vận tải (Ảnh: Reuters).

Trong một báo cáo công bố hồi cuối năm ngoái, công ty bảo hiểm toàn cầu Marsh khuyến nghị chính phủ các quốc gia cần hiểu rõ mức độ dễ bị tổn thương của những tuyến đường hàng hải huyết mạch, trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu xuất hiện ngày một nhiều.

Công ty này cảnh báo nếu một trong năm tuyến đường quan trọng nhất thế giới bị tắc nghẽn do các sự cố hoặc sự kiện chính trị, thiệt hại sẽ không chỉ gói gọn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những cung đường trên bao gồm Kênh đào Suez; kênh đào Panama; eo biển Malacca nằm giữa Indonesia và Malaysia; eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman; eo biển Bab-el-Mandeb giữa Djibouti và Yemen.

Dòng sự kiện: Kinh tế bền vững