1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mở cửa đăng ký xuất gạo lúc nửa đêm: Có điều gì khuất tất không?

(Dân trí) - "Tôi mới được biết hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4 được mở đột xuất vào nửa đêm, nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay... Chúng ta đẩy khó khăn thêm cho doanh nghiệp".

Đây là nhận định của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến về Kinh tế vĩ mô quý 1 năm 2020.

Mở cửa đăng ký xuất gạo lúc nửa đêm: Có điều gì khuất tất không? - 1

Theo ông Thành, thông tin cơ quan chức năng (bao gồm Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan) cho doanh nghiệp mở tờ khai làm thủ tục hải quan hạn ngạch (quota) xuất khẩu 400.000 tấn gạo vào lúc 0 giờ ngày 12/4 gây cho nhiều doanh nghiệp khó khăn.

Tôi nghĩ việc doanh nghiệp xuất gạo đột ngột bị đóng cửa thị trường đã khiến họ khó khăn, hôm nay tôi cũng mới biết 400.000 quota tấn gạo trong tháng 4 cũng được mở đột xuất, vào nửa đêm. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. Chỉ những doanh nghiệp biết được thông tin đó mới có thể đăng ký quota được.

"Tôi thấy đây là vấn đề bất nhất, tự đẩy chúng ta vào khó khăn, đẩy khó khăn thêm cho doanh nghiệp trong bối cảnh họ chịu tác động của dịch Covid-19", PGS, TS Thành nói.

Theo kiến nghị của tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Chính phủ cần có giải pháp thay thế hạn ngạch bởi nặng tính xin cho và đẩy khó về cho các bên mà không hiệu quả.

"Trong bối cảnh này, tôi khuyến nghị nên sử dụng chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo thay vì chính sách quota. Nếu sử dụng thuế có sự can thiệp nhưng không quá đột ngột với thị trường, ít nhất điều này tạo ra vùng đệm làm cho giá gạo trong nước luôn thấp hơn thế giới, giảm được lo lắng giá gạo trong nước tăng lên quá cao", ông Thành khuyến nghị.

Theo ông Thành, thị trường xuất khẩu thế giới đang bị gián đoạn do dịch bệnh, chỉ riêng có gạo thì nhu cầu thế giới tăng lên, đó là đường ra tốt cho xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung, của Việt Nam nói riêng.

"Chúng đang lo ngại đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Việc sợ giá gạo trong nước tăng là đúng, đúng về nguyên tắc vì nhu cầu cao thì các nước nhập nhiều, gạo trong nước thiếu sẽ khiến giá tăng. Tuy nhiên, các con số chứng minh chúng ta còn dư để xuất khẩu gạo. Lượng có nguồn cung lớn hơn trong nước, nếu người dân tích trữ thêm thì lượng gạo cũng khó có khả năng thiếu hụt", Tiến sĩ Thành phân tích.

Vị chuyên gia kinh tế của VEPR nhận định: Chính phủ lo toan rất nhiều cho người dân, tôi cho rằng cần nhìn vào vấn đề công bằng, mọi người đều bình tĩnh, đất nước mình không thiếu gạo thì không việc gì phải tích trữ thì giá gạo không tăng, thì Việt Nam có thể xuất khẩu gạo.

Theo ông Thành, nếu người dân lo lắng tích trữ gạo thì giá gạo tăng là đương nhiên. Gạo cũng giống khẩu trang, khẩu trang trước dịch bán 1-2.000/chiếc vì không có nhiều giá trị. Nhưng khi trở nên rất giá trị, thì giá tăng là bình thường.

Về vấn đề mở tờ khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch vào nửa đêm, trong ngày nghỉ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này cho rằng đây là điều quá bất ngờ và họ bị lâm vào tình thế khó khăn.

Do biết được thông tin từ các đầu mối khác nhau nên có doanh nghiệp cử nhân viên canh hải quan mở tờ khai như "canh trộm". Nhiều doanh nghiệp không nhận được thông tin không mở được tờ khai nào để xuất gạo. Trong khi đó, những doanh nghiệp biết thông tin lại mở được rất nhiều tờ khai xuất khẩu gạo.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An: Việc hải quan mở cổng đăng ký tờ khai hải quan lúc 2 giờ sáng ngày Chủ Nhật (12-4) và chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ sau đóng cổng với lý do đã khai đủ số lượng 400.000 tấn là một điều bất hợp lý.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm