Vấn đề kinh tế trong tuần:

Luật thuế tài sản chưa được xem xét

(Dân trí) - Trước hàng loạt ý kiến góp ý của chuyên gia, Chính phủ cho biết chưa xem xét, cho ý kiến về luật thuế tài sản... tiếp tục khiến dư luận nổi sóng.

Luật thuế tài sản chưa được xem xét - 1
Đề xuất thu thuế tài sản (trong đó có thuế nhà, đất từ 700 triệu đồng) tiếp tục gây xôn xao dư luận​

Chính phủ chỉ đạo chưa xem xét, cho ý kiến về Luật thuế tài sản

Vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền... sẽ bị đánh thuế. Mức thuế suất dự kiến ở mức 0,3% hoặc 0,4%.

Giữa lúc dự thảo trên gây xôn xao dư luận và nhận nhiều ý kiến trái chiều, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Luật thuế tài sản.

Trong văn bản, Văn phòng Chính phủ khẳng định: Việc Bộ Tài chính gửi xin ý kiến rộng rãi về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản là thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất chính sách để đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chưa phải là xây dựng dự án Luật.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính vì theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chỉ được trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và được Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ Tài chính đã diễn giải thêm: Luật Thuế tài sản sẽ có tác động trực tiếp trong ngắn hạn là việc đánh thuế đối với tài sản, đặc biệt là mở rộng đối tượng chịu thuế là nhà ở sẽ góp phần điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà, đất, từ đó góp phần giảm giá nhà, đất.

Sabeco được “lệnh” nộp 2.700 tỷ đồng theo yêu cầu của Kiểm toán

Tháng 3 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước thông báo kết luận yêu cầu Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải nộp khoản lợi nhuận 2.495 tỷ đồng còn lại sau phân phối về ngân sách Nhà nước (chiếm 89,59% lợi nhuận còn lại).

Tuy nhiên, Sabeco cho rằng, không có cơ sở thực hiện ngay việc nộp khoản lợi nhuận kể trên theo yêu cầu của Kiểm toán. Bởi từ trước đến nay, việc nộp thuế của công ty được thực hiện bởi hướng dẫn của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, việc yêu cầu của Kiểm toán cũng chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp và Điều lệ của doanh nghiệp.

Nhùng nhằng giữa câu hỏi nên làm theo Kiểm toán hay cơ quan thuế thuộc Bộ Tài chính, Sabeco có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương xin ý kiến Thủ tướng.

Tuy nhiên, trong lúc chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương vẫn yêu cầu phía Sabeco tạm thời thực hiện theo kết luận của Kiểm toán. Chỉ đạo này lại khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái chưa biết phải làm thế nào, tạm nộp theo cách thức nào.

Chính vì vậy, mới đây, doanh nghiệp này đã có văn bản gửi Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế với 2.700 tỷ đồng ngân sách, theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.

Bộ Xây dựng xin xe Lexus và Land Cruiser cho “nhiệm vụ đặc thù”

Bộ Xây dựng mới đây có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin điều chuyển xe ô tô từ doanh nghiệp Nhà nước về Bộ sử dụng.

Luật thuế tài sản chưa được xem xét - 2
Chính phủ đang chủ trương hạn chế mua sắm mới xe công (ảnh minh hoạ)

Bộ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc thù như tổ chức thanh tra, kiểm tra, đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước đến làm việc tại Bộ, thường xuyên đi kiểm tra chất lượng các công trình trọng điểm tại nơi vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn đi lại. Do đó, theo Bộ Xây dựng, việc không có xe chuyên dùng phục vụ công tác như hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động của Bộ.

Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và đang thực hiện cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp hiện có 2 xe ô tô, không có nhu cầu sử dụng thường xuyên, có thể đáp ứng được việc sử dụng xe chuyên dùng của Bộ Xây dựng.

2 xe này bao gồm: Xe ô tô 8 chỗ Lexus LX570 (năm sản xuất 2009), nguyên giá gần 3,8 tỷ đồng và xe ô tô 8 chỗ Toyota Land Cruiser (năm sản xuất 2008), nguyên giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu của Bộ trong thời gian Chính phủ dừng mua sắm xe công, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Xây dựng điều chuyển 2 ô tô nêu trên từ Tổng công ty HUD về Bộ Xây dựng.

10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore

Số liệu do Tổng cục Thống kê cung cấp cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2012, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan. Chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong những năm gần đây, với chính sách đổi mới, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn các nước khu vực là do sự cố gắng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp nên để tăng được một % năng suất lao động thì rất lâu.

Theo ông Lâm, với tình hình hiện nay thì 10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore, 5 người Việt chưa bằng 1 người Malaysia, gần 3 người Việt Nam mới bằng 1 người Thái Lan, thậm chí năng suất lao động của chúng ta còn thấp hơn Lào.

"Năng suất lao động của chúng ta thấp, bằng 7% Singapore nhưng nguyên nhân cơ bản là do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, còn kỹ năng, nhanh nhẹn, thông minh của người Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào. Nếu cùng điều kiện sản xuất như Singapore thì chúng ta còn cao hơn họ", ông nhấn mạnh.

Bích Diệp (tổng hợp)

Luật thuế tài sản chưa được xem xét - 3