10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore: "Do xuất phát điểm thấp"

(Dân trí) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong những năm gần đây, với chính sách đổi mới, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn các nước khu vực là do sự cố gắng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp nên để tăng được một % năng suất lao động thì rất lâu.

10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore, 5 người Việt chưa bằng 1 người Malaysia, thậm chí năng suất lao động người Việt còn thấp hơn Lào...
10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore, 5 người Việt chưa bằng 1 người Malaysia, thậm chí năng suất lao động người Việt còn thấp hơn Lào...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 2007-2016, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Phillippines.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo PPP 2012, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan. Chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng.

Xuất phát điểm thấp

Lý giải điều này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong những năm gần đây, với chính sách đổi mới, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn các nước khu vực là do sự cố gắng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp nên để tăng được một % năng suất lao động thì rất lâu.

"Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cao hơn các nước khác nhưng chênh lệch về năng suất lao động của Việt Nam với các nước khác cũng cao. Chúng ta phải nỗ lực mới rút ngắn được khoảng cách. Nhưng nói vậy không có nghĩa phải cố gắng để đuổi kịp mà phải làm thế nào để tăng năng lực nội tại của Việt Nam lên", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, với tình hình hiện nay thì 10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore, 5 người Việt chưa bằng 1 người Malaysia, gần 3 người Việt Nam mới bằng 1 người Thái Lan, thậm chí năng suất lao động của chúng ta còn thấp hơn Lào.

"Năng suất lao động của chúng ta thấp, bằng 7% Singapore nhưng nguyên nhân cơ bản là do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, còn kỹ năng, nhanh nhẹn, thông minh của người Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào. Nếu cùng điều kiện sản xuất như Singapore thì chúng ta còn cao hơn họ", ông nhấn mạnh.

"Tôi thấy tiềm năng của người Việt rất cao"

Ông Bang Huyn Woo, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng, năng suất lao động ở Việt Nam thậm chí bằng 99% so với năng suất lao động tại các nhà máy mà Samsung đang hoạt động ở các nước khác. Thậm chí, do chương trình đào tạo ở Việt Nam nên trình độ, năng suất lao động của kỹ sư người Việt có thể yếu hơn các kỹ sư Hàn Quốc, nhưng sau khi được đào tạo 1-2 năm thì kỹ sư người Việt tương đương với các kỹ sư người Hàn Quốc.

"Tôi thấy tiềm năng của người Việt Nam rất cao. Tôi không nghĩ năng suất của người Việt Nam thấp mà chủ yếu là do quá trình đào tạo, quản lý lao động mà ở đây là vai trò của các nhà quản lý. Tôi có thể lấy ví dụ về tiềm năng của người Việt như chiến thắng của tuyển thủ Việt Nam trong giải đấu vừa rồi, nếu người lao động Việt Nam có được sếp giỏi thì năng suất lao động người Việt cũng được nâng lên", ông Woo nói.

Đồng quan điểm với ông Bang Huyn Woo, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Egroup cho rằng, chính người sử dụng lao động quyết định và chịu trách nhiệm năng suất lao động của doanh nghiệp mình.

"Giám đốc phải là người chịu trách nhiệm tuyệt đối về năng suất lao động doanh nghiệp của mình. Quan trọng nhất là người đứng đầu tạo môi trường văn hóa cạnh tranh lành mạnh, thưởng phạt phân minh, thu hút người tài, giữ người tài. Đồng thời, đầu tư xây dựng chiến lược, hoạch định đúng về số lượng, chất lượng, quyết định năng suất lao động", ông Thủy nói.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam nói: "Tềm năng tăng năng suất với lao động Việt Nam là cao, nhưng phải khai phá được các yếu tố: lãnh đạo đưa ra hệ chính sách tiền lương, thưởng, đào tạo nghề gắn người lao động; hệ thống quản trị công ty và văn hóa doanh nghiệp phải có sức sáng tạo, tạo cho người lao động khả năng làm việc kỷ luật lao động".

"Thêm nữa, đặc biệt quan trọng là hệ tư liệu sản xuất gồm công nghệ, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu 70% lạc hậu, thì rõ ràng năng suất lao động không cao là đúng", bà Thanh nói.

Con người và công nghệ là yếu tố then chốt

Trả lời câu hỏi làm thế nào để nâng cao năng suất lao động, dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đinh Thị Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Tuấn Minh (Tuấn Minh Land) cho rằng, để tăng năng suất lao động, chúng ta cần chú trọng đến yếu tố con người, bởi đây là nhân tố quan trọng trong việc phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Theo bà Minh, thống kê, 2017 là năm có chỉ số tăng trưởng GDP là khoảng 6,7% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng con số này có thể còn nhiều hơn nữa nếu chúng ta cải thiện được năng suất lao động. Bởi đây là yếu tố rất quan trọng, có vai trò “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế. Thực tế là năng suất lao động của người Việt Nam hiện nay ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực chứ chưa nói đến thế giới.

"Những doanh nghiệp như chúng tôi muốn tăng năng suất lao động thì luôn tập trung phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, không ngừng bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên, tạo môi trường năng động, sáng tạo để mỗi người đều có cơ hội phát triển tối đa năng lực của bản thân. Đồng thời cũng cần thường xuyên tham gia team building, cùng đi du lịch, dã ngoại để tăng sự gắn bó, đoàn kết giữa các nhân viên với nhau cũng như giúp họ cảm thấy thoải mái, vui vẻ để làm việc hiệu quả", bà nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Egroup, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax cho rằng, con người và công nghệ chính là hai yếu tố then chốt để năng suất lao động của Việt Nam tiến xa hơn.

“Con người là nguồn tài nguyên lớn nhất của quốc gia, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang kêu gọi đầu tư nước ngoài. Với chỉ số năng suất lao động thấp thì chúng ta sẽ thua thiệt khi đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài, nên điều bức thiết hiện nay là phải nâng cao năng suất lao động bằng cách đầu tư vào con người, vào nguồn nhân lực”, ông Thủy nói.

Ông Thủy cũng cho rằng, hiện tại chi phí lao động của người Việt Nam đang rất rẻ mạt. "Chúng tôi ra nước ngoài nghe nói về năng suất lao động của Việt Nam thì rất đau. Nếu doanh nghiệp coi con người là tài sản quan trọng nhất thì hãy coi con người là khoản đầu tư, đào tạo con người, nâng cao năng lực của con người Việt Nam. Đây là động lực, sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư vào công nghệ, phải làm chủ công nghệ thì mới tạo đà cho phát triển”, ông Thủy nói.

Đồng quan điểm, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cũng nhấn mạnh tới yếu tố hàng đầu là phải tăng năng suất lao động dựa trên phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sunhouse: "Tại sao cùng người Trung Quốc, Đài Loan, 50 năm thôi đã cách chúng ta hàng trăm lần. Gốc từ đâu? Đây là cái quan trọng. Tôi cho rằng, chúng ta phải tạo môi trường cạnh tranh thực sự lành mạnh, công bằng, thể chế sẽ sản sinh ra những người xuất sắc nhất, để lãnh đạo doanh nghiệp. Phải tạo thể chế để gắn lợi ích người dân đến người quản lý, quốc gia. Đây là cái gốc rễ của vấn đề”.

Phương Dung

10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore: "Do xuất phát điểm thấp" - 2