ĐBSCL:

Lũ “cạn”, ít cá nhưng khấm khá nhờ cua, ốc

(Dân trí) - Dù đã xế chiều nhưng hàng chục người vẫn miệt mài vác từng bao ốc, cua lên bờ cho kịp chuyến hàng đi TP.HCM. Mùa lũ năm nay “cạn”, cá không nhiều nhưng con ốc, cua… đã cứu hàng nghìn nông dân chuyên “ăn” theo mùa lũ.

Nông dân dễ dàng kiếm vài trăm ngàn mỗi ngày nhờ cua, ốc

Tại khu vực chợ cá của trung tâm huyện An Phú, dù trời xế chiều gần 18 giờ nhưng hàng chục công nhân bốc vác nơi này vẫn hì hục vác từng bao ốc, bao cua ào ào lên bờ cho kịp chuyến hàng lên xe đi TP.HCM, còn chiếc Tắc Ráng thì tấp nập kẻ chạy vào người chạy ra để vận chuyển cua, ốc từ khắp nơi trong huyện thu mua về đây cho nhân công vận chuyển.

Anh Trần Văn Công, thị trấn An Phú làm nhân công vận chuyển ốc lên TP.HCM nhiều năm nay cho biết, hàng ngày anh và các anh em làm ở đây có nhiệm vụ là thu mua ốc của bà con (ốc làm sẵn) rồi ướp lạnh và đóng thùng chuyển đi TP.HCM. Nhờ vậy cuộc sống đỡ hơn so với những nghề khác khi mỗi ngày có tiền công từ 150.000 – 200.000 đồng.

Riêng gia đình anh Lên Văn Hội – có hơn 10 năm làm nghề đặt lợp cua cho biết: “Mùa lũ năm nay nhỏ quá, những người làm nghề đặt lợp cua như tôi còn sống nổi chứ những hộ giăng lưới, thả câu, đóng đáy cá linh là thua trắng luôn. Trung bình, với 200 cái lợp cua mỗi ngày cũng kiếm từ 30 - 50kg cua, với giá bán hiện này từ 10.000 – 15.000 đồng, tôi cũng bỏ túi vài trăm ngàn đồng”.


Mùa lũ cạn, cá ít, con cua, ốc đã giúp cho nhiều người dân có thu nhập ổn định từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày.

Mùa lũ cạn, cá ít, con cua, ốc đã giúp cho nhiều người dân có thu nhập ổn định từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày.

Theo ông Huỳnh Công Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông cho biết, toàn xã hiện có trên 100 hộ làm nghề đặt lợp cua, trung bình mỗi hộ đặt từ 200 – 500 cái lọp/hộ, với giá cua như hiện nay nhiều hộ đang “hốt bạc” với thu nhập từ 300.000 – 500.000 đồng/ngày nên bà con rất phấn khởi.

“Nói chung năm nay ở khu vực biên giới này bà con đang thất vọng với mùa lũ lắm vì nước nhỏ, cá không có nhiều như mọi năm. Còn nghề làm cua này đã có từ lâu nhưng năm nay giá cả được hơn nên bà con phấn khởi và nhờ con cua nhiều lắm. Năm rồi chúng tôi có cho 30 hộ cận nghèo vay vốn nên bà con cũng bám nghề, nhờ đó cuộc sống của dần ổn định!” – anh Phương nói.

Trao đổi với chúng tôi ông Phạm Thành Tâm, Phó Phòng NN&PTNT huyện An Phú cho biết, năm nay nước nhỏ hơn rất nhiều so cùng kỳ nên nông dân vùng đầu nguồn lũ này chủ yếu là đặt lợp cua, bắt ốc để bán mưu sinh là nhiều. Toàn huyện hiện có trên chục hộ làm chủ vựa thu mua cua, ốc ở các xã: Khánh Bình, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông và thị trấn Long Bình.

“Nhiều thương lái ở đây thu mua cua từ phía Campuchia đem về đây rồi vận chuyển lên TP.HCM là nhiều. Số người dân đặt lợp cua ở huyện nhiều nhưng sản lượng không bằng nước bạn! Nhìn chung là thu nhập cũng khá hơn so với các nghề đánh bắt thủy sản khác vì năm nay nước nhỏ quá, không có cá gì hết!” – ông Tâm nói thêm.

Xuất 3 tấn cua/ngày, thương lái có ngay 30 triệu

Xã Vĩnh Hội Đông là một trong ba xã đầu nguồn của huyện có thương lái thu mua cua từ Campuchia vận chuyển lên TP.HCM nhiều nhất, giúp hàng chục lao động địa phương có công ăn việc làm ổn định.

Chị Lê Thị Bạch Tuyết, ấp Vĩnh Hòa làm nghề mua bán cua gần 20 năm nay cho biết, mỗi ngày chị mua cua ở Campuchia về đây khoảng 4 tấn rồi cho nhân công lựa chọn ra. Nếu cua tốt thì để nguyên con vào bao vận chuyển đi, còn cua nhỏ và xấu thì ngâm đá lạnh sau đó xay nhuyễn ra vô từng bịch ngâm đá lạnh để bán lên Sài Gòn. Giá cua cũng từ đó mà khác nhau, dao động từ 10.000đ – 15.000 đồng/kg tùy theo loại. Sau khi phân loại ra, chị chuyển số hàng này lên giao cho các đầu mối ở TP.HCM với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Chỗ của chị Tuyết có 8 người làm thuê chủ yếu là vận chuyển và phân loại cua, thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng/người/ngày tùy theo công việc.

“Năm nay nước nhỏ hơn mọi năm nên bà con có ai làm được nghề gì đâu, toàn nhờ con cua này thôi. Cánh đồng ở Việt Nam mình ít cua hơn phía Campuchia, lượng cua mua chủ yếu là bên đó nhiều. Giá cua năm nay cũng cao hơn năm rồi khoảng 5.000 đồng/kg, bà con làm nghề cua năm nay vui lắm!” – chị Tuyết nói.


Chủ vựa cua chị Tuyết, ông Tiếp tính ít nhất mỗi ngày xuất 3 tấn cua, sau khi trừ hết chi phí mỗi ngày thu nhập từ 1 - 3 triệu đồng.

Chủ vựa cua chị Tuyết, ông Tiếp tính ít nhất mỗi ngày xuất 3 tấn cua, sau khi trừ hết chi phí mỗi ngày thu nhập từ 1 - 3 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiếp, chủ vựa cua ở ấp Bình Di, xã Khánh Bình cho biết, trước kia ông cũng làm thuê mướn và giăng câu lưới nhưng thu nhập bấp bênh. Đã ba năm nay ông chuyển sang nghề thu mua cua để vận chuyển lên Sài Gòn bán mang lại thu nhập khá cao.

“Hiện nay gia đình tôi thu mua khoảng 3 tấn cua/ngày, sau khi trừ hết chi phí, tiền nhân công này nọ thì tôi cầm chắc trong tay trên một triệu đồng/ngày rồi, khỏe và nhẹ nhàng hơn các nghề khác nhiều! Còn người làm lợp cua ít gì cũng vài trăm ngàn đồng/ngày, có lúc cua đầu mùa giá cao nên có người kiếm gần cả triệu nữa đó!” – ông Tiếp nói.

Như vậy, những hộ mua cua bán lại như bà Tuyết, ông Tiếp bình quân mỗi ngày xuất 3 tấn cua, mỗi ký chỉ cần lời 10.000 đồng, các thương lái này đã có trong tay 30 triệu đồng. Nếu trừ hết các khoản chi phí, như tiền xe, nhân công,… thì mỗi ngày các hộ này lời chắc từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng/ngày.

Trong khi đó điểm thu mua cua ốc của huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đặt tại phường Núi Sam, TP.Châu Đốc, dù trời đã tối nhưng hàng chục tiểu thương vẫn âm thầm sang cua vào bao để cân rồi cho nhân công vác thẳng lên xe tải to đùng để vận chuyển lên xe cho kịp đi Đồng Nai và TP.HCM.

“Tối mấy chúng tôi cũng ráng làm cho xong. Nếu thất hứa hôm nay coi như là mình mất mối ở đó liền. Ngày nào cũng cân cua và chuyển cua đến gần 20 giờ đêm mới xong!” – chị Hạnh, một tiểu thương ở Châu Đốc nói.

Mùa lũ năm nay nhiều bà con đầu tư rất lớn để đón lũ nhưng con lũ quá “cạn” khiến nông dân thất vọng. Việc ăn nên làm ra từ con cua, con ốc… cũng phần nào giúp họ có công ăn việc làm ổn định để mưu sinh mùa lũ cạn này.

 

Năm nay lũ nhỏ, những hộ đặt lợp cua, bắt ốc có sống hơn các ngành nghề khác khi mùa lũ về. (Nguyễn Hành)
Năm nay lũ nhỏ, những hộ đặt lợp cua, bắt ốc có sống hơn các ngành nghề khác khi mùa lũ về. (Nguyễn Hành)

 

Tuy nhiên, nhiều nhất là cua nước bạn từ Campuchia chở qua Việt Nam bán lại cho các thương lái
Tuy nhiên, nhiều nhất là cua nước bạn từ Campuchia chở qua Việt Nam bán lại cho các thương lái
Tại các chợ cua, ốc vùng biên này mỗi ngày xuất trên chục tấn cua, ốc
Tại các chợ cua, ốc vùng biên này mỗi ngày xuất trên chục tấn cua, ốc
Những loại ốc này có giá dao động từ 20.000 - 35.000đồng/kg (Nguyễn Hành)
Những loại ốc này có giá dao động từ 20.000 - 35.000đồng/kg (Nguyễn Hành)
Chính những chợ cua, ốc này đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục công nhân lao động tại địa phương.
Chính những chợ cua, ốc này đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục công nhân lao động tại địa phương.
Với các thương lái, dù trời tối cỡ nào, họ vẫn cố gắng cân hết cua cho bà con, vì họ cũng hiểu rằng đây là cả một quá trình lao động vất vả của người dân
Với các thương lái, dù trời tối cỡ nào, họ vẫn cố gắng cân hết cua cho bà con, vì họ cũng hiểu rằng đây là cả một quá trình lao động vất vả của người dân

Minh Thư – Nguyễn Hành

Lũ “cạn”, ít cá nhưng khấm khá nhờ cua, ốc - 9

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm