Hậu Giang:
Sống khỏe từ nghề “săn” chuột đồng mùa lũ
(Dân trí) - Mùa lũ là thời điểm các hộ dân đánh bắt thủy sản hái ra tiền, như xúc lươn, giăng lưới, đẩy côn… Tuy nhiên, nghề “săn” chuột đồng mùa lũ có hơn 40 năm nay hiện là nghề cho thu nhập cao nhất trong các nghề ăn theo mùa lũ.
Chính vì “khả năng” diệt lúa, diệt hoa màu… của loài chuột nên từ lâu, chuột đồng được xác định là “hung thủ” của những trận thất bát mùa màng của bà con nông dân. Miền Tây là vựa lúa, rau màu lớn của cả nước nên chuột đồng ở vùng đất này nhiều vô kể. Do vậy, “công tác” diệt chuột của bà con nông dân nơi đây được xem là “tối quan trọng” trong khâu trồng trọt.
Những năm gần đây, thịt chuột đồng được xem là món khoái khẩu của dân nhậu nên từ các nhà hàng nhỏ nhất, đến sang nhất ở khu vực Nam bộ đều có món chuột đồng trong thực đơn, như: chuột đồng chiên nước mắm, chuột đồng chiên xả, nướng mọi, nấu mẽ… Chính nhờ thị trường tiêu thụ mạnh, người dân bắt đầu hành nghề “săn” chuột đồng vào ban đêm, bán cho các thương lái, tăng thêm thu nhập.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Do nghề săn chuột vừa cho thu nhập cao, vừa giúp bà con bảo vệ mùa màng và chính quyền địa phương khen thưởng… nên ngày có nhiều người dân tham gia khi vụ mùa đã hết. Hiện nay, địa phương đang dẫn đầu ở miền Tây về số lượng người dân tham gia “săn” chuột nhiều nhất là ở ấp 4, 6, Tân Long thuộc xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang).
Tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Sửu, một thợ “săn” chuột đồng mùa lũ có hơn 15 năm làm nghề cho biết: “Nghề bắt chuột có thể làm quanh năm, tuy nhiên chỉ có mùa lũ về, các bờ thấp bị ngập nước, chuột đổ dồn lên các bờ cao. Khi đó, đợi đến ban đêm, bơi xuồng đến các bờ cao và lấy đèn soi thì tha hồ mà dùng chĩa đâm chuột”.
Để tận mục nghề săn chuột mùa lũ, chúng tôi lên chiếc vỏ lãi cùng “vi vu” gió đêm cùng anh Sửu và một số hộ dân khác để bắt đầu chuyến đi “săn” chuột đồng vào ban đêm. Do phải di chuyển qua nhiều cánh đồng nên đa phần những người “săn” chuột dùng võ lãi và máy nổ để di chuyển. Khi đến địa điểm bắt chuột, các tay “săn” chuột tắt máy và dùng sào để di chuyển.
Dụng cụ “săn” chuột đồng mùa lũ chỉ có chiếc xuồng hoặc vỏ lãi, cây chĩa (loại 3 mũi) và cái đèn soi dùng để di chuyển và soi chuột. Với những người lành nghề như anh Sửu là chỉ cần theo ánh đèn soi, khi phát hiện có ánh sáng phản xạ lại là biết có con mồi (chuột, ếch, rắn…) chuẩn bị nộp mạng cho các tay “săn” chuột. Khi gặp chuột mọi động tác của anh Sửu chậm lại, lái mũi xuồng sát mé kênh, tay anh nhè nhẹ vớ lấy chiếc chĩa 2 và phóng vụt vào bãi cỏ, tiếng chuột kêu “éc éc”. Thế là một con chuột đã được tóm gọn.
Tiếp tục cuộc “săn”, anh Sử và những tay săn chuột khác tiếp tục bơi đến các bờ ruộng, vườn cây... Anh Sửu phát hiện một con ếch to bằng trái cam, bằng những động tác chuyên nghiệp và chính xác của thợ săn, anh Sửu phóng chĩa và đâm trúng con ếch. Chẳng mấy chốc, cái thau đựng chuột đã đầy ấp. Thông thường một tay “săn” chuột, mỗi đêm bắt được từ 5 -10kg chuột. Ngoài ra, các tay “săn” chuột còn đâm được ếch, rắn có khi cả chồn. Nhưng rắn thì ít mỗi ngày chừng 0,5kg - 1 kg. Còn ếch thì 2 – 3 kg mà nhiều nhất là mùa nước lũ”.
Ngồi nghỉ mệt, ông Nguyễn Văn Tâm làm nghề săn chuột hơn 30 năm, ông Tâm cho biết: “Ngày xưa, cắm câu nhưng làm không đủ sống, còn đi xiệt điện thì bị cấm nên đành bỏ nghề chuyển sang “săn” chuột. Từ phong trào, ai săn được 500 cái đuôi chuột phơi khô sẽ đổi được 1 cái bình xịt muỗi loại 8 lít nên nghề “săn” chuột hình thành từ đó. Trước kia, bắt chuột chủ yếu đi bộ chứ đâu có bơi xuồng như bây giờ”.
Anh Lê Hoàng Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: “Săn chuột thường hoạt động từ 17 giờ đến khoảng 3 giờ sáng. Trên địa bàn xã có trên 50 hộ dân tham gia “săn” chuột đem lại thu nhập từ 300.000 – 600.000 đồng/đêm/người, tránh tình trạng xiệt điện nên nguồn thủy sản không bị hủy hoại”.
Đến hơn 12 giờ 30 sáng, nhiều thợ “săn” tập trung về chợ xã để bán chiến lợi phẩm. Nhưng trước khi bán chuột, các thợ “săn” phải thực hiện công đoạn lột da chuột tại bến chợ rồi sau đó mới mang chuột lên cân cho bạn hàng. Hiện tại giá chuột loại nhất có giá 45.000 đ/kg, loại 2, 3 từ 25.000 – 35.000 đồng/kg; Riêng ếch thì có giá 30.000 – 70.000 đ/kg (tùy loại). Còn các loại rắn như: hổ hành, hổ mang, hổ lãi…bán với giá từ 120.000 – 400.000 đ/kg (tùy loài). Do vậy, theo chúng tôi quan sát, kết thúc một đêm “săn” chuột, mỗi hộ kiếm ít nhất cũng 300.000 đồng. Có hộ soi được nhiều chuột và rắn có khi kiếm cả triệu đồng.
Khi cân chuột xong cũng khoảng 2 giờ sáng. Thông thường anh Sửu, anh Tâm và một số tay “săn” chuột khác “đá” (uống) một ly cà phê, tiện bàn tính chuyện săn chuột vào đêm tiếp theo ở cánh đồng nào rồi các anh lên vỏ lãi, nổ máy về nhà nghỉ ngơi. Lúc đó, trời cũng vừa sáng.