Lời giải đáp cho "ma trận" thị trường vàng
(Dân trí) - Con số hơn chục tấn vàng tạm nhập tái xuất đang gây ra những lo ngại nhất định, cũng như mối liên hệ của việc XNK vàng với sự nhấp nhổm của tỷ giá USD trong thời gian qua.
Tin "vịt" về việc đổi tiền và in thêm tờ 1 triệu đồng, hay sự nhấp nhổm của USD chợ đen có vẻ như càng củng cố cho những lo ngại đó.
Tạm xuất bao nhiêu, tái nhập bấy nhiêu
Trong hai con số về xuất và nhập vàng, dư luận dường như chỉ để ý đến việc giá trị tăng mạnh, mà chưa lưu tâm đủ đến sự tương đương của hai con số. Cần nói thêm, mặc dù vàng chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm hàng này, nhưng ngoài ra còn có đá quý và các kim loại quý khác.
Theo một lãnh đạo NHNN nói với PV Dân trí sáng nay 26/4, khối lượng vàng tạm xuất và tái nhập trong thời gian qua tính đến thời điểm chất dứt hoạt động này (31/3) đều là 10 tấn. Nếu tính theo giá thế giới hiện tại, giá trị tham khảo của 10 tấn vàng trên khoảng 465 triệu USD.
Con số này đủ để giải thích phần nào cho việc giá trị xuất - nhập khẩu nhóm vàng, kim loại quý và đá quý (lần lượt là 524 triệu và 461 triệu USD) tính đến giữa tháng 3 đều tăng mạnh.
"Nguồn gốc vàng tạm xuất là vàng miếng phi SJC lưu thông hợp pháp trên thị trường, không có loại vàng nào khác, còn vàng tái nhập là vàng nguyên liệu để dập vàng miếng SJC", lãnh đạo NHNN cho biết.
Giải thích nguyên nhân vì sao phải tạm xuất - tái nhập mà không chuyển đổi trực tiếp từ vàng miếng phi SJC sang SJC, vị lãnh đạo này cho biết đó là do việc chuyển đổi trực tiếp sẽ bao gồm nhiều khâu, hiện năng lực của SJC không đủ để đáp ứng nhu cầu vàng miếng SJC nên phải tạm xuất vàng phi SJC và tái nhập ngay vàng nguyên liệu với khối lượng tương ứng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi".
Vị này cũng cho biết từ 31/3, việc tạm xuất - tái nhập đã hoàn thành và trong tương lai không nhất thiết phải thực hiện việc này nếu nhu cầu vàng miếng SJC không còn đột biến như thời gian qua. Hiện nay và sau này, việc chuyển đổi từ vàng phi SJC sang SJC sẽ được kiểm định và chuyển đổi hoàn toàn trong nước.
Cũng theo NHNN, vì việc tái nhập sử dụng nguồn ngoại tệ thu từ hoạt động tạm xuất, và việc xuất - nhập được tiến hành gần như đồng thời nên thực tế hoạt động này không gây tác động đến chính sách hạn chế nhập siêu, cũng như không gây biến động trên thị trường ngoại hối.
"Tất nhiên ở đây giá trị tạm xuất, tái nhập có chênh lệch nhau một chút vì sự khác biệt về giá mua, bán tại các thời điểm, rồi các loại phí... Nhưng sự chênh lệch này rất không đáng kể", vị này khẳng định.
Cũng theo vị này, khả năng "tuồn" vàng lậu vào để dập thành vàng miếng SJC là không thể xảy ra, bởi máy dập của SJC được NHNN quản lý chặt chẽ 24/24 và niêm phong vào tất cả các giờ không làm việc.
12 tấn vàng đi đâu?
Khẳng định số vàng đấu thầu bán ra trên thị trường liên tục trong thời gian qua là từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia, đại diện NHNN cho biết có hai nhóm đối tượng mua là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp vàng.
Trong đó, các tổ chức tín dụng hiện nay đang trong trạng thái thiếu vàng để trả vàng đã huy động của dân trước đó, theo nhiều ước tính khác nhau thì khối lượng vàng các tổ chức tín dụng đang cần có thể lên tới 20 tấn.
Như vậy, có thể hiểu rằng tỷ lệ lớn trong 12 tấn vàng được NHNN đấu thầu trong thời gian qua được chính các tổ chức tín dụng mua để bù đắp trạng thái thiếu hụt, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến thời điểm tất toán vàng huy động cho dân.
Và cũng có thể hiểu, không nhiều trong số 12 tấn vàng này được đưa ra thị trường bán lẻ.
Trước lo ngại về việc liên tục xuất hàng chục tấn vàng từ kho dự trữ ngoại hối để tung ra thị trường, nguồn dự trữ quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, đại diện NHNN khẳng định rằng thông tin chi tiết về dự trữ ngoại hối thì không thể công bố, song trước khi thực hiện việc đấu thầu, NHNN đã tính toán kỹ về khối lượng cũng như giá cả để không ảnh hưởng xấu đến dự trữ ngoại hối quốc gia.
Ông cũng cho biết, sắp tới NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu vàng, cho đến khi đạt được các mục tiêu bình ổn thị trường.
Muốn mua vàng, đợi sau 30/6?
Tuy nhiên, điều khác biệt là mặc dù nguồn cung trên thị trường bán lẻ không tăng mạnh, trong khi nhu cầu vàng trung bình của VN trong các năm trước đây khoảng 20 - 30 tấn/năm, nhưng tại sao các thời điểm giá biến động gần đây không còn thấy cảnh chen chân mua vàng như trước đó? Phải chăng vì người dân "sợ" mức chênh lệch lên tới 6-7 triệu đồng của giá vàng trong nước so với vàng thế giới và tin rằng mức chênh lệch này phải giảm trong tương lai?
Giải thích cho điều này, vị lãnh đạo NHNN cho rằng: "Có nhiều người kêu giá chào thầu của NHNN là cao, nhưng thực tế các đợt đấu thầu đều được mua hết, chứng tỏ thị trường chấp nhận được mức giá đó". Ông này cũng bác bỏ việc NHNN "ép giá" các tổ chức tín dụng, vì thực tế nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng trúng thầu vàng với mức giá này.
Vẫn liên quan đến câu chuyện giá vàng, câu hỏi muôn thuở là bao giờ mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp nay đã được chuyển thành: Sau 30/6, khi các tổ chức tín dụng mua đủ vàng để "trả nợ" dân, mức chênh lệch này có được giảm xuống hay không. Tuy nhiên, câu trả lời vẫn chỉ là lý thuyết: "Về nguyên tắc thì sau 30/6, khi các tổ chức tín dụng mua xong và nhu cầu lớn này được đáp ứng thì chỉ còn nhu cầu của người dân và giá vàng sẽ giảm", lãnh đạo NHNN nói.
Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng hiện nay người dân không quan tâm đến giá chênh, mà chỉ quan tâm đến giá tuyệt đối. "Nhiều người nói với tôi rằng vùng giá quanh 42 triệu đồng/lượng là chấp nhận được rồi", vị này cho biết.
Thực tế, có thể thấy rõ rằng những nỗ lực đẩy lùi tình trạng vàng hóa và đôla hóa nền kinh tế trong hai năm qua đã cho thấy chuyển biến tích cực. Giá vàng biến động mạnh, nhưng không làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường và gây áp lực lên lạm phát. Có thể nói, mối liên hệ giữa giá vàng và giá trị đồng tiền hiện đã mờ nhạt hơn trước rất nhiều.
Trước việc USD "chợ đen" nhấp nhổm tăng trong thời gian qua, NHNN không cho rằng đó là điều quá đáng lo ngại, bởi thị trường ngoại hối chính thức hơn 1 năm qua không có biến động lớn.
Hồng Kỹ