Ai hưởng lợi sau cuộc chơi mang tên vàng?

(Dân trí) - Hai năm trở lại đây, mặc dù nền kinh tế chứng kiến biến động lớn từ nhiều ngành: chứng khoán, bất động sản, ngân hàng... nhưng có vẻ như từ khóa “vàng” vẫn là mối quan tâm số 1, gắn với hàng loạt thay đổi trong chính sách quản lý mặt hàng đặc biệt này.

Vàng phải trở về đúng vị trí của nó như một tài sản, chứ không phải là lưu thông như tiền tệ

"Vàng phải trở về đúng vị trí của nó như một tài sản, chứ không phải là lưu thông như tiền tệ"
Những người quan tâm đến kinh tế vĩ mô dõi theo chính sách vàng là có lý, bởi vàng là một phần trong dự trữ ngoại hối, có liên hệ mật thiết với tỷ giá, với giá trị đồng tiền và là một kênh đầu tư kinh điển.

Nhưng mối quan tâm đó đôi khi được nâng lên quá mức, mặc dù vàng không phải là cơm ăn nước uống, không phải là sữa hay xăng, cũng không có tên trong rổ hàng hóa tính CPI.

Điều đó, nếu không phải vì những chính sách quyết liệt khiến khuôn dạng thị trường vàng thay đổi chóng vánh, có lẽ là vì một thói quen mang tính lịch sử đặt vai trò của vàng quá cao trong đời sống hàng ngày. Vàng, lâu nay không chỉ là tài sản cất giữ, mà còn là phương tiện thanh toán, là đơn vị tiền tệ mặc dù không được thừa nhận nhưng lại được ứng xử như tiền, có thể đem gửi ngân hàng lấy lãi.

Câu nói “quý như vàng” hoặc thói quen so sánh những gì quan trọng nhất “như vàng” đã phản ánh vị trí của vàng trong mắt người dân Việt Nam. Nhu cầu dự trữ vàng “ăn già” hay làm “hồi môn” dần được coi như một thứ quyền đương nhiên, và ai không có chút vàng trong người coi như chưa có sự đảm bảo cho hậu vận.

Một khi vàng đang được định vị quá cao trong xã hội, mọi chính sách đi ngược lại những thói quen cũ đương nhiên sẽ gây ra những phản ứng, bất luận đúng sai.

Trong lịch sử Việt Nam, vốn trải qua quá nhiều thăng trầm, trải qua nhiều thể chế chỉ trong vòng mấy chục năm, thì đối với người dân vàng là một sự bảo đảm tốt. Nhiều người coi vàng là nơi trú ẩn an toàn, là phương tiện thanh toán lý tưởng, là vật quy đổi của mọi thứ hàng hóa trong mọi chế độ, mọi đồng tiền, mọi bối cảnh kinh tế.

Tuy nhiên, dưới góc độ của chính phủ hay ngân hàng trung ương, nếu để vàng trở thành đơn vị tiền tệ, thành phương tiện thanh toán thì câu chuyện ổn định vĩ mô và giá trị đồng nội tệ sẽ luôn là thách thức. Chưa có đất nước nào khuyến khích người dân ôm nhiều vàng, càng không có nước nào để người dân dùng vàng trong thanh toán. Nước nào để vàng khuynh loát, nước đó thất bại trong chính sách tiền tệ.

Ở Việt Nam, trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã có lúc người ta cho nhập vàng tràn lan, ồ ạt để bán cho dân nhằm thu tiền đồng về, coi đó như là giải pháp hút tiền để... giảm lạm phát. Người làm chính sách lúc đó quên mất rằng để nhập được vàng, ngân hàng trung ương phải xuất ngoại tệ và khiến dự trữ ngoại hối càng trở nên bi đát, trong khi số nội tệ thu về được từ bán vàng càng ngày càng mất giá khủng khiếp. Chúng ta không có quyền “truy cứu” lịch sử, nhưng nhiều người đồng tình rằng những chính sách sai lầm như vậy đã góp phần tàn phá nền tảng tiền tệ của đất nước mãi cho tới bây giờ.

“Vàng là gì?”, câu hỏi tưởng chừng đơn giản này ngay đến giới chuyên gia cũng còn nhiều quan điểm trái ngược, đại diện cho trường phái kinh tế mà các chuyên gia theo đuổi, hoặc giai đoạn lịch sử mà chuyên gia đã sống trong đó.

Theo TS. Vũ Đình Ánh - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), vàng phục vụ cho nhu cầu của 90 triệu người có thói quen tích trữ. “Không chỉ người Việt mà trên thế giới cũng thế, nó thể hiện sự giàu có của mỗi gia đình, mỗi quốc gia. Ngoài ra, vàng còn phục vụ nhu cầu kinh doanh, thanh toán, sử dụng như một sự tín chấp”, ông Ánh mô tả vai trò của vàng với người Việt Nam.

Về phần mình, TS. Nguyễn Trí Hiếu không giấu được sự ngạc nhiên về thực tế này: “Lúc ở Mỹ tôi rất ngạc nhiên khi ở VN mua nhà, cưới vợ gả chồng đều dùng vàng như một đơn vị tiền tệ. Vàng đối với người VN như một cái gì đó trầm sâu vào xã hội. Khi tôi về VN làm việc thì tôi thấy đây là một hiện tượng đáng được quan tâm”.

Không đồng tình với quan điểm cho rằng vàng là biểu tượng của sự giàu có, vốn đang đúng với tâm lý xã hội một số nước như VN, Trung Quốc, Ấn Độ..., ông Hiếu cho rằng nếu giữ tư duy này thì sẽ gây hại cho nền kinh tế. Đến lúc nào đó ngân hàng trung ương cũng không có đủ ngoại tệ để mua vàng phục vụ thị trường.

Ngoài việc cho rằng thói quen cất trữ vàng là một sự phí phạm nguồn lực, ông Hiếu còn cho rằng vàng là một công cụ rửa tiền dễ dàng nhất, tiếp tay cho nạn tham nhũng: “Cơ chế chống rửa tiền qua tài khoản ngân hàng, bất động sản... kiểm soát dễ dàng hơn. Nhưng nếu tiền “bẩn” từ tham nhũng, buôn lậu, phạm pháp đem đi mua vàng tự do, rồi cất giữ hoặc đem ra bán để rửa thành tiền “sạch” thì vô cùng khó kiểm soát”.

TS Nguyễn Đức Thành - Nhóm tư vấn của Thủ tướng, dưới góc độ một nhà nghiên cứu vĩ mô, cho rằng định hướng hiện nay của Ngân hàng nhà nước Việt Nam là đang triệt tiêu vai trò tiền tệ của vàng, đưa vàng trở lại đúng vị trí nên có của nó.

“Vàng phải là một tài sản, cũng như ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản, và lúc đó người sở hữu muốn mua, bán, cất giữ là quyền của họ. Nhưng không được để vàng đóng vai trò như tiền tệ”,  theo ông Thành. Để chứng minh cho quan điểm này, ông Thành dẫn một quan điểm mà ông cho là “hết sức sai lầm”: coi việc dân cất giữ vàng là một sự phí phạm, cần cho huy động vàng vào ngân hàng, trả lãi cho dân và chuyển vàng thành tiền để bơm vào nền kinh tế.

“Nếu để các ngân hàng, các công ty kinh doanh vàng huy động vàng, điều tiết lãi suất và điều lượng cung thị trường thì các đơn vị này sẽ đóng vai trò như một ngân hàng trung ương với phương tiện lưu thông là vàng. Ngược lại, NHNN là Ngân hàng trung ương với phương tiện lưu thông là tiền. Một nước có hai cơ quan điều hành, với hai phương tiện lưu thông thì không ổn”, ông Thành phân tích.

Chính vì thế, ông Thành bày tỏ sự đồng tình cao với định hướng thiết lập trật tự thị trường vàng của NHNN. “Tôi rất ủng hộ quan điểm này, vàng phải trở về đúng vị trí của nó như một tài sản, chứ không phải là lưu thông như tiền tệ”, ông Thành nói. Vị chuyên gia trẻ tuổi này cũng nói rằng các nhiệm kỳ thống đốc NHNN trước đây chưa có sự nhìn nhận rõ ràng về vấn đề này.

Nhìn lại cách ứng xử của NHNN với vàng trong hai năm qua, có thể thấy thị trường này đang dần trở lại thẳng hàng, ngang lối. Định hướng chính sách của NHNN, chung quy cũng xoay quanh các mục tiêu ổn định tỷ giá, đẩy lùi thực trạng “vàng hóa” và cứu các ngân hàng vượt qua nguy cơ sụp đổ vì lao đầu vào vàng. Cả ba điều này đều đã bước đầu nhìn thấy kết quả.

Những cơn sóng điên đảo của vàng đã không còn khi giá vàng thế giới biến động mạnh, dự trữ ngoại hối của VN tăng gấp 3 lần trong vòng 3 năm, những cuộc vơ vét ngoại tệ chợ đen để tự do nhập vàng cũng cơ bản chấm dứt, tỷ giá không còn nhảy múa và chực tăng dù giá vàng thế giới có khi sụt giảm tới 10% chỉ sau vài ngày, các ngân hàng cũng dần vượt qua tình trạng “chết” thanh khoản vì tất toán vàng huy động.

Trước câu hỏi “Ai hưởng lợi từ chính sách vàng thời gian qua?”, TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nói rất thị trường rằng “ai đầu tư tốt thì có lợi”. “Nhưng điều quan trọng nhất là đã ngăn chặn được rủi ro cho các NHTM vì mục tiêu lợi nhuận tham gia vào thị trường vàng có biến động khủng khiếp như vậy, có thể làm mất tất cả những nỗ lực ổn định vĩ mô, đẩy nền kinh tế đến khủng hoảng. Như vậy cái lợi là lợi chung cho toàn bộ nền kinh tế”, ông Nghĩa nhận định.

Tuy nhiên, sự bức xúc mơ hồ về mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới với trong nước vẫn còn rất cao, cũng như trước đó dư luận từng bức xúc về “độc quyền vàng SJC” hay tình trạng “vàng hai giá” giữa SJC và phi SJC.

Nói về điều này, ông Lê Minh Hưng - Phó Thống đốc NHNN thừa nhận thời gian qua cơ quan này chịu rất nhiều thắc mắc, nhưng cuộc chấn chỉnh thị trường vàng đã được xác định là cuộc cải cách thay đổi một thói quen ăn sâu vào toàn xã hội, nên NHNN phải chấp nhận những áp lực này để đi nốt con đường mà có thể chỉ sau ngày 30/6 (khi ngân hàng thương mại tất toán xong vàng huy động) “ánh sáng” sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Hồng Kỹ