Loạt cổ phiếu của giới đại gia bất ngờ “ngược dòng” giữa tâm bão

(Dân trí) - Giá cổ phiếu sụt giảm thê thảm là tình cảnh chung của thị trường chứng khoán trong tuần, song cũng có không ít mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng kỷ lục.

Cổ phiếu nhà Cường đôla tăng 79% giữa cơn “ác mộng” 

Giới đầu tư chứng khoán thực sự đã phải trải qua một cơn “ác mộng” vào sáng 9/3 ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần này.

Gây bất ngờ trong phiên, đó là vẫn có một bộ phận cổ phiếu nhỏ tăng giá bất chấp thị trường lao dốc mạnh. QCG trở thành “điểm sáng” khi được mua vào mạnh, khớp lệnh tới 1,65 triệu đơn vị, tăng trần lên 6.380 đồng/cổ phiếu và không hề có dư bán, dư mua giá trần khá cao.

Đó là phiên tăng trần thứ 8 liên tục của mã cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai - doanh nghiệp cổ phần song mang “màu sắc” gia đình doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla). Tính trong vòng 10 phiên giao dịch gần đây, QCG đã tăng giá “phi mã” gần 79% từ mức giá 3.570 đồng của phiên 25/2 lên mức giá hiện tại.

“Sốc” trước đà tăng cổ phiếu đại gia Trịnh Văn Quyết

Cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD tiếp tục đà tăng trần lên 4.260 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 14/3. Mã này vừa xác lập một chuỗi tăng 12 phiên liên tục (11 phiên tăng trần) từ mức giá 1.990 đồng, tăng tổng cộng 114%. Đà tăng của AMD dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hồi đầu tháng 3 vừa rồi, Hội đồng quản trị AMD đã công bố nghị quyết thông qua chủ trương sáp nhập vào Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tái sản FLC (GAB). Mức giá của GAB sau phiên hôm qua đang ở mức 137.400 đồng. Đáng chú ý, tập đoàn FLC và FLC Faros của đại gia Trịnh Văn Quyết đều là cổ đông của AMD.

“Đại gia mì gói” Masan huy động 3.000 tỷ đồng

Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố đã phát hành xong 30 triệu trái phiếu trong đợt chào bán ra công chúng đợt 1/2020 với tỉ lệ thành công là 100%. Tổng giá trị vốn huy động dự kiến đạt 3.000 tỷ đồng.

Lượng trái phiếu này thuộc loại trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và có thứ tự thanh toán ngang bằng với tất cả các nghĩa vụ khác không được đảm bảo dù là hiện tại hay trong tương lai của MSN.

Mệnh giá trái phiếu là 100.000 đồng/trái phiếu với thời hạn 3 năm. Lãi được trả sau định kỳ 6 tháng/lần. Lãi suất cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 9,3%/năm. Lãi suất cho mỗi kỳ tính lãi sau 2 kỳ đầu tiên được tính bằng: Tổng của 2,5%/năm + lãi suất tham chiếu (trung bình cộng của các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng hoặc tương đương bằng tiền đồng do Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan).

Chiến lược mới của ông Phạm Nhật Vượng

Cổ phiếu VHM tăng trong bối cảnh, ngày 10/3, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp VinHomes (VinHomes IZ) sang cho các công ty con là Công ty cổ phần VinHomes và Công ty cổ phần Phát triển Thành phố Xanh.

Loạt cổ phiếu của giới đại gia bất ngờ “ngược dòng” giữa tâm bão - 1

Vingroup của tỷ phú Nhật Vượng kỳ vọng chiến lược phát triển bất động sản khu công nghiệp cũng góp phần tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp thiết bị phụ trợ hàng đầu quốc tế phát triển cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái dây chuyền sản xuất ô tô nội địa, phù hợp với chiến lược tổng thể của Vingroup để đẩy mạnh phát triển mảng công nghiệp.

Thiếu gia nhanh tay gom vào, chờ ngày thắng đậm

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) vừa thông báo cổ đông nội bộ là ông Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu HPG trong bối cảnh cổ phiếu này gần đây giảm giá sâu, giống tình trạng chung trên thị trường.

Theo đó, ông Trần Vũ Minh sẽ mua 20 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 17/3 đến 16/4/2020, giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Với thị giá hiện tại, con trai ông Trần Đình Long sẽ phải bỏ ra khoảng 400 tỷ đồng.

 Thế Hưng