Cổ phiếu nhà Cường Đôla tăng 79% giữa cơn “ác mộng” trên sàn chứng khoán

(Dân trí) - Giữa lúc thị trường chứng khoán có tới 608 mã giảm, 172 mã giảm sàn thì QCG vẫn tăng giá kịch trần phiên thứ 8 liên tiếp. Chỉ trong 10 phiên gần đây, mã này tăng giá tới gần 79%.

Cổ phiếu nhà Cường Đôla tăng 79% giữa cơn “ác mộng” trên sàn chứng khoán - 1

Bức tranh thị trường "gây sốc" trong phiên sáng 9/3

Giới đầu tư chứng khoán thực sự đã phải trải qua một cơn “ác mộng” vào sáng nay (9/3) ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới.

Làn sóng bán tháo đã không hề dừng lại sau khi VN-Index rơi tự do và đánh rơi hơn 40 điểm chỉ trong ít phút thị trường mở cửa.

Bất chấp lượng tiền không nhỏ đổ vào bắt đáy cổ phiếu, các chỉ số vẫn tiếp tục nới rộng đà giảm, cho thấy sức ép khủng khiếp từ bên bán tạo ra cho phần lớn cổ phiếu trên thị trường.

VN-Index đánh mất tới 51,59 điểm tương ứng 5,79% còn 839,85 điểm trong khi đó, HNX-Index cũng đánh rơi 6,96 điểm tương ứng 6,12% còn 106,69 điểm. UPCoM-Index mất 2,47 điểm tương ứng 4,45% còn 52,95 điểm.

Chỉ trong buổi sáng, khối lượng giao dịch trên HSX đã đạt 228,24 triệu cổ phiếu tương ứng 3.570,61 tỷ đồng và các con số này trên HNX là 38,26 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 507,31 tỷ đồng. UPCoM cũng đã có 18,48 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 188,65 tỷ đồng.

Theo thống kê, toàn thị trường có tới 608 mã giảm giá và có 172 mã giảm sàn - những con số “khủng khiếp” đối với những người theo dõi chứng khoán lâu năm. Số lượng mã tăng rất khiêm tốn, với 79 mã và vẫn có 20 mã hiếm hoi tăng trần; 67 mã đứng giá.

Chỉ riêng sàn HSX, có tới 346 mã giảm, gấp hơn 10 lần so với con số 31 mã tăng giá. Có 14 mã vẫn may mắn trụ lại được mức giá tham chiếu.

Cổ phiếu nhà Cường Đôla tăng 79% giữa cơn “ác mộng” trên sàn chứng khoán - 2

"Đội ngũ" tiêu biểu trong rổ VN30 bị bán tháo bất chấp "chất lượng"

Trong rổ VN30-Index hội tụ những mã tiêu biểu nhất của sàn HSX, không một mã cổ phiếu nào tăng giá hay có thể trụ lại ngưỡng tham chiếu. Toàn bộ các mã bluechips này đều giảm và đáng nói là nhiều mã bị giảm sàn như VCB; BID; MWG, PNJ, GAS, CTD, BVH, PLX, CTG, SSI, STB, ROS. Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí bị bán mạnh, hàng loạt mã nằm sàn như GAS, PVS, PVD, PVB, PVT, PXS…

Một số mã có mức giảm sâu như VIC, VHM, VNM, VRE… đã tác động tiêu cực đến diễn biến VN-Index. Lấy ví dụ, VIC giảm 6.300 đồng khiến VN-Index mất 6,18 điểm; VHM giảm 5.300 đồng và tác động 5,14 điểm lên VN-Index; VRE cũng giảm 1.850 đồng.

Gây bất ngờ trong phiên sáng nay, đó là vẫn có một bộ phận cổ phiếu nhỏ tăng giá bất chấp thị trường lao dốc mạnh. QCG trở thành “điểm sáng” khi được mua vào mạnh, khớp lệnh tới 1,65 triệu đơn vị, tăng trần lên 6.380 đồng/cổ phiếu và không hề có dư bán, dư mua giá trần khá cao.

Đây là phiên tăng trần thứ 8 liên tục của mã cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai - doanh nghiệp cổ phần song mang “màu sắc” gia đình doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla). Tính trong vòng 10 phiên giao dịch gần đây, QCG đã tăng giá “phi mã” gần 79% từ mức giá 3.570 đồng của phiên 25/2 lên mức giá hiện tại.

Thị trường chứng khoán sáng nay bị tác động tiêu cực do nỗi lo sợ của giới đầu tư đối với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19. Chỉ trong ít ngày, Việt Nam hiện đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 thứ 30 sau khi đạt thành quả khích lệ khi khống chế dịch trong vòng gần 3 tuần không có ca nhiễm mới, chữa khỏi cho 16 bệnh nhân.

Bên cạnh đó, sự lao dốc của giá dầu cũng giáng đòn mạnh xuống tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể, ngay trước khi phiên giao dịch diễn ra, nhà đầu tư đã đón nhận thông tin xấu: Giá dầu Brent tương lai giảm 30% xuống 31,02 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Giá dầu WTI tương lai giảm 27%, xuống 30 USD/thùng, cũng thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Đây là mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 1/1991, thời điểm cả hai loại dầu đều mất giá hơn 30%.

Các chuyên gia hàng hóa Goldman Sachs ngày 8/3 hạ dự báo giá dầu do nguy cơ xảy ra một cuộc chiến về giá. Cùng với cú sốc về lực cầu năng lượng do tác động của Covid-19, cuộc chiến giá dầu được cho đồng nghĩa với triển vọng của thị trường năng lượng sẽ còn “thê thảm” hơn so với thời điểm tháng 11/2014. 

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm