“Sốc” trước đà tăng một cổ phiếu liên quan đến đại gia Trịnh Văn Quyết

(Dân trí) - Thị trường đã có một phiên hồi phục đầy ấn tượng trong ngày hôm qua, song đáng chú ý, bất chấp sự trồi sụt chung, cổ phiếu AMD vẫn băng băng chuỗi tăng trần gần 12 phiên, tăng 114% giá trị.

Nhà đầu tư đã trải qua một phiên giao dịch đầy cảm xúc trong phiên giao dịch hôm qua (13/3). Chỉ số lao dốc không phanh trong đầu phiên sáng và có lúc mất hơn 45 điểm, thế nhưng đến phiên chiều liền lập tức đảo chiều hồi phục mạnh.

Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index thu hẹp đà giảm, mất 7,47 điểm tương ứng 0,97% còn 761,78 điểm và HNX-Index cũng chỉ còn mất 0,53 điểm tương ứng 0,52% xuống 101,38 điểm. UPCoM-Index giảm 0,43 điểm tương ứng 0,85% còn 50,49 điểm.

Thanh khoản đạt 345,7 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng có 6.172,16 tỷ đồng đã đổ vào thị trường để giải ngân mua cổ phiếu. Con số này trên HNX là 84,56 triệu cổ phiếu tương ứng 831,26 tỷ đồng và trên UPCoM là 21,78 triệu cổ phiếu tương ứng 233,4 tỷ đồng.

Sắc xanh đã trở lại với hàng trăm mã cổ phiếu, mà trước đó có những mã từng bị bán sàn ngay trong phiên. Rổ VN30 ghi nhận 10 mã bật sắc xanh, 3 mã đứng tham chiếu và chỉ còn 17 mã giảm. Chỉ số VN30-Index cũng chỉ còn sụt 2,56 điểm tương ứng 0,36%.

Mặc dù số lượng mã giảm vẫn chiếm ưu thế, song HSX cuối phiên hôm qua đã có tới 147 mã tăng giá và 40 mã đứng giá so với 236 mã giảm; HNX có 74 mã tăng, 188 mã đứng giá so với 106 mã giảm và UPCoM có 78 mã tăng, 678 mã đứng giá, 118 mã giảm.

Theo đó, những nhà đầu tư cố gắng bán cổ phiếu bằng mọi giá ở thời điểm đầu phiên sáng đã bị thiệt hại nặng nề.

Cụ thể, tại thời điểm kết phiên, VIC, TCB, STB, CTG, FPT, HDB, MBB, NVL, POW, REE đã đạt được trạng thái tăng giá.

Một số mã vẫn thiệt hại khá lớn: GAS mất 2.400 đồng; MWG giảm 2.300 đồng; PNJ giảm 2.20 đồng; BVH giảm 2.000 đồng; PLX giảm 1.900 đồng; VNM giảm 1.800 đồng; BID giảm 1.700 đồng…

“Sốc” trước đà tăng một cổ phiếu liên quan đến đại gia Trịnh Văn Quyết - 1

Diễn biến tăng gây choáng của AMD trong thời gian vừa qua bất chấp VN-Index có những thời điểm lao dốc thảm

Chiều ngược lại, cổ phiếu AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD tiếp tục đà tăng trần lên 4.260 đồng/cổ phiếu. Mã này vừa xác lập một chuỗi tăng 12 phiên liên tục (11 phiên tăng trần) từ mức giá 1.990 đồng, tăng tổng cộng 114%. Đà tăng của AMD dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hồi đầu tháng 3 vừa rồi, Hội đồng quản trị AMD đã công bố nghị quyết thông qua chủ trương sáp nhập vào Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tái sản FLC (GAB). Mức giá của GAB sau phiên hôm qua đang ở mức 137.400 đồng. Được biết, tập đoàn FLC và FLC Faros đều là cổ đông của AMD.

Theo đánh giá của chuyên gia phân tích từ VDSC, hôm qua, dòng tiền bắt đáy khá lớn, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, giúp thị trường tạm thời bình ổn sau những phiên bán tháo.

Nhiều cổ phiếu đã giảm sâu bất chấp yếu tố cơ bản có thể coi là cơ hội để dòng tiền mới trên thị trường tham gia giải ngân cho mục tiêu dài hạn. Trong ngắn hạn, rủi ro vẫn ở mức khá cao và nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ các quyết định mua bán, theo hướng đề cao việc bảo toàn vốn.

Còn BVSC thì cho rằng, VN-Index bước đầu kiểm định thành công vùng hỗ trợ 710-740 điểm và được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số có diễn biến khởi sắc hơn trong tuần kế tiếp.

Trạng thái quá bán của các nhóm cổ phiếu trên thị trường đang xuất hiện trên diện rộng. Điều này đang ủng hộ cho khả năng thị trường sớm bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn.

Mặc dù vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, kể cả trong kịch bản hồi phục, chỉ số cũng sẽ phải trải qua các nhịp rung giật mạnh và có thể có thêm một vài lần kiểm định lại vùng hỗ trợ 710-740 điểm.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 và áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại. Ngoài ra, nửa cuối tuần tới sẽ là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 3/2020 và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Do đó, thị trường có thể sẽ chịu biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.

Mai Chi