Chiến lược mới của ông Phạm Nhật Vượng, cổ phiếu VinHomes tăng giá

(Dân trí) - Vingroup đang đặt kỳ vọng vào chiến lược phát triển bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, hôm qua, cổ phiếu VIC đã về vùng tham chiếu trong khi VHM tăng giá 1.200 đồng.

Diễn biến có phần bất lợi đầu phiên sáng, song nhờ tâm lý nhà đầu tư dần ổn định, các chỉ số đều đã đạt được trạng thái hồi phục vào phiên chiều ngày hôm qua.

VN-Index tăng 2,01 điểm tương ứng 0,24% lên 837,5 điểm; HNX-Index thu hẹp biên độ giảm còn 0,14 điểm tương ứng 0,14% xuống mức 106,2 điểm và UPCoM-Index tăng 0,97 điểm tương ứng 1,85% lên 53,41 điểm.

Thanh khoản đạt 298,01 triệu cổ phiếu trên HSX với giá trị giao dịch ở mức cao, đạt 5.188,52 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 62,29 triệu cổ phiếu tương ứng 646,96 tỷ đồng và trên UPCoM là 14,96 triệu cổ phiếu tương ứng 210,17 tỷ đồng.

Chiến lược mới của ông Phạm Nhật Vượng, cổ phiếu VinHomes tăng giá - 1

Cổ phiếu trong nhóm Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thường có ảnh hưởng lớn đến diễn biến chỉ số VN-Index

Sắc xanh đã trở lại với số lượng mã tăng có phần lấn lướt so với số mã giảm trên quy mô toàn thị trường. Có 389 mã tăng, 48 mã tăng trần so với 312 mã giảm và 59 mã giảm sàn.

Nhiều cổ phiếu hồi phục mạnh đã hỗ trợ đáng để cho thị trường chung. VNM tăng 4.700 đồng lên 101.700 đồng/cổ phiếu; VCB tăng 1.300 đồng lên 79.900 đồng/cổ phiếu; VJC tăng 1.000 đồng lên 114.500 đồng/cổ phiếu. VHM tăng 1.200 đồng lên 76.500 đồng còn VIC đứng giá 97.700 đồng/cổ phiếu.

VNM, VCB và VHM chính là những mã có đóng góp đáng kể nhất cho chỉ số chính ngày hôm qua với mức độ tác động lần lượt là 2,38 điểm; 1,4 điểm và 1,17 điểm.

Cổ phiếu VHM tăng trong bối cảnh, ngày hôm qua, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp VinHomes (VinHomes IZ) sang cho các công ty con là Công ty cổ phần VinHomes và Công ty cổ phần Phát triển Thành phố Xanh.

Vingroup kỳ vọng chiến lược phát triển bất động sản khu công nghiệp cũng góp phần tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp thiết bị phụ trợ hàng đầu quốc tế phát triển cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái dây chuyền sản xuất ô tô nội địa, phù hợp với chiến lược tổng thể của Vingroup để đẩy mạnh phát triển mảng công nghiệp.

Hiện tại, Vingroup đã xây dựng khu tổ hợp sản xuất VinFast quy mô 260ha và khu công nghiệp phụ trợ VinFast (dự án hiện hữu 70ha đã hoàn thành và dự án mở rộng 48ha dự kiến hoàn thành quý 4/2020) tại Hải Phòng.

Ở chiều ngược lại, BID giảm 1.200 đồng. Cổ phiếu dầu khí vẫn diễn biến bất lợi. GAS mất 3.600 đồng; PLX mất 2.450 đồng.

Trên HNX, SHB đã bị bán ra rất mạnh sau chuỗi tăng trần liên tục trước đó. Khối lượng giao dịch tại mã này rất lớn, lên tới gần 14 triệu cổ phiếu, tuy nhiên, giảm sàn 1.100 đồng xuống 10.100 đồng và đáng nói là không hề có dư mua, dư bán sàn vẫn còn hơn 750 nghìn đơn vị.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, VN-Index đang bước đầu kiểm định vùng hỗ trợ mạnh 780-820 và có được sự hồi phục.

BVSC cho rằng, thị trường có thể sẽ còn các nhịp rung lắc để kiểm định vùng hỗ trợ này thêm một vài lần nữa nhưng với việc nhiều nhóm cổ phiếu đang rơi vào trạng thái quá bán sau nhịp lao dốc mạnh trước đó có thể sẽ giúp thị trường sớm bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn từ vùng hỗ trợ trên.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là áp lực bán ròng của khối ngoại ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.

Theo đó, BVSC khuyến nghị cần duy trì trọng danh mục ở mức thấp 10-20% cổ phiếu chỉ ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung dài hạn. Với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên bán giảm tỷ trọng về mức an toàn trong các nhịp hồi phục của thị trường.

Nhà đầu tư cầm tiền mặt tiếp tục đứng ngoài thị trường hoặc chỉ thực hiện mua trading tại vùng hỗ trợ 780-820 điểm với tỷ trọng thấp, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục.

Mai Chi