“Đại gia mì gói” Masan: Huy động xong 3.000 tỷ đồng, cổ phiếu tăng mạnh
(Dân trí) - Cổ phiếu MSN của Masan Group sáng nay hồi phục 1.000 đồng sau khi công bố đã huy động xong 3.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. Tính chung trong vòng 1 tuần trở lại, MSN đã tăng giá 8,37%.
VN-Index hồi phục ấn tượng trong sáng nay (10/3), thu hẹp đáng kể biên độ giảm. Tạm kết phiên sáng, VN-Index chỉ còn mất 1,67 điểm tương ứng 0,2% còn 833,82 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,44 điểm tương ứng 0,41% lên 106,78 điểm; UPCoM-Index cũng tăng 0,88 điểm tương ứng 1,68% lên 53,32 điểm.
Thanh khoản đạt 182,11 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.149,49 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 42,91 triệu cổ phiếu tương ứng 438,12 tỷ đồng. Thị trường UPCoM có 8,32 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 108,3 tỷ đồng.
Độ rộng thị trường tuy vẫn còn nghiêng nhẹ về phía các mã giảm giá song chênh lệch không đáng kể. Thống kê cho thấy có 340 mã giảm, 66 mã giảm sàn so với 291 mã tăng và 39 mã tăng trần. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã ổn định và không còn hoảng loạn như hôm qua.
Nhiều cổ phiếu lớn sáng nay đã hồi phục và nhờ đó hỗ trợ đắc lực cho VN-Index. Trong đó, riêng VNM và VIC đóng góp lần lượt 1,52 điểm và 1,28 điểm cho chỉ số chính. Bên cạnh đó, VHM, HPG, CTG, VPB, MSN, FPT cũng đang tăng giá.
Chiều ngược lại, GAS vẫn đang gây áp lực lớn cho VN-Index, lấy đi của chỉ số tới 2,11 điểm. Tác động tiêu cực do VCB và PLX gây ra lần lượt là 1,18 điểm và 1,13 điểm. BID, BVH, MWG, HVN cũng đều đang giảm giá.
QCG tiếp tục tăng trần bền bỉ lên 6.820 đồng/cổ phiếu. Mã này không có dư bán và có dư mua giá trần hơn 383 nghìn đơn vị. Thế nhưng YEG vẫn giảm sàn, mất 5.400 đồng xuống còn 71.800 đồng và trắng bên mua.
Cổ phiếu MSN của Masan Group sáng nay hồi phục 1.000 đồng lên 53.000 đồng và giảm thiểu đáng kể thiệt hại của phiên hôm qua. Trước đó, MSN cũng đã có hai phiên tăng mạnh cuối tuần trước, tăng 1.900 đồng phiên 5/3 và tăng trần 3.500 đồng phiên 6/3. Tính chung trong vòng 1 tuần trở lại, MSN vẫn tăng giá 8,37%.
Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố đã phát hành xong 30 triệu trái phiếu trong đợt chào bán ra công chúng đợt 1/2020 với tỉ lệ thành công là 100%. Tổng giá trị vốn huy động dự kiến đạt 3.000 tỷ đồng.
Lượng trái phiếu này thuộc loại trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và có thứ tự thanh toán ngang bằng với tất cả các nghĩa vụ khác không được đảm bảo dù là hiện tại hay trong tương lai của MSN.
Mệnh giá trái phiếu là 100.000 đồng/trái phiếu với thời hạn 3 năm. Lãi được trả sau định kỳ 6 tháng/lần. Lãi suất cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 9,3%/năm. Lãi suất cho mỗi kỳ tính lãi sau 2 kỳ đầu tiên được tính bằng: Tổng của 2,5%/năm + lãi suất tham chiếu (trung bình cộng của các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng hoặc tương đương bằng tiền đồng do Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan).
Sau phiên giảm mạnh kỷ lục vào hôm qua, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, ở thời điểm hiện tại, tâm lý tiêu cực của thị trường bị chi phối bởi diễn biến phức tạp của Covid-19 và bất đồng trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mở giữa Nga và khối OPEC khiến giá dầu WTI rơi về dưới mức 30USD/thùng.
Trong bối cảnh tâm lý thị trường đang nghiêng về phe bán, xu hướng hiện tại vẫn là giảm tương đối tiêu cực và trường hợp xấu hơn thì chỉ số có thể lùi về mức 800. Theo đó, nhà đầu tư được khuyên nên tiếp tục đứng ngoài quan sát thêm một vài phiên tới để chờ đợi thị trường ổn định trở lại và theo dõi thêm diễn biến thị trường.
Công ty chứng khoán VNDirect trong báo cáo vừa phát hành cũng khuyên các nhà đầu tư ngắn hạn ở thời điểm này không nên bán cổ phiếu bằng mọi giá vì thị trường có thể đã ở gần đáy ngắn hạn.
Nhà đầu tư nên chờ đợi nhịp phục hồi ngắn hạn của thị trường để hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu, tăng tỷ trọng tiền mặt và đặc biệt hạn chế sử dụng margin ở thời điểm này để giảm thiểu rủi ro ngắn hạn.
Còn đối với nhà đầu tư dài hạn, có thể xem xét giải ngân tỷ trọng nhỏ (20-30% giá trị danh mục đầu tư dài hạn) khi thị trường về sát vùng hỗ trợ 780-800 điểm và ưu tiên các doanh nghiệp thuộc các ngành ít bị tác động của dịch Covid-19.
Các ngành nên lưu ý gồm công nghệ, tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm), ngành phân bón (hưởng lợi từ giá dầu giảm mạnh giúp tiết giảm chi phí đầu vào) hoặc các nhóm ngành xuất khẩu mà Việt Nam tự chủ được nguồn cung nguyên liệu và được kỳ vọng phục hồi mạnh khi dịch Covid-19 qua đi như ngành thủy sản (xuất khẩu tôm, cá tra).
Mai Chi