Lộ diện những doanh nhân đầu tiên trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV
(Dân trí) - Theo dự kiến ban đầu, cơ cấu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là doanh nhân trong Quốc hội khóa XIV sẽ giảm mạnh chỉ còn 7 người (so với gần 40 người trong khóa XIII). Tuy nhiên, đến nay kết quả bầu cử công bố tại TP Hà Nội cho thấy, địa phương này đã có tới 6 doanh nhân trúng cử ĐBQH.
Mới đây, Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội đã thông qua kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021.
Theo đó, trong danh sách 30 đại biểu Quốc hội khóa XIV của Hà Nội có tới 6 đại diện là doanh nhân, gồm:
(1) Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam
(2) Ông Nguyễn Quốc Bình - Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel
(3) Ông Phạm Quang Thanh - Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội
(4) Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)
(5) Ông Nguyễn Phi Thường - Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco)
(6) Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Trước đó, theo cơ cấu dự kiến ban đầu, số lượng đại biểu doanh nhân trong Quốc hội khóa XIV chỉ là 7 người. So với số lượng đại biểu doanh nhân tại Quốc hội XIII (gần 40 người) thì cơ cấu đại biểu doanh nghiệp trong Quốc hội khóa XIV có sự sụt giảm mạnh.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của 2 nữ doanh nhân là bà Đặng Thị Hoàng Yến (đoàn ĐBQH tỉnh Long An) và bà Châu Thị Thu Nga (đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Trong đó, bà Châu Thị Thu Nga bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Thực tế này đã làm dấy lên không ít mối băn khoăn của cử tri về chất lượng ĐBQH là doanh nhân trong Quốc hội. Hơn nữa, cũng có không ít lo ngại liệu có thể xảy ra tình trạng lực lượng doanh nhân trong Quốc hội "lũng đoạn" chính sách hay không.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí về vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội cho biết, khi tính cơ cấu 7 người là đại biểu doanh nhân trong Quốc hội khóa XIV thì đã tính đến ảnh hưởng và tác động của doanh nhân với các chính sách về kinh tế - xã hội trong quá trình biểu quyết.
Ông Phúc nhấn mạnh: "Doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với kinh tế đất nước. Nhiệm kỳ vừa qua, sự đóng góp, phát biểu của doanh nhân, doanh nghiệp tại Quốc hội là rất tích cực. Tuy nhiên, trong Quốc hội đòi hỏi một cơ cấu hợp lý. Nếu cơ cấu doanh nghiệp nhiều quá thì sẽ mất các cơ cấu khác đi".
Nói với Dân Trí, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng, với việc dự kiến giảm số lượng đại biểu doanh nhân còn 7 người, so với khóa trước gần 40 người thì chênh lệch là rất lớn.
"Kỳ vọng của đông đảo cử tri là tất cả các ĐBQH doanh nhân khóa XIV là những đại diện tiêu biểu, xuất sắc, nói lên được tiếng nói của một cộng đồng rộng lớn với hơn 500.000 doanh nghiệp và 3 triệu hộ gia đình trên cả nước. Mong mỏi của những người trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được gửi gắm qua 7 ĐBQH này", bà Hường bình luận.
Vị đại biểu này cũng chia sẻ thêm rằng: "Tất nhiên về phương diện cá nhân, tôi cũng rất mong muốn có thêm đại diện là ĐBQH doanh nhân tham gia vào Quốc hội khóa XIV, bởi so với 500 đại biểu Quốc hội thì tỉ lệ này khá khiêm tốn. Hơn nữa, khối doanh nghiệp, doanh nhân là một lực lượng lớn của xã hội, có đóng góp lớn cho đất nước trong suốt quãng thời gian rất dài và vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân vừa qua cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định".
Với diễn biến cho đến thời điểm hiện tại, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong khóa XIII, dự kiến cơ cấu ban đầu chỉ 6 đại biểu doanh nhân nhưng sau đó kết quả trúng cử lên tới gần 40 người. Do đó, theo ông Lộc, cần chờ kết quả công bố cuối cùng trong thời gian tới mới có thể biết được chính xác bao nhiêu doanh nhân sẽ trúng cử ĐBQH khóa XIV.
Bích Diệp