1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề nghị giám sát… lời hứa của Đại biểu Quốc hội

(Dân trí) - Quốc hội đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác lập pháp nhưng vẫn còn khá “mờ nhạt” về vai trò giám sát. Cử tri TPHCM đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát, thậm chí giám sát cả những lời hứa của đại biểu dân cử.

Chiều 10/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các ứng cử viên Tổ đại biểu số 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 3.

Tại buổi tiếp xúc này, cử tri quan tâm nhiều đến vai trò lập pháp của Quốc hội cũng như việc thực hiện các chương trình giám sát, phòng chống tham nhũng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề giáo dục, việc làm cho thanh thiếu niên…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 10/5
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 10/5

Sợ cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”

Cử tri Hà Hạnh nhận định rằng, kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 12 đến nay, đất nước đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Nguyên nhân chính của những thành công đó là nhờ Đảng làm tốt công tác nhân sự, sáng suốt bầu chọn những con người có tầm nhìn xa, đi vào ngõ ngách cuộc sống.

Điều mà ông Hạnh quan tâm hiện nay chính là vai trò giám sát của Quốc hội còn khá mờ nhạt. Nhiều kiến nghị, bức xúc của người dân phản ánh không được giải quyết đến nơi đến chốn. Các cơ quan chức năng thực hiện không tròn trách nhiệm khiến người dân, doanh nghiệp kêu ca nhưng không có ĐBQH nào lên tiếng. Nhiều “công bộc” của dân hứa rồi để đó, nói không đi đôi với làm. Từ đó, ông Hạnh đề nghị Quốc hội cần phải giám sát luôn cả lời hứa của các người đứng đầu cơ quan chức năng, thậm chí giám sát luôn cả lời hứa của các ứng viên khi ứng cử làm đại biểu Hội đồng Nhân dân, ĐBQH.

Cử tri khá bất bình về nạn tham nhũng vẫn còn hoành hành
Cử tri khá bất bình về nạn tham nhũng vẫn còn hoành hành

Cũng theo ông Hạnh, vấn đề chủ quyền và bảo vệ chủ quyền phải đặt trên bàn nghị sự, chống tham nhũng phải từ gốc là xây dựng luật, chính sách, cơ chế. Quốc hội cần có biện pháp mạnh để đảm bảo an ninh trật tự chứ không thể ra đường hễ va quẹt là đấm đá, rượt đuổi đánh nhau trong quán nhậu…

“Nếu coi kinh tế tư nhân là động lực thì phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Cái gì của thị trường thì để thị trường giải quyết, tự điều chỉnh, pháp luật không nên can thiệp. Cần lắm những buổi đối thoại của Thủ tướng với công nhân, doanh nghiệp như vừa rồi. Đó là nét đẹp và cứ làm thế thì kinh tế phát triển mạnh”, cử tri Hạnh nói.

Cử tri mong ĐBQH nói tiếng nói của dân chứ không nói chính kiến cá nhân mình
Cử tri mong ĐBQH nói tiếng nói của dân chứ không nói chính kiến cá nhân mình

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Hữu Châu bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến công tác chống tham nhũng. Ông Châu yêu cầu phải giảm 30% biên chế, tăng lương cán bộ thì mới giảm tham nhũng, không có tình trạng sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về.

“Hãy nhìn Singapore, Úc mà học tập. Ở đó người vô gia cư, thất nghiệp vẫn hạnh phúc, bởi nước họ không có tham nhũng. Tôi không muốn xảy ra bất kỳ vụ nào như quán cà phê Xin Chào, chòi vịt ông Bỉ. Đau lòng quá. Đó là biểu hiện của lạm quyền, tùy tiện, hình sự hóa vô căn cứ, xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân ghi trong Hiến pháp. Tôi đề nghị ứng viên ĐBQH cần quan tâm các vấn đề sát sườn trên”, ông Châu nói.

Một cử tri trẻ góp ý tại hội nghị
Một cử tri trẻ góp ý tại hội nghị

Bao giờ trả hết nợ?

Cử tri Trần Phát Lạt bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn ô nhiễm môi trường khi người dân ăn cơm phải chui vô mùng để tránh bụi. “Công nghiệp hóa mà không kiểm soát được môi trường thì làm hại chứ không phát triển đất nước được đâu. Tại sao người trốn thuế bị phạt nặng mà làm ô nhiễm môi trường bị phạt hành chính? Phải bỏ tù người làm ô nhiễm môi trường như trốn thuế mới công bằng”, ông Lạt đề nghị.

Cử tri Lê Thanh Tùng mong những người trúng cử ĐBQH thì “hãy như ông Trương Tấn Sang, Trần Du Lịch”. Hãy đại diện cho dân, nói lên tiếng nói của dân chứ không chỉ nói quan điểm cá nhân của mình.

Đề nghị giám sát… lời hứa của Đại biểu Quốc hội - 5

Ông Đinh Thế Dũng thẳng thắn chất vấn: “Tỉ lệ nợ công cao. Cao bao nhiêu, cao thế nào, dân chúng tôi không biết. Đến bao giờ trả hết nợ, lấy gì trả nợ khi nước ta thiếu trước hụt sau?”.

“Chống lãng phí và thực hành tiết kiệm ta nói là quốc sách nhưng từ Trung ương đến địa phương chưa thực hiện đúng. Các cơ quan tiếp khách sao mà phải dùng đến nhiều hoa tươi từ trong ra ngoài phòng quá vậy. Tốn kém lắm. Phải tiết kiệm từ cây kim sợi chỉ như Bác Hồ từng nói. 1/3 đội ngũ công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, dân thì è cổ ra nuôi thì sao mà chịu nổi”, ông Dũng thẳng thắn nói.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cử tri
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cử tri

Thay mặt Tổ ĐBQH, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp xác đáng của bà con cử tri. Chủ tịch nước khẳng định, mỗi cán bộ, Đảng viên phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, là công bộc của dân.

Chủ tịch nước cho biết sẽ tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, tham nhũng, xâm phạm lợi ích, tài sản tính mạng của nhân dân. Phải tạo một xã hội thượng tôn pháp luật để người dân an tâm an cư lạc nghiệp.

Bài: Công Quang

Ảnh: Nguyễn Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm